Clip: "Vua chó mèo" Bảo Sinh tiết lộ về vợ kém 13 tuổi.
Nhà báo Hà Sơn: Ông làm thơ trong đó có nhiều bài về vợ nhưng thấy hiếm khi nói về bà xã. Vì sao vậy?
Ông Bảo Sinh: Không, tôi có giấu gì đâu. Tôi là người rất cởi mở về vấn đề này vì vấn đề vợ con là lớn nhất. Ví dụ tôi nói về vợ có làm vần thơ thế này:
"Vợ là thánh chỉ vua ban
Có sao dùng vậy miễn bàn đúng sai
Quỷ thần chứng cả hai vai
Vợ là thiên tạo chả ai địch bằng"
Ngoài ra tôi cũng từng viết câu thơ:
"Sợ vợ tới chỗ tận cùng
Ta sẽ cảm thấy như không sợ gì”
Tôi nói các anh đàn ông đừng bao giờ đứng núi này trông núi nọ: "Đổi vợ như đổi trại giam/ Tù trung thân lại chuyển sang suốt đời".
Đừng nghĩ cô sau hay hơn cô trước nên hãy yên tâm sống với cô vợ này. Nhất là đến khi ta già rồi, vợ chồng tối kị cãi nhau, cố nhẫn mà chịu, không bao giờ nên cãi nhau và vợ chồng đối với nhau phải biết ứng xử. Là vợ chồng là phải biết nhường nhịn nhau, nên về vợ tôi viết nhiều lắm.
"Đàn ông như thể cánh diều
Đàn bà cầm sợi tơ điều trong tay
Đừng già néo kẻo đứt dây
Thả trùng xuống để diều bay đúng tầm"
Nhà báo Hà Sơn: Tôi đang thắc mắc người đàn ông văn võ song toàn như ông có tuyệt chiêu gì để người phụ nữ của mình yêu và gắn bó?
Ông Bảo Sinh: Tôi có thể gặp rất nhiều cô gái nhưng có làm câu thơ này: "Thế giới hình như chỉ một bông hồng".
Nhà báo Hà Sơn: Bác gái vốn làm nhà giáo, vậy trong gia đình bác gái sẽ là người quán xuyến việc chăm lo và dạy học các con phải không, thưa ông?
Ông Bảo Sinh: Vấn đề dạy con chắc chắn phải có sự kết hợp giữa vợ và chồng nhưng tôi lại có một số cái khó thế này. Thứ nhất tôi là người có suy nghĩ khác thường nên điểm đầu tiên để vợ thống nhất với mình là khó nhất. Tôi quan điểm với con cái không phải giáo dục nó trở thành mình mà giáo dục nó trở thành nó. Thế nhưng vợ muốn giáo dục con trở thành mình nên tôi phải vượt qua vấn đề đó khó khăn nhất. Ngay cả việc tôi nuôi chó nuôi mèo, vợ cũng đâu có thích:
Vợ thường khuyên sớm khuyên trưa
Nếu yêu mèo chó thì chưa cho động phòng
Thật sự nói để vợ, con chấp nhận thì đoạn đường cực kỳ khó khăn vì những người có tư tưởng khác người như tôi.
Đối xử với người nhà là khó nhất thế nhưng những người như tôi chịu nhiều gian khổ nhất vì tư tưởng, cách sống cũng chả giống ai nên muốn người khác thống nhất không được, chỉ sau này mình thành công người ta mới công nhận. Tuy nhiên, khi người ta công nhận mình cũng sắp sửa xuống thăm tổ tiên rồi. Cho nên ông Nguyễn Huy Thiệp bạn văn của tôi bảo: “Ông Sinh thành công quá muộn”. Thường thường ông bạn nhà văn của tôi như Nguyễn Huy Thiệp thành công từ năm 35 tuổi, tôi có lẽ thành công từ năm 80 tuổi... (cười).
Nhà báo Hà Sơn: Ông có 4 người con vậy có thể tiết lộ đôi chút về họ?
Ông Bảo Sinh: Tôi luôn tâm niệm với các con phải giáo dục toàn diện. Thứ hai phải quan niệm nó trở thành nó chứ không phải trở thành mình. Tôi cho rằng một trong những giáo dục của các gia đình mà tôi là người vấp phải nhưng vẫn sửa sai được đó là những gì mình không thực hiện được thì bắt con thực hiện ước mơ của mình, tức là mình bị tham quá. Chính mình giáo dục nó phải bỏ cái tham đi, tham tức là những gì mình không đạt được mình muốn nó phải thực hiện thay mình, đó là tham, là không hiểu.
Cũng giống như dạy võ, phải dạy cho con trở thành nó, võ sĩ phải đánh không giống người nào khác. Giáo dục con cái tôi rút kinh nghiệm là để nó tự phát triển, không nên tham dự vào để biến nó thành mình, đấy là cái sai lầm lớn nhất của các bậc cha mẹ. Con trai tôi hiện đang làm Giám đốc công ty dịch thuật, con gái một người làm Giám đốc các công ty về dệt may còn một người làm chủ một khách sạn lớn ở Hà Nội cũng như chuỗi các cửa hàng đồ ăn Nhật.
Nhà báo Hà Sơn: Trong 4 người con có ai thơ văn giống ông?
Ông Bảo Sinh: Nhà tôi tất cả 11 anh em chỉ có mình tôi yêu thơ giống bố. Các con cho đến các cháu không ai yêu thơ cả. Thằng cháu ngoại khi còn bé nó làm một bài thơ bài văn cho cô giáo, mẹ nó bảo: "Mày làm thơ giống ông ngoại". Nó liền đập đầu vào tường nói: "Nếu phải làm thơ thà chết đi còn hơn" nhưng đến giờ nó thay đổi quan điểm. Khi cháu làm sinh nhật có mấy người bạn ở trường Đại học sang dự, đọc một số câu thơ và bảo thơ ông ngoại mấy người bạn không tin bảo nói láo, thấy thơ hay tự nhận. Cháu tôi phải mở Google thì bạn bè mới công nhận. Từ đấy trở đi cách nhìn làm thơ của nó cũng thay đổi. Nó yêu thơ hơn qua quá trình tiếp xúc với bạn bè bên Mỹ.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng mình sinh ra làm thơ đừng bao giờ tham lam nghĩ rằng các con sẽ làm, kệ nó vì thơ ca khắc nghiệt lắm. Làm thơ chỉ nên để chơi chứ đừng nghĩ cái gì tham sân si ở trong đó. Nên ngày xưa người ta nói: “Lập thân tối hạ thị văn chương”, văn chương chỉ chơi, còn trời cho anh thành công hay thất bại lại là việc khác. Mình phải làm nghề khác để kiếm ăn chứ đừng bao giờ phấn đấu tất cả cho văn chương. Mặc dù tôi yêu văn chương đến phút cuối đời bố tôi cũng vậy nhưng làm nghề phải làm nghề khác.
Nhà báo Hà Sơn: Người làm giáo dục thường chỉn chu, ông văn thơ chắc lãng mạn vậy trong quá trình sinh sống hai vợ chồng ông có nhiều mâu thuẫn? Ông có dùng thơ ca để làm lành bà xã mỗi khi bị... giận?
Ông Bảo Sinh: Tôi mắc khuyết điểm đó là thích người vợ trẻ và đẹp. Đấy là một cái tội, thành ra cũng đáng yêu. Vợ tôi kém 13 tuổi, cách nhau như thế mà với tính tình của tôi không ai có thể hợp ngay mình được. Các gia đình khác cũng có mâu thuẫn, nhưng mâu thuẫn của tôi sẽ căng thẳng hơn và cách giải quyết của tôi không phải bằng thơ mà bằng cách tìm lại cội nguồn của mâu thuẫn nằm ở đâu. Đừng bao giờ nghĩ chuyện dạy vợ. Người ta bảo: "Dạy con từ thuở còn thơ. Dạy vợ từ lúc nó chưa dạy mình".
Mọi người sinh ra phải tôn trọng hoàn cảnh của nhau.
Chối bỏ cách sống một người
Là mình chối bỏ cái trời sinh ra
Chối bỏ cách nghĩ người ta
Là mình tự cắt thịt da của mình.
Tức là trong cuộc sống mình hòa nhập, tôn trọng để người ta phát triển, chứ không phải mình giáo dục, dạy dỗ. Anh phải cộng sinh, hòa nhập, chịu đựng và chấp nhận và trong cái nhẫn đó, nhẫn của một người hiểu biết là tu, không biết mà nhẫn là ngu như... bò. Mình phải nhẫn với vợ, nhẫn trong sự hiểu biết. Tôi biết nguyên nhân xảy ra cái này vì sao, diễn biến đến đâu và phải tìm hiểu tận cùng của lẽ không hợp nhau ấy và tìm ra cách giải quyết. Cho nên cuối cùng tôi vẫn nói:
"Dù đời thường nhầm lẫn
Vẫn hết lòng với nhau
Thuốc bắc ngấm về sau
Đời ăn nhau hậu vận”.
Tôi đến năm 80 tuổi càng sống cởi mở hơn, thế là thành quả của tôi. Những người đi theo con đường mới thường thành công nhưng ăn về hậu vận, tiền vận thì vất vả.
Cách tôi đối xử với vợ với con là do quan điểm mình đi trước thời đại nhiều quá. Những bài thơ tôi viết cách đây 50 năm nhưng lại rất hợp với tụi trẻ bây giờ, tức là tư duy của mình đi trước họ. Những người đi trước sống được là mạnh, anh phải chịu đựng được muôn vàn cái khổ. Vì thế cô đơn là lẽ đương nhiên. Cho nên tôi nói: “Người mạnh nào cũng cô đơn/ Vì rằng kẻ yếu đông hơn rất nhiều”.
Nhà báo Hà Sơn: Tôi đang thắc mắc một người khá khác biệt như ông có khi nào cảm thấy lạc lõng, cô đơn?
Ông Bảo Sinh: Thứ nhất, anh muốn làm việc khác mọi người mà suy nghĩ khác thì không ai đồng cảm với anh. Tất nhiên bây giờ anh chỉ uống bia với chơi đề thì nhiều bạn lắm. Bây giờ anh sáng tạo tìm con đường đi mới chắc chắn đôi khi phải cô đơn. Nhưng chẳng gì sợ bằng cô đơn ngay trong gia đình mình. Anh có thành công thế nào vẫn phải có lúc cô đơn, cô đơn theo cách khác là:
Tuyệt đỉnh vinh quang là tận cùng cay đắng
Ngoảnh mặt nhìn không một bóng thân thương
Đành ôm trong mình một vầng trăng khuyết
Để nhớ về những giấc mộng đế vương
Xin cảm ơn ông rất nhiều về cuộc trò chuyện!
Sơn Hà - Xuân Quý - Đức Yên - Bạt Tuấn
Thiết kế: Hằng Trần