Phát triển vùng là một chủ trương lớn của Đảng, được khẳng định rõ trong Văn kiện Đại hội Đảng qua các nhiệm kỳ nhằm xây dựng quy hoạch, tổ chức không gian lãnh thổ quốc gia một cách hợp lý, phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của mỗi vùng, địa phương và tăng cường tính liên kết nội vùng, liên vùng và khai thác tốt hơn các thế mạnh của các vùng, nội vùng trong phát triển.

Vùng đồng bằng sông Hồng bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính đất liền và không gian biển của thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng và 9 tỉnh: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.

Phía Bắc, Đông Bắc và phía Tây, Tây Nam giáp vùng trung du và miền núi phía Bắc; Phía Nam giáp vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; Phía Đông giáp Vịnh Bắc Bộ.

Vùng có trình độ phát triển kinh tế thứ hai trên cả nước, sau vùng Đông Nam Bộ. Giai đoạn 2005-2020, tăng trưởng kinh tế của vùng đạt 7,94%/năm, năm 2020 chiếm 29,4% GRDP cả nước, thu nhập bình quân gấp 1,3 lần bình quân cả nước, tỷ lệ đô thị hóa trên 41%, trên 99% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Giai đoạn 2011-2020, tăng trưởng kinh tế của vùng bình quân đạt 8,02%/năm (cả nước: 5,95%/năm). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011-2020 tăng bình quân 8,6%/năm; năm 2022 đạt 1.123 tỷ đồng, chiếm 33,8% cả nước. GRDP bình quân đầu người: 123 triệu đồng, vùng Đông Nam Bộ (157 triệu đồng), gấp 1,28 lần bình quân cả nước (96,1 triệu đồng). Quy mô dân số lớn nhất cả nước, đang trong thời kỳ “Dân số Vàng”. Năm 2022, có 11,4 triệu lao động (chiếm 52,2% tổng dân số).

Giai đoạn vừa qua, vùng Đồng bằng sông Hồng luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh, đi đầu trong công nghiệp hóa - hiện đại hóa, kết cấu hạ tầng vùng đã được đầu tư phát triển mạnh.

Tuy nhiên, vùng đang đối mặt với những vấn đề cần giải quyết:

Vùng đồng bằng sông Hồng có hệ thống kết cấu hạ tầng tốt nhất trong sáu vùng của cả nước, nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh. Hệ thống giao thông vận tải phát triển chưa hài hòa, đường bộ, đường không khá tốt, nhưng đường sắt, đường thủy nội địa còn yếu, vì vậy chưa tạo được sự đồng bộ, liên kết hạ tầng giao thông giữa các địa phương trong vùng.

Phát triển cơ sở hạ tầng thương mại ở vùng là còn yếu và ít so với cả nước. Là trung tâm công nghiệp lớn, nhưng trong vùng hiện mới có 26 trung tâm logistics, nhiều địa bàn có lợi thế về phát triển lĩnh vực này nhưng vẫn có ít trung tâm logistics. Thành phố Hải Phòng là trung tâm dịch vụ cảng biển, hàng hải và vận tải biển lớn của cả nước, nhưng mới có hai trung tâm logistics, hạ tầng cảng biển chậm được đầu tư, nâng cấp so với yêu cầu phát triển.

Tuyến đường sắt Hà Nội-Hải Phòng chưa kết nối với các cảng biển tại Đình Vũ, cho nên không phát huy được vai trò trong vận tải. Phát triển đường thủy nội địa chỉ đáp ứng được nhu cầu rất nhỏ và không hỗ trợ nhiều cho vận chuyển hàng hóa.

Kinh tế vùng đồng bằng sông Hồng tăng trưởng khá cao trong những năm qua, nhưng tăng trưởng chưa dựa vào tiến bộ khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chưa sẵn sàng tận dụng hiệu quả các cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Sự phát triển của các địa phương trong vùng chưa đồng đều, có sự chênh lệch rõ ràng giữa các tỉnh, thành phố thuộc tiểu vùng phía bắc đồng bằng sông Hồng (vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ) và các tỉnh phía nam đồng bằng sông Hồng.

Tổng thu ngân sách của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ thể hiện sự vượt trội. Cả bảy địa phương của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đều tự cân đối ngân sách.

Đối với bốn tỉnh phía nam đồng bằng sông Hồng, năm 2022, hai tỉnh Ninh Bình, Hà Nam phấn đấu tự cân đối ngân sách và có điều tiết về Trung ương, còn hai tỉnh Thái Bình và Nam Định vẫn chưa thực hiện được. Đây cũng là những địa bàn được đánh giá là có môi trường đầu tư ở địa phương chưa hấp dẫn, vốn đầu tư xã hội còn ít. 

Các địa phương trong vùng chưa phát huy, khai thác tốt các tiềm năng, nguồn lực văn hóa, xã hội cho phát triển kinh tế-xã hội. Trong vùng mới có thành phố Hà Nội, các tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình là tập trung phát triển du lịch bài bản, đóng góp đáng kể cho ngân sách, còn lại các địa phương khác vẫn còn khá hạn chế.

Sự phát triển của vùng thời gian qua chủ yếu vẫn mang tính độc lập, đơn lẻ của từng địa phương trong vùng, tính liên kết, hợp tác phát triển chưa cao; chưa có sự phân công nhiệm vụ cụ thể, cũng như xác định rõ vị trí, vai trò của từng địa phương trong vùng.

Với vai trò là "đầu tàu" của vùng, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều hoạt động liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng, nhưng mới rõ nét trong lĩnh vực thương mại, hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là hoạt động kết nối giữa Hà Nội với từng địa phương, chứ chưa có "nhạc trưởng" điều phối trong cả vùng. Hoạt động cũng mang tính "thời vụ", chưa được tổ chức bài bản, đều đặn, áp dụng với nhiều mặt hàng, sản phẩm khác.

Còn trong những lĩnh vực quan trọng khác thì sự liên kết vùng chưa rõ ràng. Trong lĩnh vực công nghiệp, hiện vẫn có tình trạng mạnh tỉnh nào, tỉnh đó làm, thậm chí, Hà Nội còn đang phải cạnh tranh với các tỉnh Hà Nam, Bắc Ninh... trong thu hút các dự án vào các khu, cụm công nghiệp do sự chênh lệnh về giá đất, diện tích mặt bằng sản xuất...

Theo Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (DSI), Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Vịnh, nếu giải quyết được các điểm nghẽn này, sẽ tạo ra được sự phát triển mới cho vùng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc hoàn thiện khung định hướng, tiến tới xây dựng Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng là cơ hội để sắp xếp, định vị lại không gian phát triển, bố trí và phân bổ các nguồn lực để làm sao tổ chức, tạo nên động lực mới, không gian mới, đưa các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng phát triển nhanh và bền vững.

Theo định hướng phát triển vùng đã được xác định tại Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, vùng Đồng bằng sông Hồng là động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 9%/năm.

Đồng thời, tập trung phát triển các ngành sản xuất công nghiệp và dịch vụ hiện đại, phát huy vai trò trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao dẫn đầu cả nước, xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, đi đầu trong phát triển khoa học, công nghệ.

Được biết, Dự thảo Khung định hướng quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng đã nhận diện khá toàn diện các điều kiện, yếu tố phát triển đặc thù của vùng về các yếu tố, điều kiện tự nhiên; điều kiện, yếu tố kinh tế - xã hội. Nội dung nêu tương đối khá đầy đủ, toàn diện chung cho cả vùng. Dự thảo cũng đã đề cập các nội dung quán triệt được quan điểm phát triển vùng theo Nghị quyết số 30, có bổ sung quan điểm về tổ chức không gian và phát triển kết cấu hạ tầng.

Về tổ chức không gian thực hiện chức năng xây dựng vùng Đồng bằng sông Hồng là động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước. Xây dựng vùng động lực phía Bắc đi đầu trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; phát huy vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của quốc gia. Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng hiện đại, lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và động lực phát triển của vùng.

Phương hướng tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội của vùng cũng phải được cụ thể theo các tiểu vùng và phát triển các hành lang kinh tế nội vùng và liên vùng, kết nối với vùng trung du và miền núi phía Bắc, hành lang kinh tế Bắc - Nam trên địa bàn vùng. Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và hạ tầng kết nối đồng bộ, hiện đại. Tập trung xây dựng hạ tầng đô thị hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, thoát nước, sớm khắc phục tình trạng tắc nghẽn, ngập úng.

Về tổ chức không gian phát triển, cơ quan tư vấn cho rằng, sẽ hình thành chuỗi đô thị thông minh; tỉ lệ đô thị hoá đạt trên 55%. Tổ chức và phát huy tốt các hành lang kinh tế, đặc biệt là hình thành và phát huy hành lang kinh tế (mới) ven biển, để tạo động lực cho sự phát triển của tiểu vùng phía Nam, tăng cường kết nối phát triển với các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và cả nước.

Không gian phát triển của vùng sẽ tập trung theo 3 hành lang quốc gia (kết nối quốc tế) – 2 hành lang bổ trợ kết nối liên vùng – 1 hành lang ven biển - 1 vùng động lực và 2 tiểu vùng.

Các hành lang kinh tế bao gồm: Hành lang kinh tế Bắc – Nam; hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Đối với hành lang kinh tế ven biển, phát triển các khu kinh tế ven biển, các trung tâm du lịch, dịch vụ logistic, nông nghiệp, công nghiệp chế biến nhằm tận dụng, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế từ biển, hình thành các cụm liên ngành trong phát triển kinh tế biển.

Nghiên cứu phát triển các hành lang Lai Châu - Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội và Hà Giang - Tuyên Quang - Hà Nội để tăng cường hợp tác liên vùng, tạo sự lan tỏa phát triển đối với toàn vùng Bắc Bộ.

Cụ thể hóa định hướng không gian vùng động lực phía Bắc của quốc gia, trong đó thành phố Hà Nội là cực tăng trưởng. Theo đó, vùng động lực Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, tỉnh Bắc Ninh và các địa bàn cấp huyện dọc theo trục Quốc lộ 5 và Quốc lộ 18 qua các tỉnh Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương; trong đó, Thủ đô Hà Nội là cực tăng trưởng. Định hướng phát triển chính, gồm: Xây dựng mạng lưới hạ tầng khung kết nối vùng như đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Hải Phòng, các tuyến vành đai 4, vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội, cao tốc Nội Bài - Hạ Long…

Trong 2 tiểu vùng, tiểu vùng Bắc Đồng bằng sông Hồng là vùng kinh tế động lực đầu tàu, trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính, dịch vụ, du lịch tầm quốc tế; giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa và thể dục thể thao, y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Cùng với đó là vùng Thủ đô Hà Nội. Phát triển vùng thủ đô trở thành các vùng đô thị năng động sáng tạo, cạnh tranh quốc tế, khai thác hiệu quả không gian vùng cho các sản phẩm và nhu cầu mới, thúc đẩy hệ sinh thái kinh tế gắn với đổi mới sáng tạo…; kéo dài các chuỗi giá trị của sản phẩm quốc nội và kết nối với thị trường quốc tế.

Phát triển kinh tế tổng hợp, có Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng, có ý nghĩa quốc tế quan trọng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Phát triển mạng lưới đô thị vùng Đồng bằng sông Hồng trên cơ sở các vùng đô thị hóa cơ bản, các vùng đô thị lớn, các đô thị lớn, cực lớn, các khu kinh tế cửa khẩu, ven biển đóng vai trò là cực tăng trưởng chủ đạo, các hành lang kinh tế - đô thị động lực gắn với kinh tế biển, cửa khẩu và quốc phòng, an ninh.

Các đô thị vùng Đồng bằng sông Hồng được phát triển cơ bản dựa vào vùng Thủ đô Hà Nội/trọng tâm là vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, trong đó Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh là tam giác tăng trưởng và Thủ đô Hà Nội là đô thị động lực chủ đạo.

Phát triển đô thị chủ đạo trên các tuyến hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng. Các chuỗi và chùm đô thị thuộc tiểu vùng Duyên hải Bắc bộ, gồm chuỗi đô thị Móng Cái, Hải Hà, Vân Đồn, Hạ Long, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình và Nam Định.

Để hiện thực hóa những khát vọng này, Khung định hướng Quy hoạch dự báo, tổng vốn huy động cả giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 18 triệu tỷ đồng, trong đó, vốn nhà nước tập trung vào phát triển hạ tầng; phát triển công nghệ cơ bản và nâng cao năng lực công nghệ.

Tại hội nghị lần thứ nhất Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng nhấn mạnh 6 nội dung quan trọng về liên kết, kết nối vùng, trước hết là tập trung thúc đẩy 3 đột phá chiến lược.

Thứ nhất, kết nối hạ tầng giao thông, nhất là tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, tuyến đường ven biển từ Thanh Hóa ra Quảng Ninh; kết nối hạ tầng kỹ thuật về điện, nước, viễn thông.

Thứ hai, về kết nối phát triển, đào tạo và sử dụng nhân lực như trong trường hợp đối phó với đại dịch Covid-19 vừa qua.

Thứ ba, kết nối xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi, đặc thù, vượt trội cho vùng.

Thứ tư, về tài chính, cần sử dụng hiệu quả nguồn vốn Nhà nước đầu tư cho vùng và tạo liên kết, phát huy vai trò nguồn vốn của các địa phương theo tinh thần Nghị quyết 30-NQ/TƯ là cho phép ngân sách địa phương đầu tư các dự án vùng và liên kết vùng. Cùng với đó, đẩy mạnh liên kết, hợp tác công tư theo Luật PPP và liên kết thu hút đầu tư FDI, sử dụng nguồn vốn ODA. Tinh thần là không phân mảnh, không chia cắt, phát huy sức mạnh tổng hợp.

Thứ năm, liên kết phát triển hạ tầng xã hội (nhất là nhà ở), y tế, giáo dục, văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Thứ sáu, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng và chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau giữa các địa phương trong vùng.

Đối với các nhiệm vụ cụ thể trong 6 tháng cuối năm 2023 của Hội đồng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, trước hết, các bộ, địa phương khẩn trương kiện toàn bộ máy tổ điều phối cấp bộ, cấp tỉnh tinh gọn và giao việc cụ thể, bảo đảm bắt tay ngay vào các nhiệm vụ liên quan đến điều phối và liên kết vùng.

Các tỉnh, thành phố phải đẩy mạnh công tác quy hoạch, hoàn thiện quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ trong quý III-2023, riêng thành phố Hà Nội hoàn thành trong quý IV-2023. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành quy hoạch vùng trong năm 2023.

Về cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi, vượt trội cho vùng và xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất các cơ chế, chính sách đổi mới nhằm phát triển vùng, trong đó có các cơ chế, chính sách về điều phối, phát triển liên kết vùng. Khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Bộ Công Thương tham mưu, phối hợp với các địa phương tăng cường liên kết trong phát triển các khu công nghiệp, khu thương mại, bảo đảm không lãng phí nguồn lực.

Nhằm tăng cường liên kết trong hình thành, phát triển các khu công nghệ cao, trung tâm đổi mới sáng tạo, Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương hoàn thành việc chuyển giao quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội trong tháng 8, phát huy vai trò của Khu công nghệ cao Hòa Lạc với cả vùng.

Bộ Nội vụ tham mưu, phối hợp để các địa phương đẩy mạnh hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Thủ tướng nêu rõ, vào đầu quý IV-2023, Hội đồng sẽ kiểm điểm lại việc triển khai các nhiệm vụ tại Hội nghị lần thứ nhất và đầu tháng 12-2023 sẽ giúp Bộ Chính trị sơ kết, đánh giá 1 năm triển khai Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị.

Tư Giang, Nguyễn Lê, Quang Thậm, Văn Giáp và nhóm PV, BTV