Năm 2024 trôi qua với nhiều diễn biến khó lường của tình hình kinh tế chính trị thế giới, cũng như những khó khăn ở trong nước. "Siêu bão" Yagi ập vào đã gây ra thiệt hại khổng lồ cho nền kinh tế, để lại nhiều hệ luỵ cho các địa phương phía Bắc.
Vượt qua tất cả, kinh tế năm 2024 tiếp tục phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước. Tăng trưởng cả năm ước đạt trên 7%, dự kiến 15/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch do Trung ương, Quốc hội đề ra.
Đây là tiền đề quan trọng để bước sang năm 2025, nền kinh tế được kỳ vọng sẽ bứt tốc. Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để nước ta tự tin bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Trong năm 2024, dòng vốn FDI tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam, có thể đạt 40 tỷ USD, thuộc top 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới. Đáng chú ý hơn bao giờ hết là sự xuất hiện của các tập đoàn hàng đầu thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ.
Đó là sự trở lại của tỷ phú Jensen Huang vào đầu tháng 12, cùng với quyết định của tập đoàn chip lớn nhất thế giới Nvidia chọn Việt Nam xây dựng trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) thứ 3 trên thế giới, sau Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc), hay Google cũng chọn Việt Nam là nơi mở rộng chiến lược...
SpaceX của tỷ phú Elon Musk cũng lộ ý định đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam.
Tập đoàn Trump Organization của nhà ông Trump sẽ đầu tư khoản tiền tương tự vào Hưng Yên.
Hồi tháng 11, một nhà cung ứng của Apple - Foxconn công bố khoản đầu tư 80 triệu USD vào hoạt động sản xuất chip tại tỉnh Bắc Giang, còn Meta của tỷ phú Mark Zuckerberg Meta có kế hoạch mở rộng sản xuất thiết bị thực tế ảo.
Thay vì chỉ hút tiền vào hoạt động sản xuất lắp ráp như nhiều năm trước, Việt Nam được đự báo sẽ nhanh chóng trở thành một phần quan trọng của thế giới công nghệ toàn cầu. Xu hướng này ngày càng rõ rệt hơn khi nước Mỹ sắp có tổng thống mới là ông Donald Trump với khả năng sẽ có nhiều thay đổi về chính sách, có thể thúc đẩy xu hướng chuyển dịch sản xuất vào Việt Nam.
Với xu hướng này, Việt Nam có thể tăng trưởng bền vững hơn, nhanh hơn, giảm phụ thuộc vào lĩnh vực bất động sản.
Năm 2024, nỗ lực vượt qua hàng loạt khó khăn và thách thức, ngành nông nghiệp không chỉ đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, mà xuất khẩu nông lâm thủy sản còn lập kỷ lục lịch sử 62,4 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm 2023. Xuất siêu cũng đạt kỷ lục mới 18,6 tỷ USD.
Đáng chú ý, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu thiết lập kỷ lục mới. Đơn cử, xuất khẩu cà phê xô đổ tất cả các kỷ lục lịch sử trước đó, thu về 5,5 tỷ USD trong năm 2024 bất chấp sản lượng giảm. Lần đầu tiên giá cà phê Robusta Việt Nam đắt nhất thế giới, còn giá cà phê nhân tại thị trường nội ghi nhận mức đỉnh 134.000 đồng/kg, giúp người nông dân bội thu tiền tỷ.
Với khối lượng xuất khẩu 9,01 triệu tấn, thu về gần 5,8 tỷ USD, ngành gạo của nước ta cũng lập kỷ lục cả về sản lượng lẫn giá trị. Đặc biệt, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sản xuất gạo chất lượng cao và phát thải thấp với quy mô lớn 1 triệu ha.
Kim ngạch xuất khẩu hạt điều của Việt Nam lần đầu tiên đạt 4,3 tỷ USD, đồng thời duy trì vị thế quốc gia xuất khẩu điều nhân số 1 thế giới trong gần 2 thập kỷ.
2024 cũng là năm thế mạnh xuất khẩu rau quả lập kỷ lục 7,2 tỷ USD, vượt xa con số 5,6 tỷ USD của năm 2023. Trong đó, sầu riêng đạt 3,5 tỷ USD - mức cao nhất lịch sử.
Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, một thương hiệu ô tô Việt đã chính thức vươn lên số 1 thị trường - vị trí vốn của nhiều thương hiệu ô tô nước ngoài thay nhau nắm giữ.
VinFast công bố đã bàn giao hơn 11.000 xe ô tô điện các loại cho khách hàng trong tháng 10/2024, nâng tổng số luỹ kế lên hơn 51.000 chiếc, chính thức trở thành thương hiệu ô tô bán chạy số 1 thị trường Việt Nam trong 10 tháng đầu năm.
Sự kiện VinFast trở thành hãng xe bán chạy nhất Việt Nam là dấu mốc quan trọng, mang ý nghĩa bước ngoặt với ngành công nghiệp ô tô nước nhà. Chỉ trong vòng 5 năm gia nhập thị trường, VinFast không chỉ khẳng định vị thế vững chắc mà còn chính thức vượt qua các hãng xe ngoại quốc để chiếm lĩnh thị phần lớn nhất.
Đặc biệt, VinFast cũng là hãng xe điện đầu tiên vượt qua các hãng xe xăng đối thủ chỉ sau 2 năm chuyển đổi sang thuần điện để trở thành thương hiệu dẫn dắt thị trường.
Con số này cũng thể hiện thực tế doanh nghiệp Việt đã thực sự sản xuất và làm chủ công nghiệp ô tô. Ở góc độ khác, người tiêu dùng Việt Nam cũng đang rất tích cực chuyển đổi xanh.
Chiều 30/11/2024, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Điện lực (sửa đổi). Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua nghị quyết kỳ họp thứ 8 với 100% đại biểu tán thành và nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, Quốc hội quyết nghị tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Chính phủ được giao khẩn trương chỉ đạo bố trí nguồn lực thực hiện theo kết luận của cấp có thẩm quyền; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật liên quan, trong đó có Luật Năng lượng nguyên tử.
Ngày 29/8, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) tổ chức Lễ khánh thành Dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên). Đây là dự án trọng điểm, cấp bách, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với an ninh năng lượng quốc gia.
Tăng đều đặn qua các tháng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam bùng nổ trong năm 2024, với 17,5 triệu lượt, tăng 38,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch năm 2024 đạt 840.000 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ 2023. Du lịch đang là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của đất nước, tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực khác.
Đóng góp lớn nhất đến từ thị trường châu Á, với gần 80% tổng lượng khách. Trong đó, riêng 4 thị trường lớn ở Đông Bắc Á gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản chiếm gần 60%. Như vậy, năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam tăng gần 5 triệu lượt (từ 12,6 triệu lượt năm 2023 lên 17,5 triệu lượt).
Đạt được kết quả trên là nhờ Việt Nam đã cải tiến chính sách thị thực, kinh tế thế giới cũng như trong nước hồi phục, nhu cầu đi du lịch tăng.
Từ 1/7/2024, các giao dịch chuyển tiền điện tử của cá nhân có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch chuyển tiền điện tử trong ngày vượt 20 triệu đồng phải áp dụng một trong các biện pháp xác thực sinh trắc học.
Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, số lượng vụ việc khách hàng bị lừa đảo mất tiền trong tháng 8/2024 giảm khoảng 50% so với số vụ việc trung bình 7 tháng năm 2024; số lượng tài khoản nhận tiền lừa đảo cũng giảm khoảng 72% so với trung bình 7 tháng năm 2024.
Ngày 18/1, Quốc hội khoá XV thông qua dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Luật cũng quy định cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ phải công khai thông tin cho TCTD; giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là tổ chức và của nhóm cổ đông và người có liên quan trong TCTD. Cụ thể, một cổ đông là cá nhân không được sở hữu cổ phần vượt quá 5% vốn điều lệ của một TCTD (không đổi); một cổ đông là tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% (trước đây là 15%) vốn điều lệ của một TCTD.
Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ của một TCTD. Đồng thời, cổ đông lớn của một TCTD và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 5% vốn điều lệ trở lên của một TCTD khác.
Trong năm 2024, hai trong số bốn ngân hàng “0 đồng” là OceanBank và CBBank đã được chuyển giao bắt buộc về MB và Vietcombank kể từ 17/10, theo phương án được Chính phủ phê duyệt. Hai ngân hàng còn lại là GPBank và Dong A bank đang được trình cấp có thẩm quyền phê duyệt sớm phê duyệt trong năm 2024.
Việc chuyển giao bắt buộc nhằm mục tiêu từng bước khôi phục hoạt động bình thường, khắc phục các yếu kém, đưa OceanBank và CBBank dần trở thành ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh, đảm bảo khả năng hoạt động liên tục.
Sau khi chuyển giao bắt buộc, các quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền và khách hàng tại hai ngân hàng được đảm bảo theo đúng thỏa thuận và quy định của pháp luật; các hoạt động dịch vụ của hai ngân hàng được đảm bảo thông suốt, liên tục.
Năm 2024 chứng kiến giá vàng trên thị trường thế giới tăng vọt, có thời điểm giá vàng SJC vượt 92 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới lên tới gần 20 triệu đồng/lượng. Còn giá vàng nhẫn cũng liên tục lập đỉnh, có lúc lên tới 88 triệu đồng/lượng. Trước tình hình đó, nhiều biện pháp bình ổn thị trường vàng đã được Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước triển khai.
Nhằm mục tiêu bình ổn thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đã nối lại hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC kể từ ngày 22/4. Đây là lần đầu tiên sau 11 năm nhà điều hành nối lại hoạt động đấu thầu vàng miếng.
Sau 9 phiên đấu thầu với 48.500 lượng vàng miếng SJC (tương đương hơn 1,8 tấn) được bán ra cho các thành viên dự thầu (gồm các công ty kinh doanh vàng và các tổ chức tín dụng), kể từ 4/6, Ngân hàng Nhà nước thay đổi phương thức bình ổn thị trường vàng bằng cách trực tiếp bán vàng miếng cho người dân thông qua Công ty SJC và 4 ngân hàng thương mại quốc doanh (Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank).
Thông qua biện pháp can thiệp mới này, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã thu hẹp đáng kể, chỉ còn từ 3-5 triệu đồng, tuỳ từng thời điểm.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã đề xuất sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng để phù hợp với thực tế, ngăn chặn tình trạng vàng hoá nền kinh tế và không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định vĩ mô.
Năm 2024 đã diễn ra nhiều “phiên chợ” đấu giá đất kéo dài trong nhiều giờ đồng hồ, hồi hộp và gay cấn, mức giá trúng cao gấp hàng chục lần giá khởi điểm, nhiều trường hợp trả giá cao rồi bỏ cọc.
Đáng chú ý, cuộc đấu giá 19 thửa đất ở xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức (Hà Nội) gây “sốc” khi đấu xuyên đêm, tới gần 19 tiếng đồng hồ. Cuối cùng, giá trúng cao nhất đạt 133,3 triệu đồng/m2, gấp 30 lần giá khởi điểm. Hay cuộc đấu giá 58 thửa đất ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) diễn ra ngày 29/11 gây xôn xao dư luận khi người tham gia trả giá tới trên 30 tỷ đồng/m2. Nhưng đến vòng cuối cùng để xét giá trúng, người này không trả giá khiến cuộc đấu giá không thành công.
Những người trả giá 30 tỷ đồng/m2 trong cuộc đấu giá đó đã bị Công an TP Hà Nội khởi tố bị can, khởi tố vụ án và bắt tạm giam.
Trước diễn biến bất thường của các cuộc đấu giá, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có công điện yêu cầu các bộ liên quan, các địa phương chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.
Ban Kinh tế - VietNamNet