Tại hội thảo “Đầu tư 2025: Giải mã biến số - Nhận diện cơ hội”, do Báo Đầu tư tổ chức hôm qua (12/12), nhiều chuyên gia cho rằng, trong năm 2025, Việt Nam có nhiều động lực để phát triển kinh tế mạnh mẽ. Đó là xu hướng tăng trưởng của xuất khẩu, dòng vốn FDI mạnh mẽ, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo (AI) có tín hiệu tích cực, đầu tư tư nhân sẽ tăng trưởng ấn tượng và được dẫn dắt bởi đầu tư nhà nước…
Theo nhiều chuyên gia, mục tiêu phấn đấu tăng trưởng 7-7,5% trong năm 2025 có thể đạt được. Thậm chí, trong dài hạn, tăng trưởng hai con số là khả thi khi tháo gỡ được các điểm nghẽn.
TS. Lương Văn Khôi - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ KH&ĐT - cho rằng, trong bối cảnh Chính phủ đang thực hiện tinh gọn bộ máy, đó sẽ là tiền đề rất tốt để kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong năm 2025.
Theo ông Khôi, thể chế phát triển cho năm 2025 sẽ thuận lợi hơn, như nhiều luật mới được ban hành trong năm 2023 và năm 2024 như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu có hiệu lực và được thể chế chi tiết.
Đại diện CIEM nhìn nhận, hiệu quả của khối doanh nghiệp Việt Nam hiện còn thấp. Sự kém hiệu quả này có 2 nguyên nhân. Đó là yếu tố nội tại của doanh nghiệp (chiến lược kinh doanh, nhân sự, máy móc,...) và yếu tố ngoài doanh nghiệp (môi trường đầu tư, chính sách, diễn biến chính trị thế giới,...). Nếu hiệu quả kinh doanh được cải thiện, có thể đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế.
“Việt Nam đang hướng đến tăng trưởng GDP hai con số và không có nhiều hoài nghi về câu chuyện này. Trong đó, yếu tố cốt lõi nằm tại nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp”, ông Khôi nhấn mạnh.
Ông Hoàng Xuân Trung, Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp - Khối Nguồn vốn, Ngân hàng Citi Việt Nam, cho rằng, việc sáp nhập, tinh giản bộ máy, sự mạnh mẽ trong cải tổ thể chế… sẽ tạo điều kiện tốt cho toàn bộ môi trường, cho tăng trưởng. Nền kinh tế có tài chính mạnh có thể ứng phó với các cú sốc.
Còn ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh số, CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS), cũng có cái nhìn tích cực cho năm 2025. Theo ông Đức, trong nước, vấn đề cần quan tâm là chính sách tập trung đẩy mạnh đầu tư công, chuyển đổi số và chính sách tinh giản bộ máy. Sau khi có chính sách, thị trường cổ phiếu sẽ đi lên trong vòng 3 tháng đến 6 tháng và 1 năm.
Cú hích cho nền kinh tế
Có thể thấy, một trong những rào cản đối với tăng trưởng kinh tế chính là sự kém hiệu quả và chưa thực sự phát triển của nhóm các doanh nghiệp trong nước. Nguyên nhân một phần từ môi trường đầu tư kinh doanh, và có lẽ cũng từ một bộ máy cồng kềnh và thiếu sự hỗ trợ mạnh mẽ từ dòng vốn đầu tư công, mà một phần do chi thường xuyên quá lớn.
Mục tiêu Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương là sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương.
Việc tinh gọn bộ máy sẽ giúp giảm chi thường xuyên, qua đó có tiền cho đầu tư phát triển và cũng giúp gia tăng hiệu quả của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, một lực lượng lao động sẽ từ khu vực công ra khu vực tư, có thể hình thành một làn sóng làm ăn kinh doanh riêng hiệu quả nếu có được các chế độ, chính sách hỗ trợ mạnh mẽ. Đây có thể là một cú hích lớn cho nền kinh tế, vừa là giải quyết các điểm nghẽn bộ máy cồng kềnh kém hiệu quả, vừa giải phóng được nguồn nhân lực có thể được sử dụng không hiệu quả trong thời gian dài và cũng vừa như một gói kích thích kinh tế.
Đánh giá về việc tinh gọn bộ máy, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu, cho rằng, nếu có chế độ, chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hợp lý khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy để họ có một số tiền ra ngoài làm ăn là một việc rất lý tưởng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, đó cũng là một cách kích thích kinh tế, nhưng Chính phủ cần có một nghiên cứu về nguồn tiền ở đâu nếu thực hiện việc này.
Thực tế trên thế giới, khá nhiều nước kích thích tăng trưởng kinh tế thông qua cách phát tiền trực tiếp cho người dân, gần nhất là trường hợp Thái Lan vừa công bố sẽ phát tiền mặt cho hàng chục triệu người dân vào đầu tháng 2 tới.
Việc tinh gọn ở Việt Nam có thể sẽ đem lại một bộ máy nhẹ đi, hiệu quả hơn và qua đó “mới bay được cao". Áp lực đối với chi thường xuyên cũng sẽ giảm đi.
Với người lao động dôi dư, chính sách trợ cấp hợp lý sẽ giúp họ ổn định cuộc sống, có thể bứt phá khi ra ngoài làm ăn kinh doanh. Rất có thể sẽ có một lớp doanh nhân mới sau đợt sắp xếp này.