Thấm thoát đã 3 năm gắn bó với công việc mà thời gian ngồi trên xe nhiều hơn ngồi trên ghế, qua những ngày hè nắng cháy da cũng như những ngày đông lạnh thấu xương, anh Nông Văn Thiêm - nhân viên vận chuyển Bưu điện huyện vùng cao Yên Minh (Hà Giang) - luôn nỗ lực mỗi ngày với công việc.
Quãng đường 5 xã anh đi, vào mùa hè thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều nên có những đoạn đường sạt lở, bùn lầy; mùa đông lạnh khô, khi lên những đỉnh núi thì sương mù dày đặc, che khuất tầm nhìn.
“Một tháng có 30 ngày thì ngần ấy hôm tôi mặc áo mưa. Ở trung tâm huyện nắng nhưng lên càng cao trời càng nhiều mù và sương nên cứ 2-3 tháng là tôi lại tốn một bộ áo mưa”, anh Thiêm cho biết.
Còn cung đường Mậu Duệ - Du Già dài khoảng 45km là một trong những chặng hiểm trở, xấu và khó đi nhất ở Hà Giang với nhiều lối mòn và dốc đất đá, những con đèo cheo leo, khúc cua quanh co, uốn lượn.
Có những đoạn đường dốc cao lên đến 12 m với vệ đường cũng toàn đá. Cung đường này không dài nhưng để đi hết, ngay cả khi trời nắng ráo cũng phải mất nửa ngày bởi suốt hơn 40 cây số là đá hộc.
Những ngày nhiều hàng, công việc của anh bắt đầu từ 5 giờ sáng, xếp hàng lên xe chuẩn bị cho chặng đường trung bình 138km mỗi ngày cả đi lẫn về của mình.
Sau một thời gian gắn bó với công việc bưu tá, do chia tách tuyến đường thư nên cơ quan chuyển anh sang làm công nhân vận chuyển. Ở miền cao nguyên núi đá đèo dốc quanh co ngút ngàn, những chặng đường anh đi qua nhiều nơi vài cây số mới thấy một nhà dân.
Những ngày đầu, có những hôm mệt mỏi, anh chỉ ước giá như hôm đấy là ngày nghỉ để được trọn một ngày ở nhà chơi đùa với con. Cũng có những ngày anh thấy dao động với suy nghĩ hay là kiếm một công việc khác nhẹ nhàng hơn. Tuy vậy, khi ngày mới bắt đầu, anh lại quyết tâm lên đường.
Thời gian trôi qua, những chặng đường anh đi qua dần trở nên quen thuộc, những khóm cây, bụi cỏ ven đường cũng trở thành người bạn thân thiết, anh lại thấy yêu công việc của mình hơn.
Luôn nhiệt tình, tận tâm nên người dân các xã vùng cao trên cung đường anh đi đều quen mặt và quý mến anh. Hễ thấy anh, người thì nhờ gửi tiền, người nhờ gửi gạo, thịt xuống cho con học nội trú ở huyện. Anh đều vui vẻ nhận lời chuyển giúp cho họ không chút nề hà.
“Người dân vùng cao thật thà như củ khoai củ sắn, sống trong tình cảm chân thành của bà con, tôi rất cảm động nên dù gặp khó khăn, tôi đều có động lực để vượt qua.”, anh Thiêm chia sẻ.
Tròn 17 năm tại Bưu điện - Văn hóa xã Tổng Cọt, huyện Hà Quảng, Cao Bằng, anh Vi Xuân Thanh từ một người nông dân chỉ biết cặm cụi trên nương, trên rẫy ở miền núi đá khắc nghiệt đã trở thành một nhân viên mẫn cán, hết mình với công việc.
Một ngày làm việc của anh nhân viên Bưu điện - Văn hóa xã người Nùng Vi Xuân Thanh thường kết thúc vào lúc 19h30 giờ tối, sau những giờ đi phát thư từ, bưu phẩm khắp các con đường núi đá quanh co của 1 trong 12 xã biên giới vùng cao đặc biệt khó khăn thuộc huyện Hà Quảng, Cao Bằng.
Khi được hỏi về những khó khăn gặp phải trong quá trình làm việc, anh Vi Xuân Thanh chỉ cười rồi cho biết: Tổng Cọt là một trong 12 xã vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn thuộc huyện Hà Quảng, gồm 14 xóm có số hộ nghèo chiếm gần 70%, 100% là người dân tộc Nùng. Bà con làm bạn, sống chung trong vùng núi đá trùng điệp.
Với đường biên giới dài 11km, việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn, các con đường quanh co, gập ghềnh đá tai mèo. Mùa mưa, đường lầy lội trơn trượt, có những xóm gần như bị cô lập với bên ngoài. Bên cạnh đó, trình độ học vấn của người dân không đồng đều nên việc đến trực tiếp với bà con mất nhiều công sức. Nhiều lần gặp và tư vấn với những người dân không biết viết và phát âm không rõ ràng, phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần cho thật rõ, sau đó viết mẫu rồi mới điền vào bưu phẩm.
Hiện nay, tuy đường giao thông đã thuận tiện hơn trước nhưng anh Thanh vẫn phải thường xuyên đi bộ khi xuống quá nửa số xóm trên địa bàn. Chưa kể vào thời điểm mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến hết tháng 9, không còn cách nào khác là phải đi bộ hoàn toàn với quãng đường trung bình khoảng 10 km mỗi ngày vì đường đá lô nhô trơn trượt.
Đi phát vào mùa mưa, một số xóm bị ngập úng, đứng ở bên này nhìn thấy bên kia nhưng không tài nào sang được, anh Thanh buộc phải quay về đợi vài hôm sau nước rút lại tiếp tục đi phát. Hay ở nhiều xóm không gọi được điện thoại vì không có sóng, phải phải đi bộ cả tiếng đồng hồ mới phát được một bưu gửi COD, khi gặp được thì người nhận lại chưa có tiền, nhiều hôm muộn quá phải ăn cơm với bà con trong bản.
Cần mẫn, trách nhiệm với công việc, tháng nào anh cũng hoàn thành và vượt doanh thu được giao. Với chỉ tiêu hàng tháng được Bưu điện huyện giao là 14 triệu đồng/tháng nhưng doanh thu bình quân của BĐ-VHX Tổng Cọt trong 8 tháng đầu năm 2018 là 35 triệu mỗi tháng, vượt gấp 2,5 lần. Thu nhập của anh Thanh những năm trước chỉ khoảng trên dưới 2 triệu đồng/tháng thì nay đã tăng lên 3,8 triệu đồng/tháng.
Vất vả là vậy nhưng suốt 17 năm công tác trong ngành Bưu điện, anh Vi Xuân Thanh chưa một lần nghỉ phép.
Dù có lúc ốm đau hay mệt mỏi anh cũng gượng đi làm vì một lý do rất đáng trân trọng từ người nhân viên mẫn cán với công việc: “Tôi luôn mong muốn được góp một phần công sức nhỏ bé của mình để thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương cũng như mang đến ngày càng nhiều dịch vụ tiện ích phục vụ các nhu cầu thiết yếu cho bà con dân bản”.
Đ.Minh - D.Anh Đồ họa: K.H