24 giờ gấp rút di tản chạy lũ ở vùng ngoại thành Hà Nội

Trong thời khắc gấp rút chạy lũ cả ngày lẫn đêm, người dân nhiều thôn của xã Trung Giã (Sóc Sơn, Hà Nội) và lực lượng cứu hộ đã có những lúc gặp phải tình huống chưa từng có trong đời. Tất cả cùng động viên nhau "tài sản mất đi có thể làm lại".

5 ngày nay, nhiều thôn tại xã Trung Giã (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) xảy ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng do mưa lớn kéo dài bởi ảnh hưởng của bão Yagi cùng mực nước sông Cầu và sông Cà Lồ lên nhanh, đến mức báo động 3.

Mực nước sông Cầu, Cà Lồ đã vượt đỉnh lũ lịch sử, gây ngập lụt, nguy cơ sạt lở đe dọa an toàn đê, nguy cơ mất an toàn đối với các xã chịu ảnh hưởng của lũ sông.

Thôn Hòa Bình và thôn An Lạc là 2 địa bàn bị ngập sâu nhất, nhiều khu vực ngập sâu 3 - 4m, nước chảy xiết khiến nhà cửa bị cô lập hoàn toàn, khó khăn trong việc tiếp cận. Công tác sơ tán, di chuyển người dân đến nơi an toàn được thực hiện liên tục.

W-mưa ngập Sóc Sơn 55.jpg

"Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thông báo di dời khẩn cấp bà con vùng lũ vào khu vực an toàn. Người dân nhanh chóng thu dọn đồ đạc, tiến ra ngoài để thực hiện di tản", tiếng thông báo từ chiếc loa cầm tay của anh Nguyễn Văn Thịnh liên tục vang lên giữa các thôn làng mênh mông nước.

Anh Thịnh cùng anh Khang dùng chiếc thuyền máy để có thể len lỏi qua từng ngõ nhỏ, thỉnh thoảng cả hai lại phải cúi đầu để tránh những cành cây, cụm dây điện trùng xuống sát mặt nước. "Phía trước có tường anh Khang ơi, cẩn thận cái cổng...", anh Thịnh nói.

Hơn chục năm công tác tại lực lượng dân quân tự vệ xã song đây cũng là lần đầu hai anh thấy thôn xóm mình ngập lụt vậy.

Nghe tiếng loa, chị Nguyễn Thị Mây cùng chồng gọi với ra để được hỗ trợ di chuyển ra ngoài. Nhìn xuống mặt nước chị Mây có phần hoảng loạn vì không biết bơi.

- Nước cao hơn nửa cầu thang rồi, xuống kiểu gì đây anh.

- Xuống cầu thang mở cửa rồi cứ ôm chặt hai tay vào phao đi, yên tâm.

Cứ người hỏi, người động viên như vậy, sau khoảng 15 phút thì hai vợ chồng chị đã lên thuyền an toàn.

Gần tuần qua, chị cùng chồng bám trụ lại tầng 2 của căn nhà có phần cao ráo và an toàn để chạy nước lên, giữ tài sản. Những ngày không điện, không liên hệ với bên ngoài, chị chỉ có thể nghe tin và nhận tiếp tế từ những người hàng xóm với chiếc thuyền nhỏ qua lại mỗi ngày trên con nước ngày một cao.

"Nghe tiếng loa thông báo cùng với việc lo sợ xả lũ nên hai vợ chồng quyết định ra ngoài để giữ an toàn", chị Mây kể.

Vừa điều hướng thuyền, anh Thịnh vừa động viên người phụ nữ: "Chắc sau đợt này phải đề xuất mở lớp dạy bơi cho tất cả các chị em trong xóm thôi".

6 xe quân sự, 8 cano được tăng cường để vào tâm lũ đưa đón bà con đến nơi an toàn, trong ngày 12/9.

Theo Trung tá Vũ Văn Hưng, Trưởng Công an xã Trung Giã (huyện Sóc Sơn), mặc dù đã được cảnh báo trước về diễn biến phức tạp của bão Yagi và hoàn lưu sau bão nhưng mực nước lên rất nhanh so với cảnh báo. Đặc biệt đây là địa bàn ven sông, dân cư phân bố rải rác khiến công tác cứu trợ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tiếp cận, di chuyển bà con ra khỏi vùng lũ.

Cano và thuyền máy di chuyển sâu vào những địa bàn khó tiếp cận để đưa người dân tập kết về nơi có xe quân sự đón. Đến thời điểm hiện tại, nước lũ đang chững lại, đã có hơn 90% người dân được di chuyển đến nơi an toàn.

W-mưa ngập Sóc Sơn 52.jpg

Ngay khi được di chuyển ra khỏi vùng lũ, ông Đỗ Văn Ấm (71 tuổi) được gia đình nhanh chóng đưa lên taxi đến bệnh viện. Người nhà ông vẫn chưa hết lo sợ khi trải qua những ngày lũ vừa qua.

Đàn bò của bà Nguyễn Thị Thành được hỗ trợ di tản tránh lũ.

W-mưa ngập Sóc Sơn 14.jpg

Trời tối dần, bốn bề tĩnh lặng chỉ còn tiếng máy thuyền của anh Thịnh và anh Khang tiếp tục rẽ nước, băng qua bóng đêm để giúp gia đình ông Nguyễn Văn Hưng (thôn Hòa Bình) di chuyển 3 con bò ra ngoài. 

Ông Hưng có 2 con bò, trong đó có 1 con sắp đến ngày đẻ thì lũ vào nhà, nhấn chìm mọi thứ, ông Hưng chỉ kịp cứu vớt ít đồ đạc, chạy đưa bò từ chuồng lên trước hiên nhà trú tạm, thức ăn cho bò cũng ướt hết.

Hằng ngày ông vẫn bơi thuyền vào xem nhà cửa và cho bò ăn. Hai ngày trước, con bò nhà ông đẻ, người đàn ông vừa mừng vừa lo, sốt ruột vì phải để bò con ở lại nơi ngập nước.

W-mưa ngập Sóc Sơn 16.jpg

Đây cũng là tình huống cứu trợ mà lần đầu tiên trong đời đội cứu hộ gặp phải. Bê con được bế lên thuyền còn 2 con bò lớn phải dùng dây buộc bụng, dắt mũi nương theo thuyền kéo ra ngoài. 

Trong ánh sáng ít ỏi còn lại của 2 chiếc đèn pin, 6 người đàn ông vật lộn để dẫn bò ra ngoài. Riêng bò mẹ mới sinh sức yếu, không chịu đi, ông Hưng cùng con rể phải phối hợp vừa kéo vừa thương. "Ngập này lo cho nó nhất", người đàn ông trung niên không giấu nổi nghẹn ngào.

Ngồi trên thành thuyền, nhìn về hướng đèn pin dẫn lối anh Khang thở phào cho chuyến thuyền cứu hộ cuối ngày đã hoàn thành.

"Đúng là lần đầu trong đời mới có cảnh ngập lụt kéo bò như thế này", anh Khang nói rồi mọi người cùng cười, lúc này đã là gần 20h.

Thuyền lùi về xa, trong thôn lác đác vài ngôi nhà còn le lói ánh sáng từ những chiếc đèn tích điện, ánh nến. Số ít những người vẫn còn bám trụ lại căn nhà của mình chờ hôm sau tiếp tục di chuyển ra ngoài.

Cách đó khoảng 3km là Trường mầm non Trung Giã, nơi dành cho 220 người từ các điểm ngập sơ tán tới ở tạm, chờ nước lũ rút mới về nhà.

Có 10 phòng học cùng với chăn gối được nhà trường chuẩn bị trước cho bà con sử dụng. Người dân được sắp xếp chỗ ở theo lứa tuổi, giới tính hoặc theo từng nhóm gia đình có con nhỏ.

Chị Nguyễn Thị Thúy đã yên tâm chăm con 28 ngày tuổi tại nơi sơ tán. Những ngày qua cả nhà chị Thúy ở trên tầng 2, phải tiết kiệm nước sạch và điện.

 "Quê tôi ở Lào Cai, những ngày nghe tin lũ dữ, gọi về cho gia đình mà thấp thỏm lo lắng không yên. Mình thì cũng bị mắc kẹt giữa biển nước, nhiều đêm nằm nghĩ nhiều mà không ngủ được", chị Thúy nói.

W-mưa ngập Sóc Sơn 66.jpg

Nhiều người lớn tuổi ở một mình, bị mắc kẹt nhiều ngày ở nhà nên đã hết sạch đồ ăn, nước uống cũng kịp thời được di chuyển đến nơi sơ tán.

Những người phụ nữ tóc đã điểm bạc ngồi hàn huyên tâm sự sau những ngày bị nước lũ chia cắt. Những câu chuyện về nước ngập, chạy lũ, về nỗi lo lắng khi những cánh đồng lúa nếp đã bắt đầu đứng cái, chỉ độ tháng nữa là gặt thì nay đã mất trắng, chìm sâu trong nước.

Người dân địa phương ai cũng bảo đây là con lũ lớn nhất họ từng trải qua. Tất cả hỏi han nhau về sức khỏe, sau cùng động viên nhau "tài sản mất đi có thể làm lại". Ai cũng mong nước rút, trở về nhà...