icon icon

Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam nói như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên VietNamNet. 

-Thưa ông, sau hơn ba năm các báo thuộc các Hội chuyển thành tạp chí theo quy hoạch báo chí, cá nhân ông thấy các cơ quan tạp chí hoạt động thế nào?

Có thể nói, đến giờ này, sau hơn ba năm triển khai thực hiện quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc, các cơ quan báo chí đã được tổ chức lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả, hệ thống báo chí đã có sự thay đổi rõ rệt về cơ cấu, cách thức thông tin, phân định rõ giữa báo và tạp chí. 

Đặc biệt, nhiều cơ quan báo chí chuyển đổi từ báo thành tạp chí hoạt động chuyên sâu, chuyên ngành, theo đúng tôn chỉ mục đích, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của độc giả, trở thành diễn đàn để các nhà khoa học, nhà lý luận và các độc giả trao đổi, thảo luận, tham gia tổ chức tổng kết thực tiễn để qua đó làm sáng tỏ những vấn đề mang tính lý luận chuyên ngành, đi sâu vào những vấn đề chuyên môn trong lĩnh vực, phạm vi hoạt động, đăng tải kết quả nghiên cứu khoa học, tham gia tư vấn, phản biện chính sách về lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản.

Nhìn chung, với sự giám sát chặt chẽ sau quy hoạch, hoạt động các cơ quan tạp chí đã có sự chuyển hướng tích cực, đảm bảo đúng tính chất tạp chí, phù hợp chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản và quy định pháp luật.

-Luật quy định khá rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan báo và tạp chí. Ông thấy sự tuân thủ các quy định hiện hành trong hoạt động của các tạp chí ra sao?

Như tôi đã nói, sau quy hoạch, nhiều cơ quan tạp chí đã tuân thủ nghiêm túc các quy định về chức năng nhiệm vụ, hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích. Nhiều cơ quan báo chí sau khi chuyển đổi mô hình thành tạp chí đã thay đổi cách thông tin và nội dung thông tin cho phù hợp với tính chất tạp chí và giấy phép hoạt động của báo chí.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít tạp chí điện tử có xu hướng  “cố ý vượt rào”, chú trọng tới các nội dung nằm ngoài phạm vi tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép, hơn là những thông tin mang tính  lý luận, khoa học, chuyên ngành của tạp chí đó, đồng thời tạo dựng hình thức dễ khiến độc giả thiếu thông tin hiểu nhầm thành báo. Các cơ quan quản lý báo chí đã nhận diện và định danh đó là hiện tượng “báo hóa tạp chí” cần phải được ngăn chặn, loại bỏ.

- Những vi phạm và biểu hiện lệch lạc của một số tạp chí như “rửa nguồn”, thông tin quá đà chỉ với mục đích câu “viu” đã được nhắc nhở, chấn chỉnh nhiều từ hàng chục năm qua, nhưng có lẽ đến nay tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để, ông có thấy như vậy không?

Từ năm 2019 đến nay, Bộ TT&TT và các Sở TT&TT đã xử lý 39 trường hợp tạp chí vi phạm; đình bản ba tạp chí; thu hồi ba thẻ nhà báo.

Tính riêng trong Quý 1/2022 đã có 24 đơn thư liên quan đến tin bài của tạp chí, một tin bài về hoạt động tác nghiệp của phóng viên.

Chỉ từng ấy con số cũng cho thấy hiện tượng “báo hóa” các trang tin, tạp chí điện tử, hiện tượng một số tạp chí có biểu hiện đăng tin “rửa nguồn” cho các trang thông tin điện tử tổng hợp, đăng những tin, bài thời sự, xã hội, giải trí, giật gân, câu khách hoặc có biểu hiện sao chép, tổng hợp thông tin từ các nguồn khác, ít bài tự sản xuất, hiện tượng “tư nhân hóa báo chí” thông qua việc một số cơ quan báo chí giao chuyên trang, chuyên mục cho văn phòng đại diện, nhóm phóng viên hoặc đối tác chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động, sản xuất nội dung… những năm gần đây ngày càng trở nên phổ biến, trầm trọng hơn.

-Cũng cần phải nhìn nhận thêm về câu chuyện hơn hai năm qua, cũng là thời điểm kinh tế- xã hội bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Khoảng thời gian này trùng với thời điểm các báo thuộc Hội chuyển sang tạp chí, khiến họ khó khăn hơn rất nhiều trong quá trình chuyển đổi, ông đánh giá chuyện này thế nào? Khó khăn vậy nhưng không thể lấy làm lý do biện minh khi một số trang tin điện tử,  tạp chí “báo hóa” quá đà, không tuân thủ tôn chỉ mục đích, thưa ông? 

Đúng là quá trình quy hoạch báo chí diễn ra trùng với thời điểm dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có báo chí, khiến các tờ báo được quy hoạch sang tạp chí phải đối mặt với “khó khăn kép”, kinh tế báo chí vừa bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh khiến nguồn thu từ quảng cáo, phát hành sụt giảm đáng kể.

Bên cạnh đó, việc mới chuyển đổi mô hình từ báo sang tạp chí cũng khiến các tạp chí gặp phải không ít lúng túng, bỡ ngỡ trong việc chuyển đổi sắp xếp, cơ cấu lại nhân sự cũng như phương thức hoạt động, phương thức truyền tải thông tin sao cho phù hợp.

Khó khăn là đáng kể và không dễ vượt qua, nhưng điều đó không thể là lý do biện minh cho việc nhiều tờ tạp chí điện tử đã “tìm kiếm nguồn thu” mới bằng phương thức tăng lượng view bằng thông tin giật gân câu khách rẻ tiền, tạp chí chuyên ngành, tạp chí khoa học nhưng tác nghiệp điều tra theo đơn thư bạn đọc rồi gây sức ép bằng cách liên tục điện thoại, nhắn tin, sách nhiễu, vòi vĩnh doanh nghiệp, cơ quan, ép ký hợp đồng quảng cáo…

Đó là những hoạt động không chỉ đi ngược lại tôn chỉ mục đích, trái với quy định đã được nêu ra trong Luật Báo chí mà còn đi ngược lại đạo đức làm nghề cũng như vi phạm pháp luật.

-Có thể nói, suốt thời gian qua, về hoạt động của các báo khi chuyển sang tạp chí, rõ ràng có thay đổi chút ít nhưng vẫn giữ cách tác nghiệp gần như báo, dẫn đến thông tin sai tôn chỉ mục đích, ông có thể nhìn nhận cụ thể hơn về việc này?

Phải nói ngay rằng, phàm bất kì ai đã làm báo, học báo đều hiểu rất rõ về sự khác nhau giữa báo và tạp chí.

Vì thế nên hiện tượng “báo hóa tạp chí” mà các cơ quan quản lý báo chí nhắc đến thời gian qua, về bản chất, là sự chủ ý, cố tình của ban biên tập, những người điều hành, thực hiện nội dung của các tờ tạp chí, trong đó chủ yếu là các tờ tạp chí điện tử.

Sự thay đổi “chút ít nhưng vẫn giữ cách tác nghiệp gần như báo” như câu hỏi đã đề cập đó thực chất là một “động thái giả” hòng đánh lừa cơ quan quản lý báo chí.

Cách tác nghiệp gần như báo ở đây bao gồm phổ biến nhất là việc  tạp chí mang tính chất khoa học chuyên ngành, lý luận nhưng lượng thông tin lý luận, khoa học, chuyên ngành hạn chế, thậm chí không có; các bài nghiên cứu rất ít ỏi, thay vào đó lại nặng về phản ánh mặt trái, các vụ việc tiêu cực trong xã hội; thường xuyên cử phóng viên hoạt động tác nghiệp để điều tra theo đơn thư về những nội dung ngoài phạm vi tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép…

Chưa kể nhiều tạp chí còn đăng tải những thông tin sai sự thật hoặc chưa được kiểm chứng, gây tâm lý bất ổn, hoang mang, mất niềm tin trong dư luận, giật “tít” phản cảm, sai lệch bản chất…

Những hiện tượng này đã được các cơ quan quản lý báo chí chỉ ra và xử phạt nghiêm khắc và thời gian tới sẽ còn xử phạt nghiêm khắc hơn nữa.

-Một trong những vấn đề được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây là những “biến thái” của hoạt động liên kết. Cụ thể, tạp chí liên kết với báo, thành phần kinh tế xã hội khác liên kết với cơ quan báo chí để sản xuất nội dung. Từ góc độ Hội Nhà báo, ông có thể đưa ra đánh giá của mình về vấn đề này?

Các hình thức liên kết nội dung báo chí trá hình, cụ thể tạp chí liên kết với báo, thành phần kinh tế xã hội khác đội lốt “đối tác” liên kết với cơ quan báo chí để sản xuất nội dung để đăng tải trên các tờ tạp chí… là một trong những khía cạnh cụ thể của hiện tượng thương mại hóa, tư nhân hóa báo chí.

Các tờ báo, tạp chí thay vì cố gắng nâng cao chất lượng tác nghiệp, năng lực sản xuất nội dung, quy trình xuất bản thì lại tiến hành “bán cái”, “khoán trắng” cho doanh nghiệp, cho các đơn vị sản xuất nội dung tư nhân.

Hiện tượng này tuy chưa thực sự phổ biến (đầu năm 2022 đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông bước đầu xác định hơn 30 tạp chí có dấu hiệu “báo hóa” và một số cơ quan báo chí có biểu hiện “tư nhân hóa”, chủ yếu của các Hội xã hội, xã hội nghề nghiệp và một số “Viện nghiên cứu”) tuy nhiên rất đáng quan ngại, làm méo mó hoạt động báo chí xuất bản và cần bị nhanh chóng loại bỏ.

-Thực tế cho thấy, các cơ quan báo chí hiện nay quá thiệt thòi cả về lợi ích kinh tế, sự rủi ro ẩn chứa và khả năng tận dụng những thế mạnh về quản lý, về công nghệ của bên tham gia liên kết. Theo đánh giá của ông, vì sao lại tồn tại sự chưa hợp lý này trong một thời gian không ngắn?

Ông cha ta có câu “chọn bạn mà chơi”, chọn bên tham gia liên kết cũng vậy, sự rủi ro, thiệt thòi của các cơ quan báo chí cũng bắt nguồn từ câu chuyện này.

Đảng, Nhà nước ta đã nhiều lần khẳng định quan điểm nhất quán: Báo chí cách mạng không có tư nhân hóa báo chí. Điều đó có nghĩa là các cơ quan báo chí khi quyết định tham gia liên kết với các đối tác phải xác định rõ sẽ tham gia liên kết ở khâu nào, đến mức độ nào, liên kết chứ không phải “khoán trắng”, để đối tác quản lý công nghệ hay sản xuất nội dung.

Sự dễ dãi, dễ dàng thỏa hiệp và sự nóng lòng muốn có thêm nguồn thu đã đẩy các cơ quan báo chí vào sự chưa hợp lý đó.

-Thông điệp rõ ràng của cơ quan quản lý là báo ra báo, tạp chí ra tạp chí, trang tin ra trang tin. Ông thấy để đạt được điều này, những việc cần phải được làm tiếp và cần làm thêm là gì?

Để báo ra báo, tạp chí ra tạp chí, trang tin ra trang tin, việc cần phải làm tiếp và cần làm thêm là tăng cường kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm khắc hơn nữa các các hành vi vi phạm pháp luật về báo chí, trong đó tập trung vào trường hợp hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo;

Làm rõ trách nhiệm của cơ quan báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí khi để các chuyên trang, ấn phẩm có nhiều vi phạm, sai phạm, có những vụ việc phức tạp, có dấu hiệu vi phạm hình sự...

Thậm chí có thể chuyển cơ quan điều tra, đình bản, thu hồi giấy phép hoạt động báo chí các tờ báo, tạp chí vi phạm nghiêm trọng.

Tôi đồng ý với giải pháp mà Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra là muốn quản lý được thì đầu tiên phải giám sát được và cần nhanh chóng xây dựng hệ thống giám sát trực tuyến báo chí.

-Xin ông cho biết trách nhiệm cụ thể và kế hoạch thời gian tới của Hội Nhà báo Việt Nam trong việc chấn chỉnh và xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp, bởi đây là tiền đề quan trọng để cơ quan quản lý xử lý các bước tiếp theo?

Chỉ trong năm 2021 vừa qua, Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp cấp Trung ương của Hội Nhà báo Việt Nam đã xử lý 20 trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp, không ít trường hợp hội viên, hội nhà báo vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật, thậm chí có hội viên bị thu hồi thẻ và xử lý hình sự. 

Tại Hội nghị tổng kết công tác Hội Nhà báo Việt Nam năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 hồi trung tuần tháng 5 vừa qua, vấn đề phát hiện xử lý phóng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp để hướng đến nền báo chí sạch, văn minh đã là một trong những chủ đề thảo luận chính. 

Điều này là minh chứng cho thấy chấn chỉnh và xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp của các nhà báo hội viên tiếp tục là một trong những đầu việc trọng tâm của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời gian tới. Thời gian tới, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục thực thi quan điểm nhất quán tăng cường xử lý các nhà báo vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp người làm báo.

Gần 300 hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo ở các cấp sẽ kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương thực hiện nhiều biện pháp cần thiết xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.

Thời gian tới, Hội Nhà báo Việt Nam cũng sẽ tăng cường rà soát, kiểm tra việc thực hiện định hướng chính trị tư tưởng, thực hiện tôn chỉ, mục đích, hoạt động tác nghiệp, đạo đức nghề nghiệp... của các cơ quan báo chí; kiên quyết phối hợp cùng cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm.

Bên cạnh đó, Hội Nhà báo Việt Nam cũng sẽ tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị; đặc biệt chú trọng việc rèn luyện, tu dưỡng, nêu cao đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo, hội viên.

-Xin cảm ơn ông!

VietNamNet thực hiện

Thiết kế: Thu Hằng

Ảnh: TTXVN

T.Nhung

Xem các bài viết của tác giả