Tháng 9/2020, Thanh tra Bộ TT&TT ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Tạp chí Môi trường đô thị Việt Nam và Tạp chí điện tử Môi trường và đô thị Việt Nam do đã thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 48 triệu đồng.

Tháng 10/2021, Tạp chí Tri thức Xanh bị phạt gần 100 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động báo chí in trong 4 tháng.

Lý do là có 4 hành vi vi phạm hành chính: Không thực hiện lưu chiểu báo chí theo quy định; Không thể hiện rõ thông tin tạp chí in nộp lưu chiểu, số lượng phát hành, ngày, giờ nộp lưu chiểu, chữ ký của người đứng đầu cơ quan báo chí hoặc người được ủy quyền trên tạp chí in nộp lưu chiểu; Thực hiện không đúng nội dung ghi trong giấy phép hoạt động báo chí; Thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí, gây ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Tháng 2/2022, Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội xử phạt vi phạm hành chính Tạp chí điện tử Môi trường xây dựng 100 triệu đồng vì hoạt động sai tôn chỉ, mục đích; đăng tin sai sự thật.

Đây chỉ là ba trong số hàng chục tạp chí bị xử phạt thời gian qua do có vi phạm thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích trong giấy phép hoạt động.

Cục Báo chí (Bộ TT&TT) cho biết, từ năm 2019 đến nay, Bộ TT&TT và các Sở TT&TT đã xử lý 84 trường hợp tạp chí vi phạm với hơn 2,3 tỷ đồng. Trong đó 39 tạp chí bị xử phạt với hơn 1,4 tỷ đồng, 3 tạp chí bị đình bản, thu hồi 3 thẻ nhà báo.

Từ 2020 đến quý 1/2022, Cục Báo chí nhận được 832 đơn thư; riêng đơn thư liên quan đến tin, bài của các tạp chí là 294.

Năm 2022, Bộ TT&TT bước đầu xác định hơn 30 tạp chí có dấu hiệu “báo hóa” và một số cơ quan báo chí có biểu hiện “tư nhân hóa”, chủ yếu của các Hội xã hội, xã hội nghề nghiệp và một số “Viện nghiên cứu”.

Tại Hà Nội, từ năm 2021 đến nay Sở đã xử lý vi phạm hành chính 5 tạp chí điện tử với các hành vi “Thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí” và “Đăng phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng”.

Ngày 8/11/2019, trả lời chất vấn tại Quốc hội về tình trạng "báo hóa" tạp chí, trang TTĐT, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Đây là hoạt động sai Luật Báo chí. Hiện nay chúng ta quản lý báo chí thông qua tôn chỉ, mục đích vì báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản và mỗi cơ quan chủ quản đều có lĩnh vực hoạt động của mình.

Theo Bộ trưởng, trong luật ghi tạp chí khác báo ở chỗ là tập trung vào chuyên ngành và định kỳ. Vừa qua có tình trạng một số tạp chí xa rời những điều này. Cũng điều tra, phóng sự, tin thời sự, tin chính trị vượt quá tôn chỉ mục đích cũng như các quy định về tạp chí. 

Vấn đề “báo hóa” tạp chí, trang TTĐT được Chính phủ và Bộ TT&TT quan tâm, chỉ đạo liên tục để chấn chỉnh tình trạng này.

Cụ thể, trong văn bản số 3359 ngày 21/5/2021 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ TT&TT khẩn trương có giải pháp hiệu quả chấn chỉnh các sai phạm trong hoạt động của tạp chí điện tử, trang TTĐT tổng hợp. Đồng thời làm rõ trách nhiệm của cơ quan báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí khi để các chuyên trang, ấn phẩm có nhiều vi phạm, sai phạm. Xử lý nghiêm các trường hợp hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo.

Tại văn bản số 4854 ngày 26/11/2021, Bộ TT&TT nhấn mạnh sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về báo chí, trong đó tập trung về các hành vi cơ quan báo chí thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích… Đối với những vụ việc phức tạp, có dấu hiệu vi phạm hình sự, Bộ TT&TT sẽ chuyển, phối hợp các cơ quan chức năng xem xét, xử lý.

Mới đây nhất, tại Công văn số 844, Bộ TT&TT nêu rõ việc một số tạp chí có biểu hiện “báo hoá”, như: Chú trọng phản ánh các vấn đề, vụ việc tiêu cực trong xã hội nhưng lượng thông tin lý luận, khoa học, chuyên ngành hạn chế, thậm chí không có; đăng tải tin, bài hoặc cử phóng viên hoạt động tác nghiệp về những nội dung ngoài phạm vi tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép…

Một số cơ quan báo chí có biểu hiện “tư nhân hoá” báo chí, thể hiện chủ yếu ở việc giao chuyên trang, chuyên mục cho văn phòng đại diện, nhóm phóng viên hoặc đối tác hợp tác chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động, thành lập và khoán doanh thu tùy tiện cho các văn phòng đại diện cơ quan báo chí, thực hiện liên doanh liên kết theo hướng người đứng đầu cơ quan báo chí buông lỏng quản lý, chuyển giao quyền kiểm soát nội dung trên thực tế cho đối tác để đổi lấy lợi ích.

Nhằm tiếp tục siết chặt kỷ cương trong hoạt động báo chí, trong năm 2022, Bộ TT&TT sẽ tăng cường việc đo kiểm, rà quét nội dung thông tin hàng ngày và thông báo tại giao ban báo chí hàng tuần để các cơ quan báo chí biết và có giải pháp khắc phục kịp thời.

Bộ TT&TT sẽ kiểm tra, đánh giá hoạt động của các cơ quan báo chí để nhắc nhở, chấn chỉnh; trường hợp phát hiện có cơ quan báo chí vi phạm, Bộ sẽ chỉ đạo đơn vị chức năng xử phạt nghiêm theo quy định, thậm chí đình bản, thu hồi giấy phép hoạt động báo chí và hàng tháng có thông báo kết quả xử lý tới các cơ quan chủ quản và các các đơn vị liên quan.

Theo Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, quản lý báo chí thì phải làm cho báo là báo, tạp chí là tạp chí, trang tin là trang tin. Đúng tôn chỉ mục đích, đúng quy định của pháp luật. Báo chí cách mạng thì không tư nhân hoá.

Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Bộ TT&TT xử lý nghiêm các dấu hiệu “tư nhân hoá” báo chí.

“Muốn quản lý được thì đầu tiên phải giám sát được. Giám sát thì online, giám sát thì 100%, giám sát thì toàn diện. Xây dựng hệ thống giám sát online báo chí là trọng tâm 2022 của quản lý nhà nước, của Bộ, của Sở. Các Cục quản lý báo chí, truyền thông và xuất bản của Bộ TT&TT xây dựng hệ thống giám sát và chia sẻ cho các sở”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Dù tình trạng “báo hóa” tạp chí, trang TTĐT, “tư nhân hóa” báo chí đã được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần, nhưng cho đến nay hiện tượng  này vẫn còn phức tạp. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý báo chí và người cầm bút coi đây là “căn bệnh” cần chấn chỉnh, phải áp dụng các chế tài xử lý nghiêm khắc, để hạn chế những hệ lụy có thể xảy ra.

Ban Thời sự