Ở độ cao ngoạn mục hơn 5.029m so với mực nước biển, Roopkund hay hồ Skeleton ở Uttarakhand, Ấn Độ là một vùng nước nguyên sơ nằm trên dãy Himalaya hầu như bị đóng băng quanh năm. Tuy nhiên, vào một ngày mùa hè của năm 1942, một bí ẩn rùng rợn đã tình cờ được phát hiện tại đây.

Khi đó, một nhân viên kiểm lâm Ấn Độ tên là Hari Kishan Madhwal đã phát hiện ra hàng trăm bộ xương và sọ người, một số vẫn còn dính cả thịt. Khi băng tuyết bắt đầu tan, thêm nhiều bộ xương sọ nữa tiếp tục được tìm thấy ở dưới đáy hồ.

Hồ Skeleton này nằm dưới chân dãy núi Trisul và cách nơi ở của con người khoảng 5 ngày đi bộ. Các nhà nghiên cứu xác định có đến 800 thi thể người bị chôn vùi ở nơi có biệt hiệu "hồ xương người" này. Nhiều giả thuyết về sự việc đã được đưa ra sau đó nhưng cho đến nay vẫn chưa ai tìm được bằng chứng đủ thuyết phục. Nhiều du khách gan dạ thậm chí còn tự mình lên đỉnh Himalaya để khám phá bí ẩn của hồ Skeleton.

Giả thuyết về những thi thể bí ẩn

Thời điểm nói trên đang là ở giữa chiến tranh thế giới thứ 2. Các quan chức Anh ở Ấn Độ ban đầu lo ngại rằng những xương sọ trên có thể là của các binh sĩ Nhật có ý định tiến hành một cuộc xâm lược bí mật.

Nhưng cũng có giả thuyết cho rằng đó là thi thể của những thương nhân Tây Tạng đi qua Con đường Tơ lụa, đã chết vì dịch bệnh. Một số người dân tin rằng địa điểm này là nghĩa trang của những người đã chết trong trận mưa đá dữ dội, được cho là hiện thân của nữ thần Nanda Devi trong đạo Hindu.

Theo lời kể, nữ thần Nanda Devi rời quê nhà đến một vương quốc xa xôi, nơi bà bị nhà vua và hoàng hậu đối xử khiếm nhã. Nữ thần Nanda Devi sau đó đã nguyền rủa vương quốc này. Để xoa dịu nữ thần, nhà vua và hoàng hậu tiến hành chuyến hành hương nhưng lại mang theo cả đoàn vũ công và nhạc sĩ, vi phạm truyền thống khổ hạnh của một sự kiện như thế.

Nữ thần Nanda Devi càng thêm nổi giận và tạo ra một trận bão tuyết kèm mưa đá và gió lốc để quét đoàn hành hương xuống hồ. Những bộ xương tìm thấy được xem là cảnh báo đối với những ai bất kính nữ thần nói trên.

Rõ ràng, các yếu tố siêu nhiên và lòng mộ đạo đã phổ biến văn hóa dân gian địa phương ở Ấn Độ trong nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, sau khi phân tích pháp y, giả thuyết tốt nhất được đưa ra là hài cốt của một nhóm người hành hương Ấn Độ. Họ đã bị tấn công bởi trận mưa đá khổng lồ tại Roopkund vào Thế kỷ thứ 9.

Họ là tín đồ của đạo Hindu, được cho là đã tham gia cuộc hành hương diễn ra 12 năm một lần (gọi là Nanda Devi Raj Jat Yatra). Đây là một nghi lễ cổ xưa vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Hồ Roopkund nằm trên đường đến Homkund, điểm đến cuối cùng của hành trình đi bộ đầy gian nan này.

Các nhà khoa học vào cuộc

Sau tất cả những tranh cãi, một nghiên cứu kéo dài 5 năm của các nhà khoa học cho thấy những hài cốt được tìm thấy ở hồ có niên đại khoảng 1.200 năm. Công nghệ xác định niên đại bằng carbon cho thấy rằng những người chết tại hồ này không cùng một thời điểm mà thậm chí có thể chết cách nhau tới khoảng 1.000 năm. Cấu tạo gen của họ cũng cho thấy sự đa dạng về sắc tộc: 23 bộ xương có tổ tiên liên quan đến người tại Ấn Độ ngày nay và tử vong trong một số sự kiện thuộc giai đoạn từ thế kỷ VII đến thế kỷ X. Trong khi đó, 14 bộ xương có liên hệ gần gũi nhất với người đến từ đảo Crete của Hy Lạp ở Địa Trung Hải. Bộ xương còn lại có tổ tiên Đông Nam Á. Nhóm 15 người này thiệt mạng trong giai đoạn từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX, có thể trong một sự kiện duy nhất. Ngoài ra, đó cũng là những thi thể thuộc về những người đàn ông và phụ nữ trưởng thành và chết trong tình trạng khỏe mạnh, không bị dịch bệnh tác động.

Tuy nhiên, điều khiến các nhà khoa học chưa tìm được lời đáp là họ không tìm thấy bất cứ dấu tích gì của những công cụ hay vũ khí, thậm chí cả quần áo và vật dụng của các nạn nhân quanh khu vực này.

Ngày nay, khu vực hồ Skeleton vẫn bị xáo trộn và không được bảo vệ. Trong nhiều năm, những bộ xương đã được người leo núi di chuyển khắp nơi và thậm chí mang về nhà làm quà lưu niệm. Điều này đặt ra thách thức để tìm ra câu trả lời chính xác trong tương lai, bất chấp những tiến bộ của khoa học.