Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tính đến ngày 20/10/2024, cả nước có 6.320/8.162 xã đã được Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt Quyết định xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 2.182 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 480 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Có 296 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 45,96% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước); trong đó, đã có 11 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao .
Có 22 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 15 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và 100% đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới. Có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Theo đăng ký của các địa phương, dự kiến đến hết năm 2024, cả nước có khoảng 79 - 79,5% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có khoảng 305 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có thêm từ 1 - 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được các địa phương triển khai đồng bộ, rộng khắp, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn. Đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và ban hành Đề án/Kế hoạch triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025.
Đến nay, cả nước có hơn 14 nghìn sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Đồng bằng sông Hồng dẫn đầu cả nước với 30,7% số lượng sản phẩm OCOP của cả nước. Có 7.846 chủ thể OCOP, trong đó, có 32,8% là hợp tác xã, 22,7% là doanh nghiệp nhỏ, 38,6% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.
Đặc biệt, đã có hơn 2.420 hợp tác xã có sản phẩm OCOP, từng bước chuyển đổi hoạt động, thực hiện chức năng tiêu thụ sản phẩm, gắn với việc xây dựng sản phẩm có tiêu chuẩn, quy chuẩn, bao bì, nhãn mác và thương hiệu của hợp tác xã, thay vì chỉ làm các dịch vụ đầu vào cho các thành viên.
Số liệu tổng hợp của Bộ Tài chính cho thấy, tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương năm 2024 của chương trình đạt thấp. Cụ thể, đến hết tháng 8/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 45% tổng kế hoạch vốn được giao, tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp chỉ mới đạt 16,2% tổng dự toán thực hiện trong năm. Báo cáo của các địa phương, dự kiến đến hết năm 2024, có khoảng 11 địa phương không hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2024.
Tại hội nghị, các địa phương đã thảo luận về những khó khăn, vướng mắc; đồng thời đề xuất với các bộ, ngành trung ương để tiếp tục có giải pháp tháo gỡ giúp các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM.
Để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024 được cấp có thẩm quyền giao, làm nền tảng để phấn đấu hoàn thành mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025, trong năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung, quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình ở tất cả các cấp, các ngành để hoàn thành các mục tiêu về xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, thị xã/thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới mà UBND cấp tỉnh đã đăng ký đạt được trong năm 2024.
Thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực, trong đó, huy động tối đa nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện, xã) để tổ chức triển khai Chương trình. Tăng cường công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước được giao đảm bảo hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật; không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.
Tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hoá các hình thức truyền thông về nông thôn mới và các chương trình chuyên đề thông qua giới thiệu các cách làm hay, sáng tạo ở các địa phương. Phát huy tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư đối với việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn…
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đề nghị, Văn phòng Điều phối Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của các địa phương. Trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tham mưu Chính phủ, đề xuất các bộ, ngành liên quan xem xét giải quyết.
Đồng thời, đề nghị UBND, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt các nhiệm vụ đã đề ra; các địa phương cơ sở phát huy tính chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024.
Bên cạnh đó, chú ý nâng cao chất lượng thẩm định địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.