LTS: Tết ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp là một ngày lễ quan trọng trong năm. Vào ngày này, người dân làm mâm cơm cúng và thả cá chép. Vài năm gần đây, không ít gia đình đã bỏ việc thả cá, cũng như không đốt vàng mã, mũ áo cho ông Công ông Táo. Nhà báo Trương Công Tú đã có bài viết chia sẻ góc nhìn của mình về vấn đề này. VietNamNet trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. Bài viết mang quan điểm riêng của tác giả.

Những ngày vừa qua, tôi đã nhìn thấy mâm cúng 23 tháng Chạp của một số gia đình trẻ không còn cá chép, cũng chẳng có mã ông Công ông Táo. Nhiều người bảo như vậy còn hơn là đốt vàng mã làm ảnh hưởng tới môi trường, còn hơn thả cá chép từ trên cầu xuống mặt nước cách hàng chục mét và vứt túi ni lông bừa bãi sau khi thả cá...

tet78.jpeg
Ảnh minh họa: PX

Vẫn biết rằng việc cúng lễ đôi khi chỉ cần một nén tâm hương. Nhưng đừng quên, những giá trị văn hóa trăm năm, nghìn năm không ngẫu nhiên mà tồn tại, không đơn giản thay thế. Nghi lễ sinh ra không chỉ để phục vụ những giá trị tâm linh. Con cá chép không chỉ để Định Phúc Táo Quân cưỡi chầu trời bẩm báo Ngọc Hoàng.

Nghi lễ cúng 23 tháng Chạp để dành cho ai? Để dành cho ông Công ông Táo! Nếu xem Táo quân là một vị phúc thần, chẳng lẽ không có chúng ta thì ngài không thể về trời?! Chẳng lẽ nhờ mâm cao cỗ đầy thì ngài sẽ thay đổi nội dung sớ tấu có lợi hơn cho thân chủ?! 

Những nghi lễ cúng, trước hết là dành cho những người đang sống. Nghi lễ, hiểu nôm na là hình thức thể hiện lòng cung kính. Để hỗ trợ nghi lễ cần những biểu pháp như mã, cá chép… Mỗi dân tộc, thông qua chính đời sống và tư duy thẩm mỹ của mình, kiến tạo nên những nghi lễ và biểu tượng.

Nghi lễ và biểu pháp kết tinh thành những bài học. Cùng con đi thả cá chép là bạn đang cùng con thực tập pháp phóng sinh. Kể cho con nghe đặc tính cá chép mắt không bao giờ nhắm ngay cả khi ngủ để dạy con về sự tinh tấn. Và câu chuyện cá chép cùng tôm trong cuộc thi vượt vũ môn để thành rồng chứa đựng trọn vẹn bài học làm người quân tử.

Trong lễ có nghĩa, trong nghĩa có lý. Bởi thế, nghi lễ mới trở thành giá trị văn hóa trường tồn. Những biểu tượng, biểu pháp đi vào thơ ca, vào kiến trúc. Nhờ vậy, chúng ta mới có mõ cá chép trong chùa. Nhờ vậy, chúng ta mới có rồng thời Lý, thời Lê, thời Nguyễn… Thật khó tưởng tượng một dân tộc thiếu những biểu tượng văn hóa. 

Trong cuộc sống hiện đại, con người tôn vinh sự tối ưu, tiện lợi. Nghi lễ đôi khi trở nên hình thức, rườm rà và lạc lõng. Cơn lốc xu thế như bảo vệ môi trường, tôn trọng cái tôi cá nhân dần dần đè bẹp văn hóa truyền thống, biến nhiều giá trị của cộng đồng này, thế hệ này trở thành hủ tục của cộng đồng khác, thế hệ khác.

Nhiều phong trào văn minh chỉ là xu thế nhất thời trong quá trình du nhập văn hóa ngoại lai, nhưng có thể để lại những hậu quả nặng nề nếu thiếu tấm khiên bảo vệ. Tôi không tưởng tượng được một mâm cúng 23 tháng Chạp bỏ đi mã Táo quân và 3 con cá chép thì sẽ khác các mâm cúng lễ khác như thế nào?!

Những nhượng bộ nhỏ có thể từng bước làm mờ đi tấm "hộ chiếu văn hóa". Con cá có thể không bao giờ nhận ra tầm quan trọng của nước cho đến khi chiếc hồ khô cạn. Chúng ta cũng có thể không nhận ra tầm quan trọng của bản sắc khi vẫn đang được hít thở không khí văn hóa dân tộc mỗi ngày. 

Văn hóa là dòng chảy. Không bất biến. Luôn có nhiều đáp số, nhiều lựa chọn. Nhưng không vì đơn thuần hướng đến sự tiện lợi mà nông nổi dễ dàng xóa bỏ những nghi lễ và biểu pháp.

Đừng quên nghi lễ trông rườm rà là bởi nó mang trọng trách giáo dục tâm hồn. Đó là quá trình mài ngọc cho sáng, cho quý. Giữ gìn nghi lễ không đồng nghĩa với bảo thủ. Nhưng bản sắc xét đến cùng chính là những tinh hoa tinh túy nhất nhờ tấm khiên bảo thủ gìn giữ cho muôn đời sau.

Mời bạn đọc cùng nêu quan điểm về vấn đề này. Bài viết liên quan, vui lòng gửi về: bandoisong@vietnamnet.vn