{keywords}

PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký kiêm ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương phân tích sâu hơn về cơ cấu độ tuổi vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng như quy trình xem xét, giới thiệu những trường hợp đặc biệt trong phần tiếp theo cuộc trao đổi với VietNamNet.

{keywords}

Phát biểu kết luận hội nghị Trung ương 12 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII cần có 3 độ tuổi (dưới 50; 50 - 60 và từ 61 tuổi trở lên). Theo ông, vì sao lại cơ cấu 3 độ tuổi như vậy?

Việc cơ cấu 3 độ tuổi vào Ban Chấp hành Trung ương không phải lần đầu tiên mới đặt ra cho nhân sự Đại hội XIII mà việc này được xác định từ lâu. Cơ cấu này không chỉ áp dụng với cấp Trung ương mà cho cả cấp ủy các cấp.

Thực tế ở địa phương có tình trạng không thực hiện đúng cơ cấu về độ tuổi dẫn đến gần Đại hội có một số nơi rơi vào tình trạng “chuối chín cả nải”.

Tức là các nhân sự vào cấp ủy đều cùng một độ tuổi, đến khi về hưu tất cả đều nghỉ. Tình trạng này dẫn đến khó khăn trong việc bố trí nhân sự, kể cả cấp ủy viên, thường vụ, thường trực.

Ở toàn quốc thì có tình trạng tỉ lệ cơ cấu trẻ vào Trung ương (dưới 50 tuổi) một số nơi không đạt được. Căn cứ vào thực tế những nhiệm kỳ vừa qua, quy hoạch nhiệm kỳ này, Trung ương thấy độ tuổi dưới 50 từ 10 – 15%, còn chủ yếu là độ tuổi 51 – 60, đối với độ tuổi 61 trở lên chiếm 10%. Tỉ lệ này cũng là xuất phát từ thực trạng đội ngũ ủy viên Trung ương khóa XII và khả năng để vào Trung ương khóa tới.

{keywords}

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, số nhân sự 61 tuổi trở lên vào Trung ương không có nghĩa là tất cả đều quá tuổi. Theo quy định từ trước nay, tuổi tái cử ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư nhìn chung không quá 65. Như vậy, những người trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ 61 tuổi vẫn thuộc diện tái cử nằm trong tỉ lệ 10% theo quy định chứ không phải 10% này đều là trường hợp đặc biệt.

Vậy như thế nào được xem là trường hợp đặc biệt, thưa ông?

Việc bầu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư mấy khóa gần đây đều có trường hợp đặc biệt. Trong quy định cũng nói rõ về các trường hợp đặc biệt. Ví dụ như theo quy định, ủy viên Trung ương tái cử nhìn chung không quá 60, thì trường hợp đặc biệt là quá 60 vẫn có thể giới thiệu để bầu lại Ban Chấp hành Trung ương khóa mới.

Tương tự, Bộ Chính trị, Ban Bí thư là không quá 65, còn quá 65 là trường hợp đặc biệt. Chẳng hạn như Đại hội Đảng XII vừa rồi, 4 ủy viên Trung ương khóa 11 quá tuổi có các ông: Uông Chu Lưu, Đỗ Bá Tỵ, Bùi Văn Nam, Huỳnh Phong Tranh vẫn được Ban Chấp hành Trung ương khóa XI xem xét, giới thiệu với Đại hội để bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Kết quả 3 ủy viên Trung ương khóa XI quá tuổi là Uông Chu Lưu, Đỗ Bá Tỵ, Bùi Văn Nam đã trúng cử.

Còn Bộ Chính trị cũng có trường hợp đặc biệt như khóa X đã xem xét, giới thiệu ông Nguyễn Phú Trọng, ủy viên Bộ Chính trị khóa X tiếp tục giới thiệu bầu vào Trung ương khóa XI và được Trung ương bầu là ủy viên Bộ Chính trị và bầu làm Tổng bí thư.

Đến khóa sau, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI cân đối nhiều mặt vẫn quyết định tiếp tục xem xét, giới thiệu trường hợp đặc biệt đối với ông Nguyễn Phú Trọng dù ông đã quá 65 tuổi, để bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, bầu vào Bộ Chính trị và bầu làm Tổng Bí thư như hiện nay. Đó là trường hợp đặc biệt trong Bộ Chính trị.

Như vậy khóa XI có đặc biệt, khóa XII cũng có đặc biệt cả ủy viên Trung ương, cả với Bộ Chính trị.

Còn quy trình giới thiệu, bầu những trường hợp đặc biệt được thực hiện ra sao, thưa ông?

Hội nghị Trung ương 12 vừa qua cũng bàn vấn đề này nhưng cần nói rõ trước khi xem xét trường hợp đặc biệt thì bước đầu tiên phải xem xét những người còn trong độ tuổi tái cử.

Hiện nay chúng ta có 194 ủy viên Trung ương chính thức và dự khuyết thì phải xem xét trong 194 người này, ai còn đủ độ tuổi và đương nhiên phải đủ tiêu chuẩn thì giới thiệu tái cử xem được bao nhiêu. Đấy là bước một.

Hội nghị Trung ương vừa rồi cũng thống nhất là số lượng của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII cũng dự kiến là 200 người. Trong đó khoảng 180 là ủy viên Trung ương chính thức, 20 dự khuyết giống như khóa XII.

Bước hai mới xem xét đến những người lần đầu tiên tham gia Ban Chấp hành Trung ương, nhân sự được giới thiệu nhìn chung là theo quy hoạch nhưng ai đặc biệt xuất sắc nhưng chưa nằm trong quy hoạch cũng có quyền được giới thiệu.

Vừa qua các nơi giới thiệu lên, Ban chấp hành Trung ương cho ý kiến. Đợt đầu tiên gần 200 và mới bổ sung thêm tổng số gần 250 người. Căn cứ vào số lượng ủy viên Trung ương đã dự kiến 200 thì bước đầu xác định số tái cử bao nhiêu, đến bước giới thiệu những người tham gia Trung ương lần đầu. Sau đó mới đến bước thứ ba là xem xét các trường hợp đặc biệt, mà đã gọi là đặc biệt thì không nhiều.

Tương tự như vậy, cách giới thiệu ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng thế. Hội nghị Trung ương vừa rồi cũng đã nhất trí dự kiến số lượng ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII từ 17-19 người; Ban Bí thư dự kiến từ 11- 13 người nhưng không phải tất cả mới mà có một số ủy viên Bộ Chính trị phân công kiêm luôn ủy viên Ban Bí thư.

Cách làm cũng theo ba bước tương tự như là tiến hành nhân sự ủy viên Trung ương.

Như tôi nói, ủy viên Trung ương khóa XI chỉ có 4 người quá 60 tuổi là trường hợp đặc biệt; Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ có 1 người là đặc biệt.

{keywords}

Hội nghị Trung ương 12 vừa rồi mới thống nhất về nguyên tắc lớn, như vậy còn chưa đi vào cụ thể. Trung ương nói rõ, trường hợp đặc biệt thì Bộ Chính trị sẽ xem xét, cân nhắc một cách kỹ lưỡng để báo cáo Ban Chấp hành Trung ương và trình Đại hội XIII xem xét, quyết định. Sau Hội nghị Trung ương 12, Tiểu ban nhân sự đang tiến hành làm các bước tiếp theo.

Theo quy định, những trường hợp đặc biệt, Tiểu ban nhân sự và Bộ Chính trị cho ý kiến trước. Thảo luận trong tiểu ban nhân sự, sau đó tiểu ban báo cáo Bộ Chính trị, rồi Bộ Chính trị trình Trung ương. Lúc này Trung ương thảo luận rất kỹ để xem trường hợp này có nên đặc biệt hay không. 

{keywords}

Ông có thể nói rõ hơn, đối với các trường hợp đặc biệt là do thiếu người hay là do ở vị trí đó, không tìm được người phù hợp ngoài trường hợp đặc biệt?

Có nhiều lý do để chọn trường hợp đặc biệt. Một là bản thân người đó là thật sự có đức, có tài như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là một điển hình. Phải khẳng định trước hết là không phải là do
không tìm được người mà vấn đề đặc biệt là người đó ở lại có lợi cho Đảng, cho dân.

Sau đó mới đến lý do thứ hai là lĩnh vực đó khó tìm được người thay thế tốt hơn nhưng điều này không quan trọng bằng lý do thứ nhất.

Tôi cũng nói luôn là trong lịch sử Đảng ta trước đây chọn nhân sự không căn cứ độ tuổi. Tôi ví dụ như những nhân sự có tài năng, đức độ, còn sức khỏe vẫn làm việc như Bác Hồ là việc tới 79 tuổi, các ông Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng… cũng làm việc không tính đến tuổi tác. Ngay như ông Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư khi 74 tuổi…

Điều đó để nói rằng, Đảng ta trước đây là không có quy định độ tuổi. Thế giới hiện nay cũng nhiều nơi không tính tuổi chính khách như trường hợp Thủ tướng Malaysia 92 tuổi.

Trong các kỳ Đại hội thời kỳ đổi mới, chúng ta mới đưa độ tuổi như cụ thể là ủy viên dự khuyết là không quá 45 tuổi. Những người lần đầu tiên vào Trung ương nhìn chung còn độ tuổi để công tác được 2 nhiệm kỳ, ít nhất trọn một nhiệm kỳ; Trung ương nhìn chung là không quá 60; Bộ Chính trị nhìn chung là không quá 65.

Theo tôi chỗ này cần phải nghiên cứu lại để nếu được chính khách không có tuổi, còn công chức thì có tuổi. Như vậy sẽ tận dụng được người có tài.

Bây giờ, tuổi thọ bình quân của mình đã tăng lên 74, Quốc hội cũng thông qua việc tăng dần tuổi nghỉ hưu từ năm 2021 để nam 62, nữ 60. Nhưng độ tuổi để bầu, tái cử vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị thì chưa thay đổi độ tuổi.

Ngược lại, chúng ta cũng từng có nhân sự trẻ 13 tuổi, ông Nguyễn Hiền đỗ trạng nguyên, lúc bấy giờ ta cũng bàn nhau là bổ nhiệm hay đợi đủ tuổi và thống nhất đã đỗ trạng nguyên là bổ nhiệm làm quan. Như vậy, ta đã có cán bộ XIII tuổi làm quan là ông Nguyễn Hiền. Để nói là trong lịch sử của cha ông ta cũng đã từng bổ nhiệm cán bộ trẻ, từng bổ nhiệm cán bộ cao tuổi.

Bây giờ có nhiều ủy viên Trung ương 60 tuổi có đủ đức độ mà nghỉ hưu sớm thì phí quá.

Qua theo dõi các khóa, ông thấy khi thảo luận về các trường hợp đặc biệt, thường các ý kiến đưa ra những cơ sở, lý lẽ như thế nào?

Tôi lấy thí dụ như trường hợp của ông Bùi Văn Nam, ông Uông Chu Lưu, ông Đỗ Bá Tỵ là những trường hợp đặc biệt được giới thiệu ra Đại hội XII đều là người có vừa là năng lực nổi trội, đủ tiêu chuẩn; đồng thời những vị trí đó cần những con người như thế.

Bộ Công an cần một Thứ trưởng như ông Bùi Văn Nam; Quốc hội cần một người am hiểu về luật, thể chế như ông Uông Chu Lưu... Những căn cứ đó đều được đưa ra thảo luận rất kỹ tại đại hội.

Thậm chí, có trường hợp ra Đại hội người ta tiếp tục giới thiệu như Đại hội XII vừa rồi Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương không giới thiệu nhưng ra Đại hội, đại biểu có quyền giới thiệu thêm người để tiếp tục tái cử vào Ban Chấp hành Trung ương. Cụ thể là trường hợp ông Nguyễn Tấn Dũng.

{keywords}

Ông Nguyễn Tấn Dũng sinh năm 1949, đến Đại hội XII là 67 tuổi, đã nằm trong diện đặc biệt. Tuy Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương không giới thiệu nhưng ra Đại hội, có đại biểu giới thiệu và Đại hội XII đã xem xét rất kỹ và cuối cùng là bỏ phiếu có đồng ý cho ông Nguyễn Tấn Dũng rút hay không. Tất cả đều làm theo quy trình rất bài bản, chặt chẽ.

Đối với các trường hợp đặc biệt không phải chỉ có Bộ Chính trị quyết là xong, mà Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương, Ban Chấp hành Trung ương lại phải trình Đại hội để xem có nhất trí danh sách giới thiệu để bầu.

Tinh thần của khóa này cũng vậy, những trường hợp đặc biệt Bộ Chính trị phải xem xét một cách toàn diện, có thực sự đặc biệt không.

{keywords}

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có lưu ý, khóa XIII cần tăng cường số lượng ủy viên TƯ ở các vị trí, địa bàn, lĩnh vực công tác trọng yếu, nên hiểu tinh thần này thế nào thưa ông?

Lĩnh vực trọng yếu là những lĩnh vực về quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế xã hội, khối các cơ quan Đảng… Đây là những nơi phải có tỉ lệ ủy viên Trung ương tương đối để đảm bảo được sự lãnh đạo của Đảng trên các lĩnh vực trọng yếu.

Các Đại hội gần đây, trong số các ủy viên Trung ương thì tỉ lệ tướng lĩnh quân đội, tướng lĩnh công an không phải là tỉ lệ thấp. Đấy là để đảm bảo tỉ lệ trong các lĩnh vực trọng yếu để thực hiện các nhiệm vụ an ninh quốc
phòng, bảo vệ Tổ quốc. Còn lĩnh vực kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm thì cũng có số lượng ủy viên Trung ương đảm bảo. Hay số lượng ủy viên Trung ương ở các cơ quan như Quốc hội thực hiện quyền lập pháp, đấy cũng là trọng yếu; lĩnh vực xây dựng Đảng đấy cũng là lĩnh vực trọng yếu.

Yếu tố vùng miền cũng là vấn đề được người dân quan tâm. Vậy trong cơ cấu nhân sự dự kiến của khóa XIIIcó xét đến việc này?

Trong văn kiện hiện nay không đặt vấn đề cơ cấu vùng miền, bởi đất nước Việt Nam là thống nhất, Đảng ta là thống nhất. Tuy nhiên, để đảm bảo Đảng lãnh đạo toàn diện thì mấy nhiệm kỳ gần đây hầu như bí thư tỉnh ủy đều là ủy viên Trung ương. Kể cả khối dân sự, khối quân đội, công an… cũng phải đảm bảo cơ cấu. Đương nhiên tiêu chuẩn vẫn là chính.

Còn dư luận nói về cơ cấu miền Bắc, miền Nam, miền Trung thì trước đây phải cân đối nhưng những khóa gần đây, tư tưởng tưởng vùng miền trong dư luận xã hội ít hơn.

Trước đây, đúng là có tư tưởng vùng miền, dư luận hay nói rằng: “lý luận miền Bắc, nguyên tắc miền Trung...”. Tức là Tổng Bí là người miền Bắc, Thủ tướng người miền Nam và Chủ tịch nước miền Trung nhưng bây giờ có thế đâu.

Nên khái quát đó chỉ là tương đối đúng vào thời điểm đó, chứ không đúng với hiện nay. Vấn đề vẫn là chọn người thật sự có đức, có tài.

{keywords}

Thu Hằng (thực hiện)

Bài 1: Trăn trở của Tổng Bí thư về Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII

Bài 2: Nhốt quyền lực trong lồng cơ chế với bài toán nhân sự khóa XIII

Bài 3: Rà soát từng nhân sự trước khi đưa ra Đại hội XIII để không mắc sai lầm

Bài 4: Không để "lươn, chạch" trèo cao như Tổng Bí thư đã yêu cầu

Bài 5: Cách thức giới thiệu trường hợp đặc biệt vào Bộ Chính trị, BCH Trung ương