Anh Trần Xuân Điệp (SN 1981, xóm Tân Dân, xã Nam Mỹ, huyện Nam Trực, Nam Định) buồn xo bên vườn đào đang chúm chím nụ.

Anh cho biết, hằng năm, thời điểm này vườn của anh đã có khách đặt hết. Xe bốc cây nườm nượp, chật đường, phải mượn chục thợ để đánh cây cho khách. Nhưng... năm nay thì không có bóng khách!

Với trên 500 gốc đào to nhỏ, trong đó có khoảng trên 100 gốc cổ thụ, mỗi năm, gia đình anh Điệp thu nhập vài trăm triệu đồng.

Những cây đào thế cổ thụ ghép mắt đào ta, đào rừng, anh cho khách thuê dịp Tết Nguyên đán từ chục triệu tới vài ba chục triệu đồng.

Khu vườn rộng 5 sào Bắc Bộ, nằm ngay mặt đường mới từ cầu Tân Phong chạy xuyên qua huyện Nam Trực, nối thẳng tới các huyện Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Hải Hậu. Từ khi có tuyến đường mới mở, các xã trồng cây cảnh Nam Mỹ, Nam Phong… như bừng giấc, trở thành vựa cây cảnh đào, quất lớn nhất của đất Thành Nam và là thương hiệu đào, quất nức tiếng miền Bắc.

{keywords}
 
{keywords}
Anh Trần Xuân Điệp, chủ vườn đào rộng 5 sào ở huyện Nam Trực

“Từ đầu tháng đến giờ, vườn của tôi mới bán được khoảng chục cây, còn lại vẫn đang nằm im chờ khách. Chỗ nào đất trống là vị trí những cây đào đã được đánh chuyển đi cho khách”, anh Điệp chia sẻ.

Để có một cây đào thế đẹp, nở đúng dịp Tết Nguyên đán, ngoài kinh nghiệm, tay nghề của người làm vườn, còn phải mất rất nhiều mồ hôi công sức, chi phí mua phân bón, thuốc trừ sâu, đất trồng.

Theo Anh Điệp: “Cả năm, người trồng đào chỉ trông chờ duy nhất vào dịp cuối năm. Bình thường, một vườn đào 500 gốc như thế này nếu bán, cho thuê hết sẽ được khoảng 7- 8 trăm triệu đồng. Trừ chi phí, mỗi năm, người trồng đào được vài trăm triệu. Nhưng năm nay, tôi chỉ lo tiền bán cây không đủ mua thuốc sâu, phân bón”.

Anh cho hay, giá đào bán/cho thuê năm nay giảm 1/3 so với mọi năm nhưng vẫn ế khách. “Một cây đào thế đẹp cao chừng trên 2m, đường kính trên 20cm, tàn vươn rộng vài ba mét đặt trong khuôn viên nhà biệt thự hay đại sảnh của cơ quan, công ty… giá cho thuê trên dưới 20 triệu đồng. Năm nay, giá chỉ dưới chục triệu”.

Chỉ tay vào cây đào thất thốn sù sì to như đại thụ (loại quý hiếm, xưa dùng để tiến vua), anh Điệp cho biết, giá cho thuê mức 5 triệu đồng, nhưng vẫn chưa có khách.

Ông Trần Phát Quán (74 tuổi, cũng ở xóm Tân Dân) cả ngày chỉ quanh quẩn bên chiếc lều bạt dựng ở góc vườn để trông đào, đón khách.

{keywords}
Ông Trần Phát Quán lo lắng khi đào còn nằm yên trong vườn

“Giá như có khách đến ngắm cây, đi ra đi vào, đánh cây, vận chuyển… nó nóng người, quên lạnh. Từ Mồng một Âm lịch đến nay, mỗi ngày có vài khách đến hỏi, rồi lại đi. Khách mua thực sự rất ít”, ông Quán bộc bạch.

{keywords}
Ông Quán bên chiếc lều bạt dựng tạm để canh đào, chờ khách

Xã Nam Mỹ có khoảng 800 hộ trồng đào cảnh. Đào là nguồn thu chính của bà con nơi đây. Nhìn cục diện năm nay, thấy rõ, người dân đang thất thu.

{keywords}
Dọc tuyến đường mới mở của Nam Định, cảnh tượng đào quất đìu hiu chạy dài hàng km...
{keywords}
Gió rét, mưa phùn, những nông dân làng đào Nam Mỹ ngồi co ro trong chiếc lều bạt dựng tạm ven đường

“Dịch bệnh bùng phát khắp cả nước, việc đi lại giữa các tỉnh còn khó khăn. Những năm trước, người buôn đào đánh cả vườn mang đi bán lẻ, năm nay, tịnh không có người buôn”, ông Quán chia sẻ.

Dưới tiết trời xám xịt, mưa bụi lây rây, chỉ có gió bấc thổi phần phật tấm bạt trùm mấy cây tre bắc tạm và ông lão ngoài 70 tuổi. 

Cảnh tượng không khá hơn đối với vựa quất cảnh của xã Nam Phong, ở cùng chung một trục đường.

{keywords}
 
{keywords}
Bà Lễ cho biết, chưa năm nào cây quất cảnh phải chờ khách như năm nay. Giá phân bón tăng gấp ba, giá đào quất giảm gần 1/2 nhưng vẫn ít người mua vì dịch bệnh Covid-19 kéo dài 

Xã Nam Mỹ chuyên canh trồng đào thì người dân Nam Phong nổi tiếng với cây quất cảnh. Quất Nam Phong đẹp nhất phía Bắc bởi quả to, tròn, chín đều, cây to cao trên dưới 2m, tán dầy, lừng lững, quả trĩu trịt kín tàn cây, nhìn từ xa như một bó đuốc khổng lồ.

Là ngày may mắn của vợ chồng ông bà Phương Lễ (xã Nam Phong), khi chiều muộn thì có khách đến mua 4 cây quất về chơi Tết. Cây quất cao lừng lững như một bó đuốc vàng ruộm có giá 1,5 triệu đồng. Bốn thanh niên khỏe mạnh đánh đất, bó bầu tròn xoe, luồn chiếc đòn càn để gánh công kênh đưa lên chiếc xe tải đã mở thùng đợi sẵn trên vệ đường.

{keywords}
Cây quất to, đẹp, hai người khiêng có giá 1,5 triệu đồng, chỉ bằng một nửa giá bán năm ngoái

“Năm ngoái, quất đẹp như thế này có giá từ 2,5 – 3 triệu đồng. Năm nay cả làng phải hạ giá, bán được cây nào thì còn gỡ gạc được công sức, vật tư bỏ ra. Nếu không, khi qua Tết, chúng tôi buộc phải bứt hết quả, làm lại từ đầu”, bà Lễ cho hay.

Vườn quất của gia đình bà Lễ có 60 cây, chia làm 2 loại trung bình và to. Cây quất to cao gần 2m, tàn rộng, dày chi chít những quả năm nay giả chỉ trên dưới 2 triệu đồng. Loại thấp, nhỏ hơn, ông bà bán 1,5 triệu đồng.

Từ đầu mùa đến nay, ông bà bán được 15 cây, còn lại vẫn nằm im trên vườn.

“Cây đã ế ẩm, vật tư, phân bón… lại tăng gấp 3. Một xe đất 3 – 4 khối, giá 1,2 triệu đồng. Năm nào tôi cũng phải mua vài triệu tiền đất cày để chăm lứa quất mới, mà không mua thì không được. Dịch bệnh ảnh hưởng quá khủng khiếp, nhà vườn nào cũng chung cảnh ngộ”, bà Lễ buồn bã.

Trăm nghìn tấn trái cây ùn ứ cửa khẩu, người dân Lạng Sơn ngợp trong “biển” mít

Trăm nghìn tấn trái cây ùn ứ cửa khẩu, người dân Lạng Sơn ngợp trong “biển” mít

Hàng ngàn container chở mít từ miền Tây ùn ứ ở cửa ngõ Lạng Sơn. Sắp hết thời hạn bảo quản, số hàng này phải “xả” tại chỗ, người dân vùng biên ngợp trong "biển" mít.

Thái Bình