icon icon

Miền Tây Nam Bộ gồm 13 tỉnh, thành phố với cảnh sắc biển, đảo, đồi núi, nông nghiệp tươi đẹp. Những năm gần đây, ĐBSCL tập trung quảng bá, khai thác tiềm năng thế mạnh thiên nhiên cùng những sản vật địa phương để phát triển du lịch.

Cần Thơ là đô thị trung tâm miền Tây Nam Bộ. Thành phố này tiếp giáp với các nhánh của sông Hậu, hình thành kiểu hạ tầng đô thị ven sông. Nhìn từ trên cao, dễ nhận thấy nét đẹp mềm mại đặc trưng trong ánh hoàng hôn.

Cần Thơ từng được tạp chí Departures của Mỹ xếp hạng thứ 4 trong danh sách 9 thành phố sở hữu hệ thống kênh đào đẹp nhất thế giới.

Chợ nổi Cái Răng của Cần Thơ được Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2016. Đây là chợ nổi lớn và nhộn nhịp nhất miền Tây, biểu tượng cho hoạt động thương mại đặc trưng vùng sông nước. Ngoài hoạt động mua bán, Cái Răng còn là sản phẩm du lịch tiêu biểu của địa phương, thu hút đông đảo du khách.

Người dân vùng sông nước Cần Thơ lênh đênh trên những chiếc ghe chạy dọc các tuyến kênh, rạch để mua bán.

Đất Mũi thuộc tỉnh Cà Mau là biểu tượng đặc biệt của vùng Tây Nam Bộ. Đây là điểm cuối cùng (phần đất liền) của toàn dãy đất hình chữ S. Cảnh sắc nơi này khá hoang sơ, mênh mông rừng biển. Tại Đất Mũi, du khách có thể trải nghiệm, tham quan sinh cảnh vùng đất ngập nước mặn với hệ động vật, thực vật phong phú. Đây cũng là địa điểm mọi người có thể ngắm mặt trời mọc và mặt trời lặn trên biển tại cùng một vị trí.

Rừng tràm U Minh Hạ thuộc địa phận hai huyện U Minh và Trần Văn Thời (Cà Mau), diện tích khoảng 35.000ha. Sinh cảnh vùng rừng khá đặc trưng với những cánh rừng tràm bạt ngàn. Dưới chân rừng là thảm thực vật vùng nước ngọt đa dạng chủng loài.

Những năm gần đây, người dân địa phương vùng U Minh Hạ chú trọng khai thác nét đẹp cảnh quan rừng để làm du lịch sinh thái.

Bạc Liêu là vùng đất ven biển với những cánh đồng muối trắng đặc trưng. Toàn tỉnh có khoảng 1.500ha muối, tập trung tại 2 huyện Đông Hải và Hòa Bình. Nghề làm muối Bạc Liêu duy trì khoảng 100 năm qua, được xem là mảng nông nghiệp quan trọng, tạo thu nhập khá, giúp giải quyết việc làm cho người dân địa phương.

Cánh đồng điện gió trên thềm biển xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) là điểm du lịch biểu tượng của địa phương. Tại đây, những dự án điện gió với mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng được đã được triển khai. Du khách đến Bạc Liêu dễ dàng tham quan cánh đồng điện gió, nơi này chỉ cách trung tâm thành phố hơn 10km.

Nhiều tỉnh, thành phố tại miền Tây Nam Bộ giáp biển, có số đội ghe tàu đánh bắt thủy hải sản đông đúc như Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu... Theo nhiều du khách, ngắm những chiếc tàu cá neo đậu trên biển về đêm, lung linh sắc đèn cũng là một trải nghiệm thú vị.

Kiên Giang là địa phương có tiềm năng du lịch biển, đảo đứng đầu các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Những đô thị biển, đảo như Hà Tiên (ảnh), Phú Quốc, Rạch Giá là điểm đến tham quan, trải nghiệm thường xuyên của du khách. Thành phố Hà Tiên ven biển tiếp giáp với nước bạn Campuchia, được thành lập năm 2018. Hạ tầng địa phương vùng biên này được chú trọng đầu tư trong nhiều năm qua, tạo diện mạo mới mẻ, năng động.

Cảnh sắc vùng núi Tô Châu thuộc thành phố Hà Tiên trong ánh bình minh. Ảnh: Trương Anh Dũng.

Phú Quốc là điểm du lịch nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách bậc nhất miền Tây Nam Bộ. Thành phố này trung bình đón khoảng 5 triệu lượt khách mỗi năm. Nơi đây được mệnh danh là "Đảo Ngọc" bởi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có tiềm năng lớn trong phát triển ngành du lịch, dịch vụ.

Phú Quốc được đánh giá là một trong những nơi có thảm san hô đẹp nhất thế giới với diện tích lên đến 480ha với hơn 360 loại san hô cứng cùng hàng chục loại san hô mềm. Các vùng biển của đảo Phú Quốc cũng có hơn 150 loài cá và gần 100 loài tảo biển sinh sống và phát triển khỏe mạnh.

Cảnh sắc biển Dinh Cậu - điểm đến nổi tiếng ở Phú Quốc trong ánh hoàng hôn. Di tích này là một đền đài cổ kính, gần gũi thiên nhiên và hướng biển. Người dân địa phương lẫn khách du lịch đều thích không khí ở đây. Họ thường chọn khu vực xung quanh Dinh Cậu để dạo biển và hóng gió mát. 

Tính đến nay, Phú Quốc có 286 dự án đầu tư du lịch (chiếm 86% dự án đầu tư du lịch toàn tỉnh Kiên Giang). Nhiều dự án đã đi vào hoạt động, tạo sức hút và diện mạo mới mẻ, năng động, hiện đại cho ngành du lịch Kiên Giang.

Chợ nông sản Vị Thanh thuộc phường 1, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Khu chợ này trở nên nổi tiếng tại miền Tây vì kiểu họp chợ khá đặc trưng. Tiểu thương là người dân quê, mang những sản vật nông nghiệp từ nội đồng ra khu chợ này bày bán. Mọi người thường ngồi xổm hoặc kê ghế nhỏ, bày hàng trên khoảng đất hẹp. Nơi đây trở thành một trong những điểm trải nghiệm khá thú vị của du khách khi có dịp đến Hậu Giang.

Khoảng tháng 7 – 10 Âm lịch hàng năm, con nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về các tỉnh miền Tây Nam Bộ, nhất là tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang. Người dân địa phương gọi đây là thời điểm mùa nước lũ (hay nước nổi) đã về. Lúc này, những cánh đồng trở nên mênh mông nước, với nhiều hoạt động sinh hoạt, mưu sinh đặc trưng.

Người dân miền Tây Nam Bộ mưu sinh bằng nghề chài lưới trên cánh đồng mùa nước nổi.

Làng hoa Sa Đéc, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp được mệnh danh là "Vương quốc hoa kiểng". Với diện tích trên 100ha và trồng gần 2.000 giống hoa kiểng các loại, mỗi dịp Tết Nguyên đán, thủ phủ hoa miền Tây bán ra thị trường cả nước khoảng 2 triệu chậu. Làng hoa Sa Đéc cũng là một trong những điểm đến thu hút đông đảo du khách bậc nhất Đồng Tháp.

Miền Tây Nam Bộ là vựa lúa của cả nước. Diện tích đất canh tác lúa hàng năm toàn miền duy trì khoảng 700.000ha. Cánh đồng lúa nối dài tạo nên những mảng màu nông nghiệp ấn tượng, tươi đẹp khá đặc trưng của miền dựa lúa. Ảnh: Trần Minh Lương.

Hoàng Giám

Xem các bài viết của tác giả