Như một tuyệt tác của núi rừng Tây Bắc, Mù Cang Chải được xem là nơi có khu ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới cùng với Luzon (Philippines), Nguyên Dương (Trung Quốc)... Trung tuần tháng 9 hàng năm, huyện nghèo của tỉnh Yên Bái này lại vào mùa lúa chín vàng rộ. Khung cảnh hùng vĩ với màu sắc bắt mắt đang thu hút sự quan tâm của nhiều du khách. Những ngày qua giới trẻ và nhiều nhóm bạn bè từ khắp tỉnh, thành đổ về huyện vùng sâu xa này của tỉnh Yên Bái để vui chơi, ngắm cảnh.
Nằm ở độ cao 2.000m so với mực nước biển, thuộc khu vực chân dãy núi Hoàng Liên Sơn, Mù Cang Chải thu hút khách du lịch vào hai thời điểm trong một năm. Đó là mùa nước đổ vào khoảng tháng 5 đến tháng 6 và mùa lúa chín từ giữa tháng 9 tới đầu tháng 10. Cảnh sắc núi rừng hòa với sắc vàng tươi của lúa chín và nắng mùa thu tạo nên khung cảnh nên thơ, trữ tình.
Bao quanh giữa những dãy núi cao trùng điệp là các thôn bản người H'Mông, Thái, Kinh... Chiếm 90% dân số nơi đây là dân tộc H'Mông, họ cư trú ở những sườn núi cao từ 800 đến 1.700 mét. Những năm qua, khi khi kinh tế Mù Cang Chải bắt đầu phát triển, đến mùa lúa nương chín, người dân gặt hái chậm lại để thúc đẩy du lịch. Hơn thế, bà con còn có thêm nghề "tay trái" như chạy xe ôm đưa khách đi tham quan hoặc bán gạo nương, kinh doanh đặc sản...
Mù Cang Chải còn được dân phượt gọi với cái tên "trái tim Tây Bắc", vì nếu xem trên bản đồ Việt Nam sẽ thấy nơi đây nằm chính giữa của khu vực Tây Bắc Bộ. Tuy vậy đường đi từ các tỉnh khác qua Mù Cang Chải chưa bao giờ là dễ dàng. Để đến được miền đất của mùa vàng, phần lớn du khách phải đi qua đèo Khau Phạ - một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam với chiều dài 30km, địa hình quanh co hiểm trở.
Bên dưới chân đèo Khau Phạ, những thung lũng lộ ra với một màu vàng óng. Cảnh sắc như được thay áo mới khi từng thửa ruộng chín dần, sắc xanh ngày một biến mất.
Thời tiết dịu nhẹ, nhiệt độ khoảng 23 độ C, du khách tới Mù Cang Chải những ngày này có được trải nghiệm thú vị về mùa thu của vùng núi Tây Bắc. Đây cũng là thời điểm những bông hoa tam giác mạch bắt đầu nở. Nhờ thiên nhiên ưu ái, không khó để bắt gặp những vạt hoa, rừng cây, những con suối... chạy dài theo sườn núi. Cùng với đó là ánh mắt hồn nhiên, nụ cười ngộ nghĩnh của những em bé dân tộc.
Mù Cang Chải từng được biết đến là nơi chịu nhiều thiệt hại bởi sạt đất, lũ quét. Thế nhưng vào mùa khô, những con suối ở đây lại trở nên hiền hòa và êm dịu. Đám trẻ người dân tộc H'Mông dịp này thỏa thích chơi đùa dưới làn nước mát lạnh của con suối chảy qua thôn bản.
Trung tuần tháng 9 là thời điểm gặt hái của người dân tộc nơi đây. Phần lớn công cụ nông nghiệp của họ còn thô sơ. Lúa được đập lấy thóc ngay tại bờ ruộng. Rơm rạ phơi khô rồi được bà con thu vén mang về làm thức ăn chăn nuôi.
Từ trên cao, cảnh sắc cả một vùng đồng ruộng bát ngát vàng ruộm. Ngay cả khi ngày mới, mây còn lững thững từ dưới chân núi đi lên thì những thửa ruộng lúa chín đã lấp ló trong sương sớm. Từ lâu, Mù Cang Chải xứng đáng trở thành điểm đến yêu thích của những phượt thủ, nhiếp ảnh và cả những người ưa dịch chuyển, khám phá.
Trong một vài năm gần đây, để thúc đẩy du lịch phát triển mạnh, Mù Cang Chải còn có thêm các dịch vụ trò chơi trải nghiệm lý thú. Trong đó môn thể thao bay dù lượn từ đỉnh đèo Khau Phạ xuống thung lũng bản Lìm Mông được nhiều du khách lựa chọn. Với mức giá 2,2 - 3 triệu đồng/lượt, người chơi sẽ được ngắm nhìn phong cảnh núi rừng từ trên cao.
Bay cùng du khách là các phi công có kinh nghiệm lâu năm với đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ. Trước khi cất cánh, Alish Thapa (phi công người Nepal) cẩn thận hướng dẫn bạn đồng hành cách chạy lấy đà và ổn định tinh thần để không bị hồi hộp, lo lắng.
Việt Hoài, nữ du khách đến từ Hà Nội, hào hứng với lần đầu tiên trải nghiệm bay dù lượn. "Chuẩn bị bay tôi cũng khá lo, nhưng khi cất cánh và lúc bay ở trên cao thì niềm vui sướng đã lấn át tất cả. Cảnh sắc núi ngút ngàn và bên dưới là những thửa ruộng lúa chín vàng khiến tôi có một trải nghiệm không thể nào quên. Thậm chí tôi còn định đăng ký bay tiếp lần nữa", Việt Hoài chia sẻ.
Du khách với những bộ trang phục màu sắc, duyên dáng thả mình trong khung cảnh thiên nhiên để có được những bức hình lưu niệm đắt giá.
Được biết đến là một huyện miền núi khó khăn của tỉnh Yên Bái, tuy nhiên với tiềm năng và lợi thế về du lịch, Mù Cang Chải đang nhận được nhiều quan tâm và kỳ vọng phát triển, trở thành điểm đến lớn tại vùng núi phía Bắc.