Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình 1719) là động lực để phát triển KTXH, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng dân tộc thiểu số ở Cao Bằng. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Cao Bằng đề ra kế hoạch vốn thực hiện Chương trình dân tộc thiểu số là gần 7.500 tỷ đồng, trong đó năm 2022 đã thực hiện được trên 820 tỷ đồng. Dự kiến nguồn lực và khả năng huy động nguồn lực thực hiện chương trình năm 2023 là hơn 1.500 tỷ đồng.

Cao Bằng đặc biệt chú trọng đến công tác hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trên các địa bàn khó khăn, mở rộng sinh kế, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, từ đó nâng cao đời sống người dân, từng bước giảm nghèo. Tỉnh đã triển khai một số mô hình đạt hiệu quả như: Mô hình trồng các loại cây làm gia vị, người dân liên kết sản xuất với một số doanh nghiệp triển khai trồng một số cây như gừng, nghệ, ớt, tỏi, sả... tại các huyện Hoà An, Hà Quảng...

Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, số lượng giao dịch tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử đã tăng đáng kể, mang lại doanh thu không nhỏ và tạo được danh tiếng nhất định cho sản phẩm nông sản thế mạnh địa phương. Đây cũng là con đường để Cao Bằng thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

Năm 2022 - 2023, Cao Bằng tổ chức 36 lớp tập huấn kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử tại các huyện cho 1.300 học viên là các doanh nghiệp, hợp tác xã; các hộ gia đình, cá nhân đang hoạt động, sinh sống trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; triển khai các Đề án hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh xây dựng các phần mềm giải pháp thương mại điện tử như: phần mềm quản lý dữ liệu cho 5 đơn vị (năm 2019); hệ thống tiếp thị đa kênh hỗ trợ xúc tiến bán hàng Online cho 7 đơn vị (năm 2020); phần mềm quản lý bán hàng thông minh cho 12 đơn vị (năm 2021).

Sở Công Thương đang quản lý và vận hành 3 hệ thống phần mềm, đã và đang hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh, các nhà phân phối quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm bằng hình thức trực tuyến, gồm: Bản đồ trực tuyến phân phối hàng Việt có địa chỉ http://caobang.etix.vn; Hệ thống hội chợ, triển lãm trực tuyến tỉnh Cao Bằng có địa chỉ http://caobang.ifair.vn; Cổng thông tin giao dịch TMĐT tỉnh Cao Bằng có địa chỉ http://caobangtrade.vn.

Nhờ đó, những năm gần đây, nhiều nông dân của tỉnh Cao Bằng đã mạnh dạn thay đổi nhận thức, chủ động tìm tòi, nâng cao kiến thức, tiếp thu tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để tiếp cận với nền nông nghiệp thông minh gắn liền với CĐS. 

Theo thống kê, khoảng 3.806 sản phẩm của Cao Bằng đã được đưa lên sàn thương mại điện tử, tiếp cận được với khách hàng trong tỉnh, trong nước và ngoài nước.

Đơn cử, Hợp tác xã nông nghiệp ba sạch Hưng Đạo, xóm Ngọc Quyến, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng, thông qua việc đưa các sản phẩm bún khô, miến dong, đỗ các loại, nấm hương, gạo nếp lên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Postmark, Voso, Amazon, 24/7… đã giúp hợp tác xã mở rộng kênh phân phối và tiếp cận được nhiều khách hàng.

Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp ba sạch Hưng Đạo, Lại Đức Thứ cho biết, đến nay, đơn vị đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với một số chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, các siêu thị trong và ngoài tỉnh. Phát triển thương mại điện tử đã giúp hợp tác xã mở rộng quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm và đầu ra cho các sản phẩm bún ngô, bún cẩm, bún gấc, bún gạo lứt, bún khô, gạo nếp Pì Pất Cao Bằng; ổn định việc làm và doanh thu cho các thành viên hợp tác xã và hộ nông dân liên kết phát triển sản xuất.

Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 7/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng về xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Sở Công thương tỉnh Cao Bằng đã lựa chọn một nội dung đột phá, đó là phát triển thương mại điện tử. 

Mục tiêu của tỉnh đề ra là đến năm 2025 có khoảng 40% dân số tại các vùng đô thị trên địa bàn tỉnh tham gia các hình thức mua sắm trực tuyến; 40% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến; 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT, bao gồm cả mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch TMĐT…

Trên tinh thần đó, thời gian qua UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ DN, nông dân áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cấp chứng chỉ quản lý chất lượng và các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm; hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu sản phẩm thông qua các chương trình, đề án hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp, đề án nông nghiệp thông minh, OCOP, phát triển thương mại điện tử (TMĐT)… nhằm từng bước đưa CĐS vào trong nông nghiệp.

Từ năm 2019 đến nay, các ngành chức năng của tỉnh Cao Bằng đã phối hợp tổ chức tập huấn về thương mại điện tử cho gần 1.700 học viên là cán bộ quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn. Triển khai Đề án hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh xây dựng các phần mềm giải pháp thương mại điện tử, sở đã hỗ trợ 24 đơn vị xây dựng, vận hành phần mềm quản lý dữ liệu; hệ thống tiếp thị đa kênh hỗ trợ xúc tiến bán hàng online và phần mềm quản lý bán hàng thông minh.

Các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường TMĐT, nền tảng công nghệ đã được tỉnh triển khai trên trang web agrolink là hệ thống kết nối liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa 4 nhà: nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và DN. Thông qua nắm bắt các thông tin về sản phẩm nông sản của địa phương như sản lượng, giá cả, địa chỉ sản phẩm, quy trình sản xuất sản phẩm, các dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp đang và sắp triển khai trên địa bàn tỉnh được đưa lên trang web, các DN và người dân có thể chủ động kết nối và liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Tỉnh cũng xây dựng mã số vùng trồng của cây thạch đen tại huyện Thạch An để đáp ứng các yêu cầu về chất lượng sản phẩm, phục vụ cho việc thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc. Xây dựng và vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hoá nông sản Cao Bằng thông qua ứng dụng web, di động. Đến nay đã có 221 sản phẩm nông sản được gắn truy suất nguồn gốc. Hệ thống đã góp phần vào minh bạch hóa thông tin sản xuất sản phẩm nông sản, tạo sự tin tưởng của khách hàng, tăng khả năng cạnh tranh giữa các sản phẩm trong và ngoài tỉnh.

Đến nay, đã có hàng trăm sản phẩm nông sản của Cao Bằng đã tham gia sàn thương mại điện tử như: Thạch đen, lạp sườn, hạt dẻ, miến dong, bún khô, bí thơm, dao Phúc Sen, trà, nhóm mặt hàng tinh dầu… Để tiếp tục tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS, TMĐT nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản, trong giai đoạn tới, tỉnh Cao Bằng xác định xúc tiến thương mại là bước then chốt của chuỗi giá trị hàng hoá; Tiếp tục phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan trong đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP trên nền tảng TMĐT, công nghệ số; Từng bước hình thành mạng lưới kết nối sản xuất, kinh doanh dịch vụ kết hợp với các hoạt động xây dựng, phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường cho các sản phẩm phát triển bền vững.

Nhóm PV