Theo Bộ Y tế, số ca nhiễm Covid-19 những ngày gần đây liên tiếp lập “đỉnh” so với ba tháng trước. Riêng ngày 24-25/8, số ca mắc lên tới khoảng 3.500 (tính trung bình). Số ca nặng cũng gia tăng rõ rệt, ca tử vong mỗi ngày ghi nhận 1-2 trường hợp thay vì chuỗi ngày “giữ trắng”.

Bảo vệ sức khỏe của bản thân cũng là bảo vệ thành quả chung

Chia sẻ nhận định về diễn biến dịch, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng không riêng gì tại Việt Nam, dự báo cho thấy sau khoảng 4-5 tháng có thể có một làn sóng dịch nhưng nhỏ dần nếu quần thể dân cư được tiêm chủng đầy đủ.

Do ghi nhận những biến chủng mới, số ca mắc ở Việt Nam hay các quốc gia khác sẽ tăng nhưng không gây bùng phát diện rộng. Theo TS Dũng, nếu đã tiêm chủng đầy đủ theo khuyến cáo, người dân không cần phải quá lo ngại với việc gia tăng ca nhiễm. Điều quan trọng nhất là những người chưa tiêm đủ nên sớm thực hiện theo khuyến cáo của ngành y tế.

Tại nước ta, độ bao phủ vắc xin Covid-19 ở mức cao dù vẫn còn một nhóm nhỏ người chưa tiêm. Trong khi hiệu lực vắc xin sẽ giảm sau 4-6 tháng tiêm, nguy cơ mắc bệnh, tái nhiễm, chuyển nặng, tử vong rất dễ rơi vào nhóm trường hợp nguy cơ cao nhưng không tiêm đủ mũi 3, mũi 4. Họ gồm nhóm người cao tuổi (từ 60 trở lên), mắc bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch...

Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho giáo viên ở Đà Nẵng. Ảnh: Hồ Giáp

Có những người trẻ hơn, không mắc bệnh nền, vẫn cần tiêm mũi 3, dù nguy cơ chuyển nặng không cao bằng nhưng lưu ý vấn đề hậu Covid. Nhiều người cho rằng lần trước đã mắc bệnh nếu tái nhiễm cũng sẽ nhẹ hơn nữa nhưng theo TS Dũng điều này không thể chủ quan.

"Lúc họ bị lần đầu có thể do mới tiêm phòng xong, kháng thể có rồi nên bệnh không nặng. Nhưng sau khoảng 4-6 tháng họ tái nhiễm, kháng thể miễn dịch đã xuống thấp, nguy cơ bệnh nặng hay di chứng hậu Covid-19 là có thể" - PGS Dũng cảnh báo.   

Khi số ca mắc tăng cao kéo theo nhiều ca phải nhập viện, nguy cơ trở nặng, tử vong hơn. Dù dịch có thể không nặng nề như một năm trước đây nhưng theo vị chuyên gia, ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống không chỉ về mặt kinh tế do phải nhập viện mà còn phải trả giá nghiêm trọng hơn về sức khoẻ. 

"Đồng nghiệp của tôi ở các bệnh viện chia sẻ những trường hợp mắc Covid-19 phải nhập viện. Đáng buồn là bệnh nhân tử vong không phải vì Covid-19 mà do nhiễm khuẩn bệnh viện. Đó là hậu quả không đáng có của Covid-19" - PGS Dũng nói với VietNamNet.

Dịch diễn biến phức tạp, ca Covid-19 nhập viện gia tăng cũng sẽ khiến ngành Y thêm gánh nặng thậm chí kiệt sức hơn trong bối cảnh hàng nghìn nhân viên y tế bỏ việc, chuyển việc. Việc người dân hợp tác phòng dịch, trong đó có tự giác tiêm vắc xin là bảo vệ sức khỏe của bản thân cũng như bảo vệ thành quả chung.

Vắc xin là biện pháp phòng dịch chủ động rẻ tiền, hiệu quả và tác dụng bền bỉ nhất

Riêng với vấn đề biến chủng mới liên tục xuất hiện, TS Dũng cho rằng đó là hiện tượng tự nhiên. Biến chủng mới luôn có đặc tính là lây lan nhanh hơn, “nhờn” vắc xin hơn, có hiện tượng lẩn tránh miễn dịch nhiều hơn. “Chủng mới có “hiền” hơn chủng cũ hay không thì chưa chắc.

Vì thế phải giám sát chặt chẽ biến chủng mới để đánh giá kịp thời, không thể chủ quan. Nếu người dân tiêm phòng đầy đủ, dù có đối mặt với biến chủng mới, cơ thể vẫn kịp tạo đủ kháng thể để bệnh không chuyển nặng, giảm thiểu ca tử vong, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Các biện pháp phòng Covid-19 cũng cần được xem xét thực hiện chặt chẽ hơn. “Tôi có người quen vừa từ Indonesia về, họ nói khi vào siêu thị phải bắt buộc có chứng nhận vắc xin hay khai báo y tế. Hay người dân khi sang Canada cũng phải khai báo y tế đầy đủ” – PGS Dũng chia sẻ. Nếu tình hình dịch tại Việt Nam căng thẳng hơn, việc khai báo y tế có thể khởi động lại hoặc phải có chứng nhận tiêm đủ vắc xin mới được vào khu vực tập trung đông người.

Theo ông, hiện cuộc sống, sinh hoạt đang rất thuận lợi, nhưng nếu không tự giác, không chủ động thì tới lúc nào đó chúng ta có nguy cơ giống nhiều quốc gia đang khó khăn chống dịch.

"Tất cả biện pháp đều quan trọng nhưng vắc xin là biện pháp rẻ tiền nhất và hiệu quả nhất, tác dụng bền bỉ nhất. Tại sao mình lại không dùng trong khi chúng ta có vắc xin và người dân được tiêm miễn phí?" - PGS Dũng chia sẻ.