Khi những du khách Bắc Mỹ đang đổ đến vùng biển Caribe, người Australia đến với Bali và những khách Bắc Âu sẽ tới bất kỳ nơi nào có ánh nắng mặt trời, có một nhóm khách quan trọng vẫn vắng mặt trong bữa tiệc này, đó là du khách Trung Quốc.

Không có nhóm du khách nào đóng vai trò quan trọng đối với du lịch toàn cầu trong thập kỷ qua hơn khách Trung Quốc, những người đã chi hơn 260 tỷ đô la Mỹ cho các chuyến du lịch vào năm 2019. Dù Trung Quốc đã bất ngờ quyết định nới lỏng các biện pháp cách ly trong nước vào ngày 28/6 vừa qua, nhưng khi mục tiêu "Zero Covid" chưa đạt được thì chính phủ nước này có thể vẫn sẽ ngăn nhiều ứng dụng thanh toán trực tuyến như Alipay hay WeChat Pay xuất hiện trở lại ở các cửa hàng trên thế giới.

Trong khi ngành du lịch thế giới thiệt hại không nhỏ vì vắng khách Trung Quốc, những điểm nóng trong nước dường như lại đang quá tải.

“Rất ít điểm đến của Trung Quốc được hưởng lợi trực tiếp từ các lệnh hạn chế du lịch nước ngoài trong năm 2020 như Hải Nam. Môi trường thoải mái của hòn đảo cận nhiệt đới và việc mua sắm miễn thuế đã thu hút được khách du lịch trong nước", nền tảng trực tuyến Jing Culture and Commerce đưa tin vào đầu năm 2021.

Tháng 8 năm ngoái, theo báo cáo của CNN Travel, nhà cung cấp du lịch trực tuyến Trip.com Group đã “chứng kiến ​​sự gia tăng đặt phòng ở các điểm đến nổi tiếng như Disney Thượng Hải, Tử Cấm Thành của Bắc Kinh hay Vạn Lý Trường Thành”.

Sau đó, khi biến chủng Omicron đột ngột xuất hiện. Một lần nữa đại dịch bùng phát ở Thượng Hải và các thành phố khác buộc các nhà chức trách phải nhanh chóng áp dụng các biện pháp phong tỏa. Và giờ đây, chính những điểm du lịch trong nước cũng vấp phải khó khăn.

"Trong khi hầu hết cư dân ở Thượng Hải, Bắc Kinh và các thành phố bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa đã được tự do đi lại trong khu vực kể từ đầu tháng 6, thì việc đến một thành phố khác vẫn đang áp dụng những lệnh hạn chế được cho là quá mạo hiểm. Những thay đổi không ngừng của công tác kiểm soát dịch đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự hồi phục của ngành du lịch nội địa", thời báo Tài chính đưa tin vào ngày 18 tháng 6.

Thượng Hải dường như là thành phố bị ảnh hưởng nhiều nhất trong năm nay - với 25 triệu cư dân buộc phải ở nhà và hầu hết các hoạt động kinh doanh đã bị gián đoạn trong hơn hai tháng (các nhà hàng - ít nhất là ở các khu vực có nguy cơ thấp của thành phố - chỉ được phép cho thực khách mua mang về từ ngày 29/6). Do đó, các điểm du lịch nổi tiếng hay những vùng ít người cư trú hiện đang cân nhắc việc cho người Thượng Hải tiếp cận vì lo sợ họ sẽ làm bùng phát dịch.

"Hai điểm du lịch nổi tiếng là Tam Á và Đại Lý, ở tây nam Vân Nam - yêu cầu khách phải đến từ các thành phố trung tâm phải tự cách ly từ ba đến bảy ngày trước khi bắt đầu hành trình", Financial Times đưa tin .

Những du khách đến từ Bắc Kinh có thể được cách ly theo cách dễ chịu hơn một chút so với người dân Thượng Hải, nhưng không phải ở đâu cũng vậy.

“Dali thực hiện lệnh cách ly bảy ngày đối với những người đến Bắc Kinh trong khi Nam Thông, một thành phố cấp hai ở phía đông tỉnh Giang Tô, yêu cầu người dân thủ đô cách ly trong ba ngày”.

Tất nhiên, hoàn cảnh đang thay đổi nhanh chóng và một số người lạc quan có thể hy vọng rằng những điều tồi tệ nhất mà Covid-19 tác động đã ở phía sau.

Những nơi như Hải Nam, Cáp Nhĩ Tân hay Tân Cương chắc chắn vẫn sẽ được hưởng lợi từ du khách nội địa sớm hơn so với các điểm đến quốc tế. Nhưng nhiều người vẫn tự hỏi liệu khi nào du khách Trung Quốc sẽ lại ồ ạt đổ ra thế giới?

Dưới dòng tiêu đề “Liệu thời đại tự do đi lại của công dân Trung Quốc sắp kết thúc?”, trang Quartz đưa ra giả thuyết rằng các hạn chế đi lại được áp dụng trong thời kỳ đại dịch có thể tiếp diễn: “Trích dẫn một bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh của Trung Quốc, vào tháng 5 vừa qua nói rằng họ sẽ hạn chế nghiêm ngặt việc xuất ngoại 'không thiết yếu' và sẽ thực hiện một cách tiếp cận nghiêm ngặt trong việc cấp giấy thông hành. Công dân Trung Quốc sẽ cần có những lý do 'thiết yếu' như học tập, hoạt động kinh doanh hoặc nhu cầu y tế để có được các giấy tờ cần thiết".

Nhưng liệu tình trạng này có tiếp tục kéo dài hay không? Một số nghĩ là không.

Như một bài báo trên trang tin tức ngành du lịch Skift dự đoán, “Làn sóng du lịch nước ngoài mạnh mẽ của Trung Quốc sẽ bắt đầu trở lại vào năm 2023 và đạt con số như năm 2019 vào năm 2024, theo dự báo mới từ Viện Nghiên cứu Du lịch Nước ngoài Trung Quốc".

Báo cáo trích lời Arlt, Giám đốc điều hành của viện, nói rằng du lịch sau đại dịch ban đầu chủ yếu sẽ là đến các điểm đến gần. Nhưng khi nhu cầu bị dồn nén và tiền tiết kiệm dư giả, số lượng các chuyến đi xa sẽ tăng lên đáng kể từ 2023: “Về cơ bản, đó sẽ không phải là những chuyến du lịch thông thường mà là chuyến đi có mục đích khác, chẳng hạn như ông bà đi thăm cháu mới sinh ở châu Âu trong thời kỳ đại dịch hay nhà đầu tư Trung Quốc muốn tuyển dụng một tổng giám đốc mới”.