Không chỉ dạy học cho các em nhỏ mỗi ngày, cô giáo gốc Bắc Vũ Thị Hương còn xóa mù chữ cho những người lớn tuổi ở vùng cao nguyên Lâm Đồng.

Sáng sớm trên vùng núi cao, mây mù cùng sương ôm ấp những dải đồi trùng điệp, xen kẽ là thung lũng hẹp phía dưới, nơi có một khu tập thể nhỏ của ngôi trường làng.

Tiếng gà gáy vang lên, cô giáo Vũ Thị Hương quay sang cậu con trai đang say giấc:

  • - Bo, dậy đến giờ đi học rồi con!
  • Một ngày của cô giáo ở vùng cao bắt đầu như thế!
  • Sinh ra ở vùng quê lúa Thái Bình rồi theo gia đình di cư vào miền Nam, sau đó ra thủ đô học sư phạm và đến với Lâm Đồng, nữ nhà giáo sinh năm 1991 đã biến mảnh đất Tây Nguyên thành quê hương thứ hai.
  •  
  • Vài năm trước, những con đường chưa được trải bê tông, trường chỉ có 4 - 5 gian nhà lụp xụp bằng gỗ, mùa mưa ướt cả cô, cả trò. Giờ đây, việc đi lại thuận tiện hơn, nhưng cuộc sống của người dân bản, đặc biệt là việc đi “tìm con chữ” vẫn còn nhiều khó khăn.

Tân Thanh là một xã thuộc huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, nơi có 13 dân tộc anh em cùng sinh sống, chiếm gần 60% dân số. Trường Tiểu học Tân Thanh 2 nằm trên địa bàn xã, với 4 điểm trường chính và 3 điểm phụ là Kon Pang, Suối 1 và Sình Môn. Đây là nơi công tác của cô giáo Vũ Thị Hương.

Một sáng nắng vàng mật ong giữa tháng 11, cô giáo Hương - Chủ nhiệm lớp 1D, điểm trường Suối 1, đến lớp sớm, tranh thủ quét sân trong lúc chờ học sinh. Việc học sinh tới lớp trễ mỗi ngày đã là điều quen thuộc. Hễ hôm nào trời mưa, các con có thể nghỉ luôn ở nhà vì không có người đưa đón.

Dạy lớp 1 vốn đã vất vả nhưng với học sinh ở đây, giáo viên gặp khó khăn gấp bội, bởi trong số 33 học sinh, có hơn một nửa là người dân tộc, nửa còn lại ba mẹ các em đi làm ăn xa. 

  • Vào mỗi đầu năm học, cô giáo còn phải đến từng nhà vận động học sinh đến lớp. 

Hôm nay, tiếng đọc bài của lớp 1D vang khắp điểm trường, thi thoảng bỗng ngưng lại khi có em hét lên vì bạn trêu. Lúc này, cô giáo phải dừng bài, đứng ra xử lý.

Khi tiếng trống báo hiệu giờ giải lao vang lên, đám trẻ ùa ra sân trường, nô đùa, huyên náo cả một khoảng không.

11h, nhà bếp mang thức ăn đến, cô giáo thông báo tới giờ ăn trưa, học sinh lớp 1 nhanh chóng đến lấy phần ăn. Chỉ vài phút sau, dãy bàn ngoài hành lang, trong lớp học đã chật ních trẻ ngồi ăn ngon lành. Trong lúc đó, một số ít em ở gần trường rủ nhau đi bộ về nhà. 

Sau giờ ăn, học sinh nằm ngủ trưa trên sàn. Giờ nghỉ trưa từ 11h đến 13h30. Cô Long Thị Lệ (giáo viên lớp 2) tranh thủ làm việc trong lúc trông các con. Ở điểm trường có 3 cô giáo thay phiên nhau chăm học sinh vào mỗi buổi trưa. 

Trường Tiểu học Tân Thanh 2 có 3 điểm trường phụ nhưng chỉ có điểm trường Suối 1 là có suất ăn trưa và bán trú. “Đã 2 năm học nhà trường duy trì được việc thực hiện bán trú cho điểm trường Suối 1. Chúng tôi phấn đấu tổ chức thật nhiều suất ăn cho các con, vì có nhiều trò phải đi bộ xa đến trường, thời gian nghỉ trưa không thể nào đi đi về về được”, thầy Nguyễn Văn Ba - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Khu tập thể nhỏ của trường có 5 phòng, sử dụng chung nhà tắm ở phía sau. Phòng của cô Hương có diện tích nhỏ hơn một lớp học, gói ghém vừa đủ làm chỗ ngủ, nơi làm việc và cả gian nấu bếp. Chồng đi làm xa, mọi việc lớn nhỏ trong nhà, cô Hương đảm nhận, cậu con trai lớp 4 vì thế cũng hiểu chuyện hơn. Hôm nay, hai mẹ con cùng nấu bữa tối, với một ít thịt ram, rau luộc.

Cô giáo mang ít khoai lang vừa hấp ra trước sân, rủ những người hàng xóm cùng ăn rồi trò chuyện. Khi ai về nhà nấy cũng là lúc cô di chuyển đến điểm trường xóa mù chữ cho bà con lớn tuổi trong bản. 

Nằm xa thị trấn và ít nhà ở nên bản không có đèn điện vào ban đêm. Phía trước tay lái của cô giáo lúc này chỉ thấy núi đồi và bầu trời đen kịt. 

- Niăm să pôg ru! (Xin chào cô giáo) -
tiếng chào của đồng bào K’Ho vang lên khi cô Hương vào lớp. Lớp học có sĩ số ban đầu là 28, đa phần là người dân tộc thiểu số. Hầu hết các thành viên trong lớp đều lớn tuổi nhưng họ luôn dùng kính ngữ để xưng hô với cô giáo. Họ đã vượt qua được sự ngại ngùng tuổi tác của chính mình để đi học. Từng nét chữ tỉ mỉ, đôi mắt ánh lên khao khát học hỏi của từng học viên là động lực cho cô Hương đến lớp. 

Giữa giờ học, một học viên đứng lên đề nghị cả lớp được chụp hình cùng cô giáo để kỷ niệm ngày 20/11.  

Tan lớp, khi học viên về hết là lúc cô Hương khép cánh cửa điểm trường Kon Pang - nơi mượn phòng học để làm lớp xóa mù chữ mỗi tối, để trở về nhà. 

Một ngày có 24 giờ, vòng xoay thời gian của một cô giáo ở vùng cao cứ thế tiếp diễn. "Khi đã chọn nghề giáo, học sinh vui, học sinh giỏi là mình hạnh phúc rồi!”, cô Hương chia sẻ.