Photo Essay
ĐÀ LẠT 'BÊ TÔNG HÓA'
Dân số tăng mạnh, khách du lịch liên tục đổ về, nhiều công trình nhà ở, công trình dịch vụ liên tiếp mọc lên những năm gần đây khiến cho sự đô thị hóa vùng trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng) ngày càng rõ rệt.
Toàn cảnh trung tâm thành phố Đà Lạt. Theo thống kê, năm 2020, dân số Đà Lạt khoảng 620.000 - 650.000, tỷ lệ đô thị hóa từ 55-60%. Đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa từ 60-65%, đạt khoảng 700.000 - 750.000 người.
Đà Lạt là thành phố được du khách trong nước, quốc tế lựa chọn là điểm đến thường xuyên, số lượng khách tăng theo từng năm. Thống kê năm 2006, du khách đến xứ sở mộng mơ chỉ 1,32 triệu lượt, nhưng đến 2022 đạt 5,5 triệu lượt và vẫn trên đà tăng trưởng trong năm 2023. Đó là lý do những công trình mới ngày càng mọc lên khá nhiều ở trung tâm thành phố.
Cận cảnh một trong những công trình đang xây dựng trên đường Hùng Vương. Ngoài việc gia tăng lượng khách đến, dân số cơ học của TP Đà Lạt cũng có sự tăng trưởng nhanh chóng, kéo theo hệ thống cơ sở lưu trú, dịch vụ, du khách mọc lên ngày càng nhiều.
Năm 2006, toàn tỉnh Lâm Đồng có 538 cơ sở lưu trú thì đến năm 2022 con số này lên tới 2.400.
Một công trình xây dựng nhiều tầng đang mọc lên ở phường 3. Thống kê đến năm 2023, Lâm Đồng có khoảng 3.067 cơ sở lưu trú du lịch, tập trung phần lớn ở TP Đà Lạt và các địa phương có hạ tầng du lịch phát triển khá của tỉnh. Kéo theo đó, lượng lớn công trình homestay, nhà ở mọc lên san sát.
Thậm chí, việc xây dựng được triển khai tại nhiều khu vực triền đồi, đồi núi, ngoài ngoại ô của thành phố hay cả khu vực đất nông nghiệp.
Cận cảnh một khu nghỉ dưỡng ở phường 4 đã đi vào hoạt động những năm gần đây.
Rất nhiều công trình bê tông mới tiếp tục mọc lên thời gian gần đây (Hình ảnh trên đường Ba Tháng Tư).
Một khu biệt thự biệt lập đang được triển khai xây dựng tại phường 9.
Theo thống kê từ Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, tốc độ đô thị hóa ở Lâm Đồng nói chung, Đà Lạt nói riêng tỷ lệ nghịch với mảng che phủ rừng hiện hữu. Năm 1997, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Lâm Đồng đạt 69%, đến năm 2020 chỉ còn 51%. Trong đó, diện tích rừng thông nội ô toàn tỉnh ghi nhận năm 1997 là 350 ha, nhưng đến năm 2018 chỉ còn 150 ha (giảm một nửa trong 10 năm qua).
Theo GS.TS Bảo Huy, Tư vấn độc lập, Tư vấn về Quản lý tài nguyên và môi trường rừng (FREM), trong quá khứ, TP Đà Lạt được quy hoạch xây dựng khá phù hợp với đặc trung là một vùng đồi núi, không thực hiện việc đào chân đồi. Nhà cửa được xây dựng kiên cố, được tính toán phù hợp với tỷ lệ phủ rừng, khá hài hòa với những mảng không gian xanh, không gian thoát nước.
Cũng theo nhận định của GS.TS Bảo Huy, hiện TP Đà Lạt có quy hoạch hạ tầng chưa đảm bảo, thiếu bền vững. Thành phố đã 'bê tông hóa' quá nhanh, phá vỡ quy hoạch khiến cấu trúc thành phố bị thay đổi, cảnh quan xấu đi.
Theo nhiều chuyên gia, tình trạng bê tông hóa ở Đà Lạt vô hình chung đã lấn chiếm không gian xanh, làm ngắt quãng hệ thống thoát nước tự nhiên khiến thành phố du lịch thường ngập khi mưa lớn.
Để Đà Lạt phát triển bền vững thì phải có quy hoạch riêng về phát triển hạ tầng đô thị, đặc biệt không thể bê tông hóa, phải duy trì diện tích thảm phủ rừng tự nhiên, cải thiện mảng cây xanh của thành phố.
Những tòa nhà bê tông mọc lên san sát quanh Hồ Xuân Hương - địa danh biểu tượng du lịch sinh thái của TP Đà Lạt.
Là người nghiên cứu về Đà Lạt, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn nhìn nhận những năm gần đây, Đà Lạt có xu hướng phát triển thiếu bền vững, đô thị hóa nhanh làm ảnh hưởng tới thoát nước. Địa phương này lại có nền đất bazan khá yếu, nhưng mật độ xây dựng dày đặc, nhất ở các triền đồi trong khi taluy xây dựng chưa đúng chuẩn. Mưa lớn kéo dài, nước dồn nhanh tạo thành dòng lũ chảy mạnh, dễ gây sạt lở.
Theo tiến sĩ Ngô Viết Nam Sơn, về việc quản lý diện tích bê tông hóa, nên bảo vệ các khu vực còn đảm bảo được diện tích xanh cao ít nhất là 30% và lý tưởng là 50% trở lên. Cùng với đó, chính quyền sở tại cần có chính sách khuyến khích việc gia tăng không gian xanh, không gian mặt nước cho đô thị. Ở khu vực ít có cây xanh hiện hữu, chính quyền không nên tiếp tục cấp phép xây dựng thêm công trình mới. Công trình nào đã xây dựng rồi, chỉ được cấp phép chỉnh trang, cải tạo, chứ không mở rộng thêm diện tích.
"Đà Lạt không thiếu quỹ đất cho đầu tư phát triển, do vậy, không có lý do gì để cứ mãi chen chúc xây dựng ở vùng đô thị chật chội. Việc đầu tư hạ tầng, xây dựng nên chuyển ra vùng ven của thành phố, nơi quỹ đất thoáng và rộng hơn, mở rộng không gian đô thị Đà Lạt, đảm bảo được tính bền vững", tiến sĩ Sơn nói.