Theo kế hoạch năm 2023, toàn tỉnh Lào Cai trồng mới hơn 3.000 ha rừng sản xuất, hơn 2.000 ha rừng sau khai thác và hơn 2 triệu cây phân tán. Trên địa bàn tỉnh, các đơn vị, cơ sở sản xuất và người dân đã chuẩn bị hơn 40 triệu cây giống các loại phục vụ trồng rừng.

Bên cạnh đó, ngành chức năng tăng cường quản lý chất lượng giống cây lâm nghiệp, lựa chọn loại cây trồng phù hợp, tranh thủ thời vụ và thời tiết thuận lợi để trồng rừng. Các địa phương phân công cán bộ phụ trách cơ sở tăng cường giám sát việc trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng.

Để đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, một số địa phương đã đưa ra các giải pháp như kêu gọi, thu hút các cơ sở chế biến lâm sản xây dựng điểm thu mua, cơ sở chế biến tại các xã, thị trấn, tạo tâm lý ổn định cho người dân; tuyên truyền, vận động các cơ sở gieo ươm cây giống xây dựng vườn ươm tại các xã, cụm xã để thuận lợi trong việc vận chuyển, mua bán cây giống trồng rừng; mở các lớp tập huấn trồng rừng cho người dân các thôn vùng cao…

Tại huyện Văn Bàn, những năm gần đây, công tác phát triển rừng luôn vượt cao so với kế hoạch, trong đó năm 2022, huyện trồng mới hơn 1.800 ha rừng, vượt 25% kế hoạch. Năm 2023, huyện Văn Bàn có kế hoạch trồng mới 1.000 ha rừng. Với kinh nghiệm sẵn có, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chuẩn bị trồng rừng từ sớm; rà soát lại toàn bộ diện tích đất trồng rừng, tăng cường cán bộ kiểm lâm xuống địa bàn hướng dẫn người dân xử lý thực bì, cuốc hố, chuẩn bị cây giống. Đến cuối tháng 10, toàn huyện trồng mới được hơn 650 ha, đạt hơn 65% kế hoạch, phấn đấu đến giữa tháng 12 hoàn thành kế hoạch trồng rừng cả năm.

Ông Trần Công Tưởng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Bàn cho biết: Để kiểm soát chất lượng và đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, cán bộ kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc trồng rừng của các xã, thị trấn, hướng dẫn người dân trồng rừng theo đúng quy trình, kỹ thuật, nhờ đó tỷ lệ cây sống đạt cao. Huyện Văn Bàn phấn đấu diện tích rừng trồng mới năm nay vượt khoảng 10% so với kế hoạch giao.

Tại huyện Bát Xát, người dân đã trồng mới 339,9/800 ha rừng sản xuất, đạt 43% kế hoạch huyện giao và đạt 135% kế hoạch tỉnh giao (tỉnh giao 250 ha). Ông Bùi Quốc Túy, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bát Xát cho biết: Những năm gần đây, trồng rừng sản xuất tại huyện Bát Xát phát triển mạnh bởi nhiều hộ có thu nhập cao từ trồng rừng, người dân chủ động chuyển diện tích đất nương đồi trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng rừng.

Theo Kế hoạch, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Lào Cai sẽ quản lý chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên hiện có, hạn chế tối đa chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, từng bước hạn chế tình trạng suy thoái rừng và suy thoái đất.

Đến năm 2030, cơ bản đẩy lùi tình trạng mất rừng, suy thoái tài nguyên rừng, suy thoái đất và sa mạc hóa, bảo đảm hài hòa phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính.

Diện tích rừng tự nhiên nghèo được phục hồi và nâng cấp chất lượng đạt 10% vào năm 2025, đạt 20% vào năm 2030, góp phần giảm tỷ lệ diện tích rừng tự nhiên nghèo, tăng tỷ lệ diện tích rừng tự nhiên trung bình và giàu. Diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 20.000 ha vào năm 2025, đạt 35.000 ha vào năm 2030.

Thực hiện thể chế, chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm nông, lâm nghiệp bền vững không gây mất rừng, suy thoái đất và sa mạc hóa; phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp theo hướng đa mục đích, phát thải thấp, kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh. Nâng cao hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học và năng lực phòng hộ; nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, tính bền vững của rừng trồng và cây trồng nông nghiệp. Nâng cao tính chống chịu, giảm thiểu tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu.

Để đóng góp trực tiếp vào mục tiêu phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn, các mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý rừng bền vững, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy phát triển sinh kế bền vững cho người dân và cộng đồng địa phương, đảm bảo an ninh lương thực và bảo vệ môi trường; từ nay đến năm 2030, tỉnh Lào Cai tập trung triển khai thực hiện 06 nhiệm vụ chính:

Thập kỷ 2021 - 2030 là Thập kỷ Liên Hợp Quốc về phục hồi hệ sinh thái. Đánh giá hiện trạng rừng và đất rừng có tranh chấp, chồng lấn giữa lâm nghiệp và lĩnh vực khác; xây dựng và triển khai kế hoạch giải quyết các tranh chấp về rừng và đất, nhất là đối với rừng và đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh. Kiểm soát chặt chẽ, có hiệu quả việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đa dạng sinh học rừng.

Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách thương mại trong nước và quốc tế, thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu dùng hàng hóa bền vững để đạt được lợi ích chung, không làm mất rừng và suy thoái đất.

Giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương của rừng và đất; tăng cường khả năng phục hồi, cải thiện sinh kế nông thôn thông qua trao quyền cho cộng đồng, củng cố hệ thống quản lý đất, phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị đa mục đích của rừng; đồng thời đảm bảo các quyền của người dân, các cộng đồng địa phương theo quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ lưu giữ hấp thụ các-bon rừng; triển khai cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon rừng để đáp ứng các yêu cầu của thị trường các-bon trong nước và quốc tế

Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, bảo đảm an ninh lương thực và bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh thí điểm và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, các vùng sản xuất chuyên canh, đáp ứng yêu cầu của thị trường: nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp kết hợp công nghiệp, dịch vụ. Xây dựng, phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm sản không gây mất rừng và suy thoái rừng.

Tăng cường khả năng tiếp cận, huy động, sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính trong nước và quốc tế, hợp tác công tư để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và quản lý rừng bền vững, bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái, hỗ trợ cộng đồng dân cư địa phương và đồng bào dân tộc thiểu số.

Lồng ghép các nguồn tài chính nhằm hạn chế tình trạng mất rừng và suy thoái rừng, có các cơ chế, chính sách hiệu lực, hiệu quả để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế có khả năng phục hồi và đạt được các mục tiêu quốc tế về quản lý rừng, sử dụng đất bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trần Huệ, Thanh Nga, Nguyễn Lâm, Thùy Chi và nhóm PV, BTV