Bộ Y tế vừa có công văn về việc tăng cường triển khai tiêm vắc xin Covid-19. Theo đó, trong thời gian gần đây, tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam có những diễn biến mới phức tạp, tăng số ca mắc với sự xuất hiện của nhiều ca mắc biến thể phụ BA.4, BA.5...

Bộ Y tế tiếp tục nhấn mạnh tiêm vắc xin Covid-19 là biện pháp hiệu quả và có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh. Bộ Y tế đã có đầy đủ các hướng dẫn chuyên môn về tiêm các mũi vắc xin Covid-19, tuy nhiên thời gian vừa qua có những thông tin chưa chính xác về cách gọi tên các mũi tiêm.

Tiêm vắc xin Covid-19 cho người dân TP.HCM.

Bộ Y tế điều chỉnh, làm rõ về cách xác định các mũi tiêm và thời gian tiêm như sau:

Tiêm cho các đối tượng ngay sau khi đủ thời gian, cụ thể:

Tiêm mũi 3
- Người trên 18 tuổi: Tiêm ngay sau mũi 2 ba tháng; người đã mắc Covid-19 thì tiêm ngay sau khi khỏi bệnh.
- Người từ 12 đến dưới 18 tuổi: Tiêm ngay sau mũi 2 năm tháng; người đã mắc Covid-19 thì tiêm ngay sau khi khỏi bệnh ba tháng.

Tiêm mũi 4

Tiêm ngay sau mũi 3 bốn tháng; người đã mắc Covid-19 thì tiêm ngay sau khi khỏi bệnh ba tháng.
Tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: Trẻ đã mắc Covid-19 thì tiêm ngay sau khi khỏi bệnh 3 ba tháng.

Như vậy so với hướng dẫn trước đó, cụm từ "tiêm ngay" được thay thế cho từ "ít nhất".

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông về tác dụng, hiệu quả của vắc xin; tập trung truyền thông và tiêm chủng cho các đối tượng, đặc biệt cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, lưu ý các trẻ có nguy cơ cao, trẻ sống ở khu vực có tỉ lệ bao phủ vắc xin thấp; tổ chức các đội tuyên truyền, vận động tiêm đến từng địa bàn dân cư.

Tới hết ngày 22/7, 71% người từ 18 tuổi trở lên ở Việt Nam đã tiêm được mũi 3 (mũi nhắc lại lần 1); hơn 44% người đã tiêm mũi 4. Với nhóm từ 12-17 tuổi, có 27,1% trẻ đã được tiêm mũi 3, tương đương gần 2,4 triệu người.  Với nhóm từ 5-11 tuổi, có hơn 11,2 triệu mũi tiêm được tiến hành, trong đó có hơn 7,5 triệu trẻ được tiêm mũi 1 (tương đương 65,5%); hơn 3,7 triệu trẻ được tiêm mũi 2 (tương đương 32,4%).  

Hà Nội là địa phương liên tục nằm trong nhóm có tỷ lệ tiêm thấp cho nhóm trẻ từ 11-17 tuổi (tiêm mũi 3); nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi (cả mũi 1 và 2).

Bệnh nhân Covid-19 là người già, suy giảm miễn dịch... nếu chưa tiêm vắc xin sẽ dễ chuyển nặng.

Trước đó, tại cuộc họp mới đây, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 nêu rõ việc tiêm vắc xin Covid-19 chưa đảm bảo tiến độ do nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu do công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện tiêm chủng chưa thực sự quyết liệt, khoa học, một bộ phận người dân còn lơ là, chủ quan…

Ban chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế và các địa phương đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vắc xin. Bộ Y tế cũng cần hướng dẫn tiêm an toàn mũi 3, 4 cho từng nhóm cụ thể, trong đó lưu ý người có nguy cơ cao như bệnh nền, lực lượng tuyến đầu, công nhân, người cao tuổi.

Cùng đó, Bộ Y tế cũng được yêu cầu xây dựng kế hoạch tiêm vắc-xin Covid-19 năm 2023 và kế hoạch tiêm cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi.

Mới đây, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ phê duyệt tiêm vắc xin Pfizer, Moderna cho trẻ em từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi.

Thanh Hiền

Vắc xin Covid-19 nội Nanocovax và Covivac bây giờ ra sao?Ngày 11/8, Bộ Y tế có báo cáo Chính phủ tình hình sản xuất vắc xin Covid-19 trong nước. Hiện tại, cả nước có 5 ứng viên vắc xin đang được nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng.
Bộ Y tế: Chưa tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ dưới 5 tuổiHội đồng tư vấn sử dụng vắc xin của Bộ Y tế đã tổ chức họp về việc tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em dưới 5 tuổi và chưa có khuyến cáo tiêm vắc xin cho nhóm tuổi này.
Vì sao Việt Nam chưa công bố hết dịch Covid-19?Bộ Y tế vừa có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, trong đó, khẳng định chưa thể công bố hết dịch Covid-19 tại Việt Nam.