Tính đến nay, tỉnh Lào Cai đã được công nhận 62/127 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Trong năm 2023, hoàn thành 10 xã đạt chuẩn “Xã nông thôn mới” theo kế hoạch thì tỉnh Lào Cai sẽ có 72/127 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 56,7%.
Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới - “phên dậu” quốc gia, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, có “nóc nhà Đông Dương” là đỉnh Phan Xi Păng trên dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ; nơi sinh sống của nhiều dân tộc anh em với những nét văn hoá đa dạng, giàu bản sắc.
Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là Nghị quyết số 26-NQ/TW), và hơn 12 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị các cấp, các lực lượng xã hội và hưởng ứng, chung tay góp sức của nhân dân, Lào Cai đã đạt được những thành tựu vượt bậc. Khu vực nông thôn đã có những chuyển biến rõ nét trên hầu hết mọi lĩnh vực, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; cải thiện đời sống của nông dân, góp phần quan trọng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh Lào Cai tiếp tục quán triệt các chủ trương của Đảng và Nhà nước với phương châm “Xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”, do đó phải thực chất, lấy việc nâng cao đời sống của người dân làm mục tiêu. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị, cần kiên trì, tập trung lãnh đạo, thực hiện. Lào Cai đã đưa ra những mục tiêu, nhiệm vụ và nội dung cụ thể trong Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023-2025.
Năm 2022, năm đầu triển khai thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021-2025 tỉnh Lào Cai với tinh thần không chờ đợi, không chậm trễ, đã chủ động, sát sao, quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ngay từ đầu nhiệm kỳ. Lào Cai cũng là địa phương đầu tiên ban hành Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp.
Công tác phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh được tăng cường, đẩy mạnh; nguồn lực đầu tư được ưu tiên cho các xã, phường, thị trấn đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022 theo đúng kế hoạch; các dự án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo được quan tâm đầu tư; văn hóa, xã hội, giáo dục, môi trường từng bước được quan tâm, góp phần làm cho đời sống tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên; nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới; tự nguyện đóng góp sức người, của cải vật chất, hiến đất làm đường, xây trường, dựng lớp tất cả đã tạo nên một khí thế phấn khởi, quyết tâm cao trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh; đem lại những kết quả tích cực
Đến nay, tỉnh Lào Cai có 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 62/127 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh giảm được 9.770 hộ nghèo, giảm 1.071 hộ cận nghèo. Tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm 7%/năm. Hết năm 2022, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 31 triệu đồng/người/năm.
Theo kế hoạch, tỉnh Lào Cai đặt ra mục tiêu xây dựng nông thôn mới cụ thể ở từng cấp “huyện - xã - thôn” cho giai đoạn 2023-2025. Trong đó, ở cấp huyện, năm 2023 huyện Bảo Thắng duy trì đạt chuẩn nông thôn mới; thành phố Lào Cai duy trì hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Đối với cấp xã, duy trì 62 xã đã đạt chuẩn “Xã nông thôn mới”. Năm 2023 hoàn thành 10 xã đạt chuẩn “Xã nông thôn mới” ở 07 huyện, thị xã còn lại gồm: xã Minh Lương, Chiềng Ken, Nậm Dạng (huyện Văn Bàn); xã Bảo Hà, Vĩnh Yên (huyện Bảo Yên); xã Bản Liền (huyện Bắc Hà); xã Nậm Chảy (huyện Mường Khương); xã Trịnh Tường (huyện Bát Xát); xã Mường Hoa (thị xã Sa Pa); xã Sán Chải (huyện Si Ma Cai). Đồng thời đưa tỷ lệ số xã nông thôn mới nâng cao đạt 13,8% (tương đương 10/72 xã). Trong đó duy trì 04 xã đã đạt chuẩn “Xã nông thôn mới nâng cao”. Hoàn thành thêm 06 xã đạt chuẩn “Xã nông thôn mới nâng cao” trong năm 2023 gồm: Xã Quang Kim (huyện Bát Xát); xã Võ Lao (huyện Văn Bàn); xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên); xã Sơn Hải, Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng); xã Đồng Tuyển (thành phố Lào Cai).
Đối với xây dựng nông thôn mới ở cấp thôn, năm 2023 đặt mục tiêu nâng tỷ lệ số thôn hoàn thành “Thôn nông thôn mới” đạt 23,25% (tương đương 277/1.191 thôn). Tỷ lệ số thôn hoàn thành “Thôn kiểu mẫu” đạt 16,2% (tương đương 193/1.191 thôn). Tiếp tục duy trì 217 thôn nông thôn mới, 177 thôn kiểu mẫu đã được công nhận đến hết năm 2022 và hoàn thành thêm 40 thôn được công nhận “Thôn đạt chuẩn nông thôn mới”, 16 thôn được công nhận “Thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu” của năm 2023. Các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới có tỷ lệ số thôn hoàn thành “Thôn đạt chuẩn nông thôn mới” đạt 27,92% (tương đương 31/111 thôn) với việc duy trì 20 thôn nông thôn mới, 11 thôn được công nhận mới.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh Lào Cai tiếp tục quán triệt các chủ trương của Đảng và Nhà nước với phương châm “Xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”, do đó phải thực chất, lấy việc nâng cao đời sống của người dân làm mục tiêu. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị, cần kiên trì, tập trung lãnh đạo, thực hiện.
Tỉnh Lào Cai ưu tiên lồng ghép, tập trung nguồn lực đầu tư cho các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, tạo điều kiện cho các xã triển khai thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đề ra.
Nhằm mục đích phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững; đưa hợp tác xã nông nghiệp trở thành mô hình kinh tế - xã hội quan trọng ở khu vực nông thôn… và cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/7/2023 của Chính phủ; tỉnh Lào Cai đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Đến năm 2025, Lào Cai phấn đấu có trên 60% hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đạt loại tốt, khá trở lên trong tổng số HTX nông nghiệp đang hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh; Xây dựng ít nhất 05 mô hình HTX nông nghiệp điển hình hoạt động hiệu quả; doanh thu bình quân/HTX đạt từ 03 tỷ đồng/năm trở lên.
Mở rộng số lượng thành viên, quy mô kinh doanh, thông qua các hình thức liên kết, hợp tác giữa các HTX, tổ hợp tác và doanh nghiệp; vận động từ 20 - 25% tổng số hộ nông dân, nông, lâm, ngư nghiệp tham gia thành viên HTX.
Giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp tăng 25% so với năm 2020; doanh thu tăng ít nhất 20% và khoảng 20% HTX nông nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi giá trị các sản phẩm nông sản, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, phấn đấu đến hết năm 2025 toàn tỉnh có ít nhất 30 HTX ứng dụng công nghệ cao, áp dụng biện pháp thực hành nông nghiệp tốt (GAP); 50% HTX đang hoạt động thực hiện chuyển đổi số, thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nông sản.
Hình thành mạng lưới khuyến nông, tổ khuyến nông cộng đồng; các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia tư vấn, hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp; phối hợp tư vấn, hỗ trợ ít nhất 30% tổ chức kinh tế tập thể về xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh; ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…
Để đạt được các mục tiêu đề ra đến năm 2025, tại Kế hoạch, tỉnh Lào Cai đã đề ra 09 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển hợp tác xã nông nghiệp đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Tổ chức truyền thông, phổ biến, nâng cao nhận thức tầm quan trọng của HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng kinh nghiệm các mô hình HTX nông nghiệp tiêu biểu, sáng tạo, hiệu quả. Hình thành và phát triển các lực lượng tư vấn trong đó có sự tham gia của hệ thống khuyến nông cấp tỉnh đến cơ sở; quan tâm thành lập tổ khuyến nông cộng đồng.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hướng dẫn về ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, cấp mã số vùng trồng, mã số vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tư vấn hỗ trợ xây dựng kế hoạch, phương pháp bán hàng, tiếp cận thị trường trên các nền tảng số, sàn giao dịch thương mại điện tử, kênh bán hàng; tư vấn về mẫu mã, bao bì sản phẩm, phát triển thương hiệu; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, nông nghiệp tuần hoàn trong sản xuất và đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp đầu vào, đầu ra của sản phẩm. Phát động các phong trào thi đua, khen thưởng kịp thời, tôn vinh và nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, tiêu biểu ở các địa phương.
Mỗi huyện, thị xã, thành phố tập trung nguồn lực hỗ trợ tối thiểu 01 HTX nông nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả phù hợp điều kiện từng địa phương. Ưu tiên tập trung hỗ trợ phát triển 05 mô hình HTX thí điểm tham gia Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Tập trung các mô hình HTX nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh và quản lý HTX, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới, hoạt động hiệu quả bền vững gắn với sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiềm năng.
Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện cho HTX nông nghiệp phát triển. Chú trọng tập trung các chính sách về đất đai, tín dụng, khoa học công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng và trang thiết bị sản xuất… Rà soát các cơ chế, chính sách hiện có còn bất cập để đề xuất với trung ương, HĐND tỉnh bổ sung, điều chỉnh, ban hành.
Lào Cai còn chú trọng tập trung xây dựng các hướng dẫn, hỗ trợ về chuyển đổi mục đích sử dụng đất đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến; hướng dẫn thủ tục cho thuê đất, tích tụ đất đai; hướng dẫn một số chính sách về thuế, phí đối với HTX; hướng dẫn về các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp phù hợp với điều kiện từng lĩnh vực, ngành hàng thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái.
Tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho phát triển bền vững HTX nông nghiệp thông qua việc tiếp tục rà soát, đơn giản hóa, giảm thủ tục hành chính đối với các HTX nông nghiệp. Công khai, minh bạch đánh giá đúng thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh đối với HTX nông nghiệp theo quy định. Cung cấp đầy đủ thông tin về các cơ chế, chính sách của nhà nước đối với HTX; các định hướng phát triển, dự báo thị trường; tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến; các mô hình liên kết sản xuất hiệu quả…
Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, chế biến nông nghiệp công nghệ cao, truy xuất nguồn gốc, xúc tiến thương mại điện tử, logistics, phát triển chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản đến tay người tiêu dùng, phát triển mô hình “chợ nông sản 4.0”, “sàn giao dịch thương mại điện tử”, sàn giao dịch sản phẩm OCOP…
Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, năng lực quản trị cho cán bộ quản lý, thành viên HTX nông nghiệp. Tổ chức triển khai chương trình đào tạo nghề giám đốc HTX nông nghiệp theo chương trình kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Lồng ghép tốt chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn để tổ chức đào tạo nâng cao năng lực cho các HTX.
Khuyến khích doanh nghiệp liên kết hỗ trợ đào tạo nhân lực quản trị sản xuất, kinh doanh cho HTX nông nghiệp; hợp tác, liên kết đưa cán bộ quản lý, lao động làm việc trong các HTX nông nghiệp đi học tập, lao động tại nước ngoài. Thực hiện tốt chính sách thu hút lao động có trình độ tốt nghiệp cao đẳng, đại học về làm việc tại các HTX nông nghiệp.
Tiếp tục sử dụng có hiệu quả đội ngũ khuyến nông cơ sở trong việc tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các HTX. Nâng cao tổ chức, bộ máy hoạt động của HTX theo hướng kết nạp khuyến nông viên xã, thôn, bản và tổ nhóm khuyến nông cộng đồng trờ thành thành viên HTX nông nghiệp.
Thu hút các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác hợp tác, liên kết đầu tư, chia sẻ nguồn lực, kinh nghiệm hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để thu hút nguồn lực hỗ trợ, kinh nghiệm đào tạo, tư vấn phát triển kinh tế tập thể, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Khai thác tối đa các hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và thực hiện có hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế tập thể thông qua các chương trình, dự án, hội thảo, hội nghị, diễn đàn. Tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, phát triển HTX nông nghiệp giữa các địa phương trong tỉnh, giữa tỉnh với các tỉnh lân cận.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm nhiệm vụ quản lý nhà nước và hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể, HTX xã có chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo chuyên sâu về kinh tế tập thể, HTX.
Thực hiện chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá, hướng dẫn tình hình thực hiện các Nghị quyết, Quyết định, Chương trình hành động của Trung ương, của tỉnh; từ đó tổng kết bài học kinh nghiệm của các tổ chức kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp trong thực tiễn để làm căn cứ chỉ đạo, nhân rộng.
Nâng cao vai trò cấp ủy đảng, chính quyền, Liên minh Hợp tác xã tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh về phát triển kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp. Nâng cao hiệu quả hoạt động các cơ sở đảng ở nông thôn trong công tác lãnh đạo thực hiện Nghị quyết gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và sự tham gia của Nhân dân trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tập thể, HTX.