Ở tuổi 64, Giám đốc Nguyễn Văn Trí thoăn thoắt điều chỉnh dàn thiết bị cơ khí hàng chục tỷ đồng. Xưởng cơ khí của ông từng làm khuôn đúc sản xuất trăm triệu chiếc bàn chải Colgate.


Nhưng không chỉ có khuôn bàn chải, Công ty TNHH Lập Phúc còn chuyên về cơ khí chính xác, chế tạo khuôn mẫu cho rất nhiều sản phẩm, chi tiết sản phẩm của các thương hiệu như xe Tesla, GM (General Motors), Suzuki, Panasonic, Sanyo…

Miệng nói, tay làm, ông Nguyễn Văn Trí, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc thoăn thoắt điều chỉnh dàn thiết bị cơ khí chính xác có giá trị hàng chục tỷ đồng/máy tại xưởng sản xuất ở quận 7 (TP.HCM). Ở tuổi 64, ông không có dấu hiệu của sự mệt mỏi, ánh mắt thể hiện đam mê lớn với nghề. Hàng ngày, ông vẫn làm việc tại xưởng, quan sát và hướng dẫn tay nghề cho thợ cơ khí khi cần. 

Hơn 30 năm trước, ông Trí là nhân sự của Công ty Máy nông nghiệp miền Nam (Vikino), đây là một trong những đơn vị cơ khí hàng đầu tại khu vực phía Nam lúc bấy giờ. Thời gian làm tại đây, ông học được quá trình xử lý công việc tỉ mỉ của người Nhật. Ngoài ra, ông còn chủ động tích lũy kiến thức qua tự học trong sách vở. Dần dần, từ thợ kỹ thuật, ông được bổ nhiệm thành quản đốc xưởng sản xuất của doanh nghiệp.

Tới năm 1994, Công ty Vikino tinh giản biên chế, ông chủ động xin nghỉ, nhường chỗ cho thế hệ trẻ và quyết định khởi nghiệp ở tuổi 35. Ông Trí chọn làm khuôn mẫu, do có kiến thức được tích lũy suốt thời gian dài liên quan đến cơ khí. 

Tuy nhiên, kinh nghiệm là chưa đủ, ông nhận định, cần máy công nghệ cao để áp dụng vào sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh. Thiết công nghệ cao sẽ như trái tim của ngành cơ khí chính xác. Đó là lý do ngay từ khi công ty thành lập, ông đã qua Đài Loan (Trung Quốc) để mua máy phay cắt CNC của nước bạn về sử dụng. Đây là một những máy phay hiện đại nhất Việt Nam lúc bấy giờ, giúp thợ cơ khí hiểu về kỹ thuật số, đo, cắt chính xác trong không gian ba chiều. 

Để sở hữu máy phay trên, ông đã phải vay mượn rất nhiều tiền của gia đình, bạn bè. Ông chấp nhận bán căn nhà 80 m2 tiền đường Hòa Hưng (quận 10) để dồn tiền mua máy. “Tính ra, tôi bán nhà cũng chỉ đủ mua 1/4 chiếc máy. Nhưng, nếu thấy số tiền lớn mà không đầu tư thì công ty không thể có bước tiến như ngày hôm nay”, ông kể lại.

Để sản phẩm làm ra đáp ứng và gia nhập được chuỗi giá trị lớn toàn cầu của các tập đoàn lớn châu Âu, Mỹ, là cả chặng đường nỗ lực từ cá nhân vị Tổng giám đốc cũng như các cộng sự tại Công ty Lập Phúc. 

Một trong những đối tác lớn đầu tiên của doanh nghiệp là Công ty Colgate. 13 năm trước, Công ty đa quốc gia Colgate-Palmolive (Mỹ) đã đặt ra tiêu chuẩn rất cao cho sản xuất bàn chải. Để hiểu hơn, hãy cầm trên tay một chiếc bàn chải và nhìn thật kỹ. Ít người biết rằng, bàn chải đó được tạo nên từ hai nửa ghép lại với nhau. Đường ranh giữa hai nửa ghép là một đường mảnh hơn sợi tóc, chạy dài từ chuôi tay cầm bàn chải lên tới đầu bàn chải, nó gần như không tồn tại.

Đối tác đặt ra yêu cầu, quanh đầu bàn chải Colgate phải trơn tru, đường ranh mảnh trên không gợn, không có độ sắc, không gây tổn thương cho người tiêu dùng khi đưa bàn chải vào miệng đánh răng. Đòi hỏi này nhằm bảo vệ an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng.

Với đề bài khó trên, ông Trí cho biết, công ty phải chế tạo hai nửa khuôn mẫu đúc bàn chải, để khi ghép lại gần như không có độ so le, chính xác tiệm cận tuyệt đối, không cho đường ranh giữa hai mảnh ghép bàn chải được xuất hiện rõ trên sản phẩm cuối cùng.

Ngoài ra, Colgate còn yêu cầu công ty Lập Phúc, chế tạo khuôn để ép 1 lần ra 24 chiếc bàn chải. Khuôn chính xác đơn đã khó, giờ, công ty phải làm 24 khuôn để dập ép sản phẩm chính xác trong cùng một nhịp.

Để giải quyết vấn đề, mỗi khuôn đúc bàn chải mới được làm ra, người thợ phải soi kính hiển vi lên khuôn cả trăm lần để kiểm tra lỗi tại nhà máy, trước khi gửi cho đối tác Mỹ nghiệm thu. Nếu chưa hài lòng, đối tác trả hàng, yêu cầu chỉnh sửa là bình thường. 

Sau 1 năm trời ròng rã, cuối cùng, công ty của ông Trí đã tạo ra sản phẩm khuôn ưng ý cho khách hàng. Nhiều đơn vị cơ khí từng tham gia sản xuất khuôn bàn chải cho Colgate nhưng bỏ cuộc giữa chừng. 13 năm trước, Lập Phúc chính là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam thực hiện thành công dự án này. Từ những khuôn mẫu chính xác trên, Công ty Colgate-Palmolive Việt Nam tại Khu công nghiệp Mỹ Phước III (Bình Dương), đã sản xuất ra khoảng 250 triệu sản phẩm bàn chải/năm, đưa đi tiêu thụ toàn cầu.

Sau dự án thành công cho Colgate, những khách hàng Mỹ tự giới thiệu lẫn nhau về danh tính một đơn vị chuyên gia công cơ khí chính xác tại Việt Nam. Từ đây, Công ty Lập Phúc dần tham gia được vào chuỗi giá trị lớn toàn cầu của Suzuki, Panasonic, Sanyo hay Omron… Cách đây 4 năm, công ty bắt đầu làm khuôn mẫu chính xác cho các hãng xe nổi tiếng như Tesla, GM (General Motors).

“Trên ô tô có nhiều chi tiết, đối tác thường đưa phần khó cho người Việt làm như khuôn giảm chấn, hộp đựng pin xe điện… Khuôn phải làm đúng kỹ thuật, nếu không, khi ép ra sản phẩm, xe chạy mấy tiếng là bị nứt. Chưa kể, các chi tiết phải tính đến khả năng chịu phơi mưa nắng, có những khuôn chi tiết chính xác cao mà kích cỡ lớn hơn người”, vị Tổng giám đốc chia sẻ.

Đối với các sản phẩm từng được doanh nghiệp chế tạo, ông Trí cho rằng, mỗi khuôn mẫu chính xác có độ khó riêng, công ty này thích nhận làm chi tiết khó, bởi hiệu quả kinh tế cao. Ngoài khó, độ khó càng cao, càng mang lại thú vị cho các kỹ sư trong nghề cơ khí và nhận được sự tôn trọng từ bạn hàng.

Ông dẫn chứng, đối tác Mỹ từng theo dõi Công ty Lập Phúc trong 8 năm. Mỗi năm, họ đều cử người tới thăm nhà máy để xem sự tiến bộ của doanh nghiệp Việt, rồi mới quyết định đặt hàng. 

Cụ thể, trên miệng lồng inox của máy giặt Whirlpool có chi tiết khung nhựa tròn, giúp giữ cân bằng cho máy khi xoay lồng li tâm nước. Nếu làm khuôn không chuẩn, khi sấy, máy giặt sẽ bị rung. Đây là chi tiết có khuôn ở mức độ khó. Dự án này của Tập đoàn thiết bị gia dụng Whirlpool (Mỹ) có 5 mẫu khuôn. Đối tác trung gian là Tập đoàn A1 (đơn vị nổi tiếng chuyên về cơ khí chính xác, trụ sở tại Mỹ), đặt công ty Lập Phúc làm 4 sản phẩm, họ làm 1 sản phẩm. 

Thời gian đầu, phía Mỹ không tin công ty Việt Nam làm được việc. Khi ông Trí qua gặp đối tác, lãnh đạo doanh nghiệp bạn chỉ tiếp xã giao, bắt tay rồi bỏ đi. 5 năm sau, khi Công ty Lập Phúc sản xuất được 4 khuôn linh kiện máy giặt Whirlpool đạt yêu cầu, ông quay lại Tập đoàn A1 để làm việc, ban lãnh đạo doanh nghiệp đối tác tỏ thái độ khác hẳn. Họ ôm ông Trí và gọi là “đồng nghiệp”, dành sự tôn trọng. Công ty Lập Phúc đã giúp đối tác trung gian giành được đơn hàng của chuỗi sản xuất lớn toàn cầu. 

“Trong 30 năm qua, chúng tôi không hề may mắn khi giành được các hợp đồng”, ông Trí khẳng định và cho biết thêm, một phần thành công gặt hái được do doanh nghiệp phải tái đầu tư số tiền lớn vào trang thiết bị máy móc cơ khí.

Đề cập về hướng đi của doanh nghiệp trong tương lai, ông cho hay, doanh nghiệp muốn là đơn vị gia công của các tập đoàn cơ khí lớn toàn cầu. Nghĩa là, Công ty Lập Phúc trở thành xưởng khuôn đúc chủ lực, chuyên gia công quốc tế, cung cấp sản phẩm cơ khí chính xác. 

Hiện tại, hợp đồng đến với đơn vị thông qua các tập đoàn cơ khí quốc tế làm trung gian (chủ yếu hợp đồng đến từ Mỹ). Ông Trí nhận định, lĩnh vực cơ khí chính xác bên Mỹ đang không có thế hệ kế tục. 100% công ty khuôn mẫu của Mỹ đều từ Đức di cư qua, giới chủ là người Mỹ gốc Đức. Các công ty này đã lập nghiệp được 2-3 thế hệ, thợ lành nghề đã tới tuổi nghỉ hưu. Đến nay, thanh niên Mỹ lại không muốn nối dõi, đi theo nghề cơ khí nặng nhọc.

Do đó, những tập đoàn cơ khí Mỹ sẽ chủ yếu nhận việc rồi chuyển lại cho các công ty gia công như Lập Phúc thực hiện sản xuất. Tương lai, doanh nghiệp cơ khí phía Mỹ sẽ như tổng đại lý bảo hành sản phẩm quốc tế. Với phương thức hợp tác trên, ngay cả mùa dịch, đơn hàng vẫn ổn định, 220 nhân sự của Công ty Lập Phúc không bao giờ thiếu việc. Cùng với đó, khi hợp tác qua trung gian, công ty cơ khí của Việt Nam cũng không phải chịu sự cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp cơ khí nội địa Mỹ hay quốc tế.

Thực hiện: Trần Chung