Gia Lai là quê hương của hai dân tộc chính Jrai và Bahnar; từ thế hệ này sang thế hệ khác, hai dân tộc Jrai và Bahnar đã sáng tạo nên một nền văn hóa riêng mang bản sắc độc đáo của vùng đất đỏ bazan, vùng đất được khẳng định còn tiềm tàng nhiều dấu vết văn hóa cổ, Gia Lai ẩn chứa một kho di sản văn hóa dân tộc có sức mạnh lôi cuốn các nhà nghiên cứu.
Văn hóa các dân tộc thiểu số ở Gia Lai có những đặc thù riêng, đó là: Truyền thống, đoàn kết, dân chủ, bình đẳng, tình yêu con người và thiên nhiên trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Gia Lai. Tính đa dạng trong sự thể hiện của các phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội trong sinh hoạt văn hóa dân gian. Tính đan xen giữa các giá trị văn hóa khác nhau tạo nên sự phong phú của bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số ở Gia Lai.
Khi vào mùa lễ hội, tiếng cồng, chiêng lại thôi thúc người ta đến các lễ hội tưng bừng, náo nhiệt. Ở đó con người như hòa mình vào không khí sôi động, náo nức trong tiếng cồng, chiêng thôi thúc, dồn dập của lễ hội đâm trâu… Bên ché rượu cần, những làn điệu dân ca cất lên đưa con người vào cõi mênh mông, sâu lắng… Đâu đây tiếng đàn T’rưng réo rắt như suối reo, tiếng đàn Goong thanh thót, thủ thỉ, tiếng Klông pút âm vang, mênh mông, tiếng cồng, chiêng trầm lắng, vang vọng…
Khối lượng di sản văn hóa của các dân tộc ở Gia Lai mà các ngành chức năng sưu tầm và khai quật được tuy chưa phải là lớn, song cũng đã chứng minh được cư dân ở vùng bắc Tây Nguyên có một nền văn hóa phát triển rực rỡ, không thua kém các dân tộc khác. Thời gian qua, việc củng cố và xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ nhân dân cũng góp phần quan trọng nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở nói chung, ở các làng văn hóa, khu dân cư văn hóa nói riêng, đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản.
Ngành văn hóa - thông tin tỉnh đặc biệt chú ý vận động đồng bào xây dựng các nhà rông, nhà rông văn hóa, nhà dài làm nhà sinh hoạt cộng đồng. Vì nhà rông đi vào cuộc sống của đồng bào các tộc ở Gia Lai nói riêng, cư dân vùng văn hóa Trường Sơn - Tây Nguyên nói chung đã rất lâu đời. Hiện nay, Gia Lai có 581 nhà rông, trong đó có 115 nhà rông văn hóa.
Ðể những thiết chế này hoạt động thường xuyên, Gia Lai chú trọng xây dựng các đội cồng chiêng làm nòng cốt cho những hoạt động chủ yếu tại nhà rông và nhà rông văn hóa. Ðến nay, Gia Lai đã có 668 đội cồng chiêng ở các buôn, làng. Bên cạnh chức năng bảo tồn di sản văn hóa cổ truyền của các dân tộc, lực lượng này còn cùng với 16 đội thông tin lưu động (của tỉnh, huyện) và ba đội điện ảnh xung kích làm tốt việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào Gia Rai và Ba Na.
Việc sưu tầm và bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc phục vụ chính cộng đồng người Gia Rai, Ba Na và vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng được chú trọng như: sưu tầm và xuất bản các công trình văn học dân gian (nhất là các sử thi); các làn điệu dân ca; khôi phục các lễ hội truyền thống; điều tra thống kê các loại nhạc cụ cồng chiêng, các loại đàn, trống mộc... Tỉnh chú ý phát triển các làng nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, tạc tượng, điêu khắc, chế tác các nhạc cụ dân tộc... Gia Lai là 1 trong 5 tỉnh Tây Nguyên có Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại.
Địa phương cũng kiểm kê được 456 hồ sơ DSVH phi vật thể, trong đó có 3 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia, gồm: Không gian văn hóa cồng chiêng, Sử thi của người Ba Na tại 4 huyện phía Đông của tỉnh và Lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui.
Trong các năm 2020, 2021, Sở VHTT&DL đã tổ chức kiểm kê số lượng cồng chiêng trên địa bàn toàn tỉnh, nhằm đánh giá chính xác thực trạng cồng chiêng trong đời sống cộng đồng các DTTS tại chỗ. Kết quả sơ bộ ghi nhận, toàn tỉnh còn lưu giữ 4.500 bộ cồng chiêng (kết quả kiểm kê năm 2008 là 5.655 bộ), là tỉnh có số lượng cồng chiêng đứng đầu 5 tỉnh Tây Nguyên.
Ngoài ra, toàn tỉnh Gia Lai có 32 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Tỉnh đã tổ chức được nhiều lớp truyền dạy chỉnh chiêng, tạc tượng, đan lát, dệt thổ cẩm cho học viên là người DTTS tại chỗ; nhiều nghi lễ, lễ hội dân gian được phục dựng...
Tỉnh duy trì đều đặn những cuộc liên hoan cồng chiêng hai năm một lần ở cấp huyện xã, bốn năm một lần ở cấp tỉnh; tham dự nhiều cuộc thi, liên hoan văn hóa - nghệ thuật truyền thống ở trung ương, khu vực và các tỉnh bạn, tạo môi trường cho các chủ nhân của văn hóa cồng chiêng có điều kiện giao lưu, học hỏi lẫn nhau.
Chương trình “Cồng chiêng cuối tuần - thưởng thức và trải nghiệm” do Sở VHTT&DL tỉnh Gia Lai tổ chức, trong thời gian gần đây được đông đảo công chúng đón nhận. Chương trình đã lan tỏa thông điệp “Bảo tồn và phát huy giá trị DSVH dựa vào cộng đồng” rộng khắp đến với công chúng.