Gia Lai là tỉnh miền núi biên giới nằm ở phía Bắc Tây Nguyên có 44 dân tộc anh em cùng sinh sống; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 46,23% dân số. Tỉnh hiện có hơn 38.500 hộ nghèo, trong đó hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 90%.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I (từ năm 2021 đến năm 2025), tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu đến năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số hằng năm bình quân trên 3% (áp dụng theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025).
2023 là năm thứ 2 Gia Lai thực hiện Chương trình theo Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Chương trình gồm 10 dự án, 14 tiểu dự án với 36 nội dung thành phần, tập trung vào một số nội dung như: giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc; phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
Đến nay, chương trình đã đạt những kết quả bước đầu, trở thành “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số.
Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2025, giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số hàng năm bình quân trên 3%; hoàn thành cơ bản 100% công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định 95% số hộ di cư không theo quy hoạch; giải quyết cơ bản 100% tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được bê tông hóa hoặc nhựa hóa; 100% thôn, làng có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 95% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 98% học sinh học mẫu giáo 5 tuổi được đến trường…
Để giúp đồng bào thiểu số nghèo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình tín dụng chính sách, giúp bà con phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Từ nguồn vốn chính sách xã hội, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có nguồn vốn để xây dựng nhà ở ổn định, tạo sinh kế để phát triển kinh tế, xây dựng quê hương giàu mạnh. Tỉnh luôn coi trọng việc triển khai các chương trình cho vay chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, bởi tỉnh Gia Lai còn nhiều khó khăn về kinh tế, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai, trong 6 tháng đầu năm nay, đơn vị này đã nỗ lực huy động các nguồn vốn mở rộng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Theo đó, doanh số cho vay đạt gần 965 tỷ đồng với trên 25.000 hộ vay; trong đó, riêng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 51%, với số tiền vay gần 500 tỷ đồng.
Ngoài ra, chương trình cho vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1 (2021 - 2025) cũng đã giải ngân hơn 49 tỷ đồng cho gần 1.000 hộ vay để chuyển đổi nghề, đất ở, đất sản xuất và làm nhà ở.
Qua một năm triển khai, Chương trình đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu chung về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Gai Lai nói chung và của đồng bào bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh nói riêng. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều duy trì mức giảm từ 1-1,5%/năm; trong đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 4-5%/năm.
Ông Kpă Đô-Trưởng ban Dân tộc tỉnh-cho hay: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là chính sách lớn của Đảng, Nhà nước với nhiều nội dung thành phần có ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến mọi lĩnh vực; trong đó ưu tiên đầu tư cho các địa bàn đặc biệt khó khăn, hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Để hiện thực hóa mục tiêu chương trình, tỉnh đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo, tổ chức bộ máy chỉ đạo thực hiện chương trình ở 3 cấp; chủ động ban hành cơ chế, quy định, hướng dẫn để quản lý, tổ chức thực hiện. Quá trình thực hiện chú trọng tính hiệu quả, không chạy theo thành tích, đặc biệt là nêu cao vai trò chủ thể của người dân, cộng đồng trong tất cả các khâu. Năm 2022, tỉnh đề ra 25 chỉ tiêu thực hiện và đến thời điểm này đã có 23/25 chỉ tiêu đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra.
Năm 2023, tổng vốn thực hiện trên địa bàn tỉnh được phê duyệt là hơn 1.000 tỷ đồng.
Đây là tiền đề, động lực để Gia Lai xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình, phấn đấu giảm 3% tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiếu số và miền núi; 50% số hộ thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất được giải quyết; 99,43% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được bê tông hóa hoặc nhựa hóa; 98,95% thôn, làng có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 86,6% trường, lớp được xây dựng kiên cố; 99,99% hộ dân được sử dụng điện; 92% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% số dân được xem truyền hình và 90% được nghe phát thanh.