Chăm sóc sức khỏe và BHYT cho đồng bào DTTS 

Quyền được chăm sóc y tế công cộng luôn được Việt Nam coi là một trong những quyền con người quan trọng, là cơ sở để thực hiện nhiều quyền con người khác. Việc thực hiện quyền được chăm sóc y tế công cộng cũng gắn liền với các quyền con người khác như: quyền sống, quyền về lương thực, nhà ở, việc làm, giáo dục, bảo vệ đời tư, tiếp cận thông tin...

Với tinh thần đó, từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước đã triển khai chính sách hỗ trợ tham gia BHYT cho nhiều nhóm đối tượng, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở những địa bàn khó khăn. Tấm thẻ BHYT ngày càng phát huy giá trị đắc lực trong chăm lo sức khỏe và ổn định đời sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở những vùng kinh tế, xã hội khó khăn.

Với mức thu nhập bình quân của hộ đồng bào DTTS hiện nay còn rất thấp, nếu không được cấp thẻ BHYT thì chi phí dành cho khám chữa bệnh sẽ là gánh nặng của gia đình; nhiều người DTTS không có điều kiện để tiếp cận và thụ hưởng chính sách BHYT, ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế của gia đình, nguy cơ phát sinh hộ nghèo và tái nghèo cao, đồng thời ảnh hưởng lớn đến chính sách giảm nghèo bền vững và chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng và đảm bảo, người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số khi được Nhà nước cấp thẻ BHYT miễn phí có thêm điều kiện để chăm lo sức khỏe cho bản thân và gia đình ngày một tốt hơn. Trong triển khai thực hiện, các kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ làm công tác dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó, có nội dung lồng ghép tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về khám, chữa bệnh, BHYT, dân số... được đẩy mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe và BHYT cho đồng bào DTTS vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. 

Kết quả cấp thẻ BHYT miễn phí đạt tỷ lệ cao nhưng trong thực tế, số lượt người khám, chữa bệnh ở cơ sở vùng DTTS và miền núi chưa thật sự hiệu quả. 

Nhiều trường hợp người DTTS có thẻ BHYT đi khám bệnh vẫn thường xuyên thiếu giấy tờ tùy thân có ảnh, giấy chuyển viện… gây trở ngại trong khâu tiếp nhận vào viện; khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh có chất lượng còn hạn chế.

Đây đó, ý thức của một bộ phận người dân, nhất là người đồng bào DTTS vẫn còn hạn chế, có tư tưởng chủ quan, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà chưa thật sự tự giác tham gia BHYT.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nguồn nhân lực y tế tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh của đồng bào DTTS và miền núi, nhất là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. 

Phú Yên: Chú trọng công tác khám chữa bệnh đối với người DTTS

Quán triệt sâu sắc tinh thần đó, thời gian qua, tại Phú Yên, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan triển khai thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về BHYT và công tác khám chữa bệnh đối với người DTTS thuộc nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ BHYT.

Ảnh minh hoạ

Đợt giám sát về tình hình triển khai, thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi của tỉnh Phú Yên giai đoạn 2019-2023 vừa kết thúc. Qua giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT và công tác khám chữa bệnh đối với người DTTS thuộc nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ BHYT, ông Phạm Ngọc Công, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh, trưởng đoàn giám sát đã chia sẻ với báo Phú Yên một số kết quả nổi bật.

Theo  ghi nhận của Đoàn giám sát, tỉ lệ người dân tham gia BHYT tăng qua từng năm. Công tác phối hợp rà soát, thống kê, lập danh sách các đối tượng thụ hưởng chính sách đã được các cấp, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình, quy định. Việc quản lý, báo tăng, báo giảm và đề nghị cấp thẻ được thực hiện trên hệ thống dữ liệu quản lý theo địa bàn thôn, buôn. Việc phân bổ thẻ BHYT cho các cơ sở khám chữa bệnh được ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh bám sát các văn bản chỉ đạo của các bộ, ngành trung ương và UBND tỉnh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 18 cơ sở y tế ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT, bao gồm 6 bệnh viện tuyến tỉnh, 9 trung tâm y tế tuyến huyện và Bệnh viện Công an tỉnh; 1 phòng khám đa khoa và 1 phòng khám chuyên khoa theo đúng quy định. Ngành BHXH tỉnh đã tuân thủ, thực hiện công tác giám định theo đúng quy định; phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh trong kiểm tra thủ tục, giải thích các vướng mắc phát sinh về thực hiện khám chữa bệnh BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT nói chung và người DTTS nói riêng.

Các cơ sở khám chữa bệnh công lập được ký kết hợp đồng khám chữa bệnh BHYT luôn được các cấp, ngành quan tâm, hỗ trợ đầu tư nguồn lực để sửa chữa, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ y tế, nhất là ở các trạm y tế xã. Công tác hỗ trợ cho người bệnh là hộ nghèo, người DTTS tại các cơ sở khám chữa bệnh cũng được các cấp, ngành trong tỉnh quan tâm.

PV