An Giang là tỉnh biên giới, có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. 5 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung lãnh, chỉ đạo chăm lo các mặt đời sống vật chất, tinh thần đồng bào DTTS Khmer.

Nhờ vào sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền cùng với việc học hỏi các kỹ thuật mới trong canh tác và sản xuất cây thốt nốt, gia đình bà Neáng Dươne (dân tộc Khmer ngụ xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) đã có những thành công đáng kể trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, qua đó cải thiện đời sống, từng bước làm giàu nhờ đặc sản địa phương.

Thời gian vừa qua, An Giang đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ bà con Khmer tại vùng Bảy Núi phát triển mô hình trồng thốt nốt theo chuỗi giá trị liên kết. Thông qua Dự án “Nâng cao lợi ích từ sản phẩm và tiêu thụ đường thốt nốt cho đồng bào Khmer tỉnh An Giang”, các tổ chức kinh tế đã tài trợ 30 máy đánh đường thốt nốt cho 30 hộ Khmer tham gia dự án tại các xã: Ô Lâm, Núi Tô, Châu Lăng, An Tức và Lê Trì, với tổng số tiền 180 triệu đồng. Bên cạnh đó, bà con nông dân được tập huấn về kiến thức sản xuất và kết nối thị trường theo chuỗi giá trị “từ cung đến cầu” và nhận hỗ trợ trang thiết bị để sản xuất hàng hóa sạch và nâng cao chất lượng.