Huyện Ba Vì, Hà Nội là địa bàn sinh sống của 24 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chủ yếu là người Mường, Dao, Nùng, Tày. Đây cũng là nơi an cư lạc nghiệp của người Sán Dìu, Ê-Đê, Hà Nhì, Nhắng, Cao Lan...
Mỗi dân tộc có bản sắc văn hoá riêng, tạo nên sự đa dạng, phong phú. Vì vậy, địa phương có nhiều tiềm năng phát triển các hoạt động du lịch sinh thái gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS mang lại hiệu quả kinh tế như: trồng dược liệu, chăn nuôi bò sữa...
Những năm qua, công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS luôn được huyện quan tâm và xác định là nhiệm vụ quan trọng.
Đầu năm 2024, Ba Vì đã thành lập CLB nghệ thuật văn hóa truyền thống dân tộc huyện. Huyện đã thành lập 59 đội bảo tồn văn hóa dân tộc và cấp 30 bộ cồng chiêng Mường, chuông chiêng Dao, các đội bảo tồn văn hóa dân tộc đã tham gia biểu diễn ở hầu hết những sự kiện lớn do huyện tổ chức, đặc biệt còn được tham dự, góp mặt tại một số chương trình lớn của TP Hà Nội.
Huyện cũng tổ chức các cuộc thi “Nói tiếng dân tộc Mường”, hội thi “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường”.
Theo thống kê của UBND huyện Ba Vì, năm 2023 ước tính du lịch Ba Vì đón 2,7 triệu lượt khách, tăng hơn 34% so với cùng kỳ năm 2022; doanh thu ước đạt 401 tỷ đồng. Dự kiến, năm 2024, địa phương này sẽ đón 2,8 triệu lượt khách, doanh thu đạt 407 tỷ đồng.
Tại một địa phương khác của Hà Nội là Thạch Thất, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS cũng rất được quan tâm. Theo một thống kê, trên địa bàn 03 xã miền núi có trên 50 bộ chiêng Mường, 17 đội chiêng Mường.
Huyện đã tổ chức được các hoạt động như biểu diễn văn nghệ, thi kể chuyện, hát dân ca Mường, thi trình diễn trang phục dân tộc; tổ chức 11 lớp truyền dạy chiêng Mường với trên 860 lượt người tham dự; hỗ trợ mua sắm trang phục truyền thống và tủ trưng bày trang phục cho các thôn của 3 xã; tổ chức các lớp truyền dạy, tập huấn, bồi dưỡng nghệ thuật diễn tấu chiêng Mường; tổ chức giao lưu diễn tấu chiêng Mường.
Quan tâm triển khai và thực hiện có hiệu quả
Năm 2024, Hà Nội công bố Điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền, Ba Vì, với chủ đề: "Chữa lành - Tịnh tâm - Dưỡng tuệ". Dự án nhằm góp phần thực hiện Kế hoạch của UBND TP. Hà Nội về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030.
Đây là mô hình du lịch cộng đồng gắn với giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS đầu tiên trên địa bàn TP Hà Nội. Sản phẩm góp phần tạo mô hình điểm về du lịch cộng đồng, từng bước đưa huyện Ba Vì trở thành trọng điểm về phát triển du lịch cộng đồng gắn với đồng bào DTTS, tăng khả năng thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Trên địa bàn Hà Nội, đồng bào DTTS sinh sống đan xen cùng người Kinh ở tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã, với khoảng 107.847 người, thuộc 50/53 thành phần DTTS, chiếm 1,3% dân số toàn thành phố.
Cùng với việc phát triển kinh tế - xã hội, công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc được thành phố thực hiện có hiệu quả. Thành phố đã hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng đồng bộ các thiết chế văn hoá cơ sở, các nhà văn hoá ở các thôn vùng DTTS.
Mặt khác, nhờ các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai thực hiện sâu rộng, chất lượng nâng lên, từ đó đó góp phần xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, ngăn chặn, phòng ngừa các tệ nạn xã hội, xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư.
Những năm qua, Sở Du lịch thành phố đã tổ chức nhiều hội nghị trao đổi kỹ năng, ứng xử văn minh du lịch cho cộng đồng dân cư đồng bào DTTS&MN, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào DTTS về hoạt động du lịch và kỹ năng giao tiếp, ứng xử đối với khách du lịch.