Mỹ công khai

Theo Sputnik (Nga), trong đoạn video ghi lại cảnh ăn mừng chiến thắng của liên quân Mỹ - Iraq sau khi giải phóng thành phố Qayyarah đã để lộ việc không quân nước này và Mỹ đã sử dụng bom cháy, loại vũ khí bị Liên hợp quốc (LHQ) cấm sử dụng.

Theo chia sẻ của phóng viên tự do Aldin Abazovic, bom cháy được sử dụng cùng với chất phốt-pho trắng, điều hoàn toàn bị cấm theo luật pháp quốc tế. Công ước LHQ về vũ khí thông thường quy định vũ khí cháy là tất cả các loại có khả năng gây cháy cho vật thể nhờ phản ứng hóa học gây ra bởi các chất hợp thành.

Dung vu khi cam: IS ngang hang voi My - Nga
Bom cháy Mỹ dùng tại Iraq.

Trước đó, nhiều phóng viên tự do tại Iraq từng ghi nhận sự xuất hiện của bom cháy, tuy nhiên đến khi đoạn video được chính quân đội Iraq đăng tải đã chính thức xác thực nghi vấn này.

Được biết, thị trấn Qayyarah cách thành phố Mosul 35km, nơi đây từng là thủ phủ của IS trong thời gian dài trước khi nó được liên quân Mỹ - Iraq giải phóng.

Nga im lặng

Sẽ không có gì đáng nói về việc Mỹ dùng vũ khí cấm tại Iraq nếu trước đó chính Lầu Năm Góc không nhiều lần cáo buộc Nga vi phạm lệnh cấm của quốc tế khi dùng bom phốt pho - loại vũ khí cấm tại Syria.

Theo những hình ảnh được công bố hồi cuối năm 2015, trên bầu trời Syria có dấu hiệu bom phốt-pho được sử dụng ở thành phố Raqqa, thủ phủ mà IS chiếm giữ khá lâu. Theo nguồn tin này, dù Raqqa là thành trì của IS nhưng vẫn có nhiều dân thường sinh sống ở đây.

Mặc dù các bức hình chưa được kiểm chứng nhưng các nhà báo ở Raqqa khẳng định “các cuộc oanh tạc nhằm vào Raqqa sử dụng bom phốt-pho”.

Sau khi những hình ảnh này được công khai, nhiều nhà hoạt động cho rằng các cuộc không kích sử dụng bom phốt-pho là “tội ác chiến tranh”. Trong khi đó, nhiều tổ chức nhân quyền cho rằng Nga không kích giết hại nhiều dân thường hơn là các phiến quân IS.

Dung vu khi cam: IS ngang hang voi My - Nga
Nga dùng bom phốt pho tại Syria.

Trước khi những hình ảnh này được đăng tải, hôm 13/11, các nhân chứng ở thành phố Idlib trả lời báo The Times cho biết hàng chục dân thường đã bị những vết thương khủng khiếp sau khi hai vụ tấn công bằng bom phốt-pho xảy ra.

“Chúng tôi biết đó là bom phốt-pho vì cả bầu trời bỗng nhiên rực sáng và nó đốt cháy mọi thứ xung quanh”, Ahmed, một nhà hoạt động ở Idlib cho biết. Anh nói rằng hai ngôi làng đông dân cư đã bị tấn công và cách khu vực IS đồn trú ít nhất phải 64km.

Vũ khí hóa học đã bị cấm sử dụng theo Công ước Geneva vì tính độc hại và có thể cháy xuyên da, thịt. Phốt-pho trắng là chất gây cháy thường được gọi là WP, được quân đội sử dụng để phát sáng trong đêm tối khi tìm diệt mục tiêu hoặc tạo khói trắng.

Ngoài cáo buộc sử dụng bom phốt-pho, phương Tây còn có bằng chứng cho rằng Nga còn sử dụng vũ khí cấm khác là bom chùm trong các đợt không kích IS vừa qua. Tuy nhiên, hiện Nga không đưa ra bất cứ thông tin nào trước những cáo buộc này.

IS không kém cạnh

Cùng với việc Nga - Mỹ cáo buộc lần nhau dùng vũ khí cấm, các báo cáo của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) cho thấy, hồi tháng 8/2015 vừa qua, lần đầu tiên khí mù tạt đã được IS sử dụng trong tác chiến tại Syria.

OPCW cho biết, chất khí chết người này đã được sử dụng tại thị trấn Marea thuộc phía Bắc tỉnh Aleppo hôm 21/8. Tuy nhiên, nguồn tin không cho biết bên nào phải chịu trách nhiệm về hành động này.

Trong một bản báo cáo mật đã được gửi tới các quốc gia thành viên của OPCW, và tổ chức này dự kiến sẽ có cuộc họp thường niên vào cuối tháng 11/2015 tới tại La Haye, Hà Lan.

Được biết, trước khi phát hiện ra chất độc chết người này, phiến quân Syria và các nhóm cứu trợ cho hay vào cuối tháng Tám, đã có hàng chục người bị ảnh hưởng bởi một vụ tấn công bằng chất hóa học ở Marea, nơi các phiến quân đối lập và chiến binh IS đối đầu với nhau.

Khí mù tạt, hay còn gọi mù tạt lưu huỳnh, gây ra những vết bỏng hóa học trên da, mắt và phổi. Nó có thể gây chết người, khiến nạn nhân tàn tật, gây ung thư hoặc mù vĩnh viễn.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh dịch Mỹ, khí mù tạt có thể tồn tại trong môi trường nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần. Việc sử dụng khí mù tạt trong tác chiến khiến quân đối phương phải sử dụng thiết bị phòng độc. Tuy nhiên, các thiết bị này không phát huy hiệu quả trong mọi trường hợp.

Trong chiến tranh Iran-Iraq, khí mù tạt đã thấm qua miếng che mặt mà người Iran thường đeo (vì lý do tôn giáo) và gây tổn thương cho họ. Khí độc mù tạt cũng có thể dễ dàng thấm qua quần áo, giày dép và các nguyên liệu khác.


Theo Đất Việt