Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Tỉnh, trường Đại học Y tế Công cộng cho biết, anh đã từng "choáng" khi nhìn thấy đơn thuốc của một bệnh nhân Covid-19 gửi đến. Người này rơi vào tình trạng lo âu, đau bụng, buồn nôn và liên hệ bác sĩ để tư vấn. Nguyên nhân nằm trong chính các loại vitamin bệnh nhân đang uống.
“Trong đơn thuốc này có đến 3 loại vitamin C. Tôi đã yêu cầu F0 này dừng hoặc chỉ uống 1 loại bổ sung. Sau khi dừng uống, mấy ngày sau, bệnh nhân báo lại tình trạng ổn định hơn. Đơn thuốc này được truyền tay qua mạng và vô tư sử dụng”, bác sĩ cho biết.
F0 sử dụng thuốc hay vitamin đều cần có ý kiến bác sĩ thay vì đơn truyền miệng. |
Hiện nay, để nâng sức đề kháng chống chọi với Covid-19, nhiều F0 tìm cách bổ sung vitamin một cách vô tội vạ. Có người uống cùng lúc đến 3 loại vitamin C ở dạng sủi, dạng C kết hợp kẽm… Miễn sao bao bì bên ngoài ghi có tác dụng tăng sức đề kháng là người bệnh sử dụng.
Bác sĩ Nguyễn Đình Tỉnh cảnh báo, việc bổ sung vitamin C quá liều, sẽ dẫn các triệu chứng kích ứng tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy. Nếu bổ sung liều cao kéo dài có thể dẫn tới những hậu quả khác như ứ sắt, sỏi thận…
Trong thời gian cách ly tại nhà, F0 có thể dự phòng thuốc hạ sốt, thuốc chữa ho, tiêu chảy, xịt mũi, nhiệt kế, máy đo SpO2, que test nhanh, khẩu trang... Tuyệt đối không tự ý dùng các thuốc kháng sinh, kháng viêm, kháng đông, kháng virus, mà phải có ý kiến của các bác sĩ.
Đáng chú ý, khi mở cửa lại trường học, trẻ nhỏ mắc Covid-19 cũng tăng cao, phụ huynh có xu hướng bổ sung dinh dưỡng giúp trẻ nâng cao thể lực. Tuy nhiên, các loại vitamin, thuốc bổ khi bị lạm dụng đều gây hại trực tiếp cho người sử dụng. Với trẻ nhỏ, càng cần có sự cẩn trọng hơn.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Dương Công Minh, Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), phụ huynh cần phải hiểu rõ hai nguyên tắc: không dùng vitamin khi không bị thiếu và không được coi vitamin là “thuốc bổ” để khỏe.
Đặc biệt, tình trạng dư thừa vitamin gây hậu quả nặng nề.
Bổ sung vitamin sai cách có thể gây hại cho cơ thể. |
Vitamin A có tác dụng bảo vệ mắt, chống quáng gà và các bệnh khô mắt, đảm bảo sự phát triển bình thường của bộ xương, răng, bảo vệ niêm mạc và da, tăng cường sức đề kháng cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn.
Tuy nhiên, nếu sử dụng lượng lớn mỗi ngày dây dư thừa, vitamin A sẽ gây nên các triệu chứng ngộ độc mạn tính như đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, ban đỏ, da khô và bong vảy, viêm niêm mạc miệng hoặc đau các xương;
Ở trẻ nhỏ, dư vitamin A có thể làm tăng áp lực sọ não, thóp phồng, đau đầu, co giật. Với phụ nữ giai đoạn mang thai trong 3 tháng đầu, dùng vitamin A liều cao kéo dài có thể gây dị dạng thai nhi.
Vitamin C giúp tăng cường hệ miễn nhiễm, chống nhiễm khuẩn. Các vết thương sẽ mau lành nếu các mô được bão hòa lượng vitamin C. Tuy nhiên, nếu dùng liều quá cao (hơn 1g/ngày) có thể gây tiêu chảy, loét đường tiêu hóa, sỏi thận khi dùng dài ngày.
Vitamin D có tác dụng giúp cơ thể sử dụng tốt canxi và phôt-pho để hình thành và duy trì hệ xương răng vững chắc. Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi chỉ bổ sung vitamin D không quá 400UI/ ngày (đối với trẻ đã cho ăn các hỗn hợp thay thế sữa mẹ)
Tuy nhiên, khi lạm dụng vitamin D liều cao kéo dài, sẽ gây ra ngộ độc cho cơ thể, làm tăng hàm lượng canxi trong máu, trong nước tiểu; chán ăn, buồn nôn, nôn, khát nước, yếu cơ, mất phương hướng, mệt mỏi; suy thận đọng canxi ở thận …
Thậm chí, nếu không can thiệp có thể dẫn tới tử vong.
Bác sĩ Dương Công Minh cảnh báo, tuyệt đối không tự ý dùng các vitamin, đặc biệt các loại phối hợp, liều cao và dùng dài ngày cho trẻ.
Linh An
Hà Nội yêu cầu chỉ bán Molnupiravir cho F0 có đơn thuốc đúng quy định
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các nhà thuốc chỉ bán thuốc có hoạt chất Molnupiravir cho người mắc Covid-19 có đơn thuốc đúng quy định, tư vấn nguy cơ - lợi ích cho bệnh nhân khi bán thuốc.