Gia Lai hiện có hơn 45% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khá cao trên tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Đây là những vấn đề mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai luôn trăn trở.

Xác định xây dựng nông thôn mới là một chương trình lâu dài. Việc xây dựng nông thôn mới với cách làm phù hợp là rất quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, cũng như góp phần bảo tồn được bản sắc riêng cho vùng, miền. “Làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” là một mô hình mang đặc trưng riêng của tỉnh Gia Lai, được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh xác định là nhiệm vụ ưu tiên gắn với lộ trình xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới.

Sau hơn 05 năm triển khai thực hiện, xây dựng nông thôn mới trong làng đồng bào dân tộc thiểu số đã lan tỏa trở thành phong trào mạnh mẽ, rộng khắp trong toàn tỉnh, được cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia. Từ những mô hình ấy đã và đang tạo điểm tựa vững chắc, là động lực quan trọng để nhiều thôn, làng trong tỉnh đổi thay, khởi sắc và phát triển, đem lại cuộc sống ấm no cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Thông qua nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ và các phong trào, cuộc vận động trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, diện mạo của các làng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều thay đổi tích cực, kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.

Tổng kinh phí các địa phương đã huy động để triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong 05 năm (2018 - 2022) là 1.507.289 triệu đồng, trong đó: Ngân sách nhà nước 1.285.587 triệu đồng; vốn doanh nghiệp hỗ trợ 23.871 triệu đồng; vốn nhân dân đóng góp 154.328 triệu đồng; vốn tín dụng 43.503 triệu đồng.

Huy động được 96.411 ngày công để tu sửa, nâng cấp đường giao thông nông thôn, làm nhà rông văn hóa, nhà ở, các công trình phụ trợ như nhà tắm, nhà tiêu, làm chuồng trại chăn nuôi, hàng rào.

Người dân đã hiến 400.830 m2 đất ở, đất vườn để làm nhà sinh hoạt cộng đồng, hội trường thôn, làng, đường giao thông nông thôn, đào hố rác, di chuyển nhà ở, chuồng trại, trồng cây xanh, trồng hoa trên các tuyến đường,...

Qua 05 năm triển khai thực hiện, toàn tỉnh có 110 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới trên tổng số 206 thôn, làng đăng ký, cụ thể: Huyện la Grai có 27 thôn, làng/09 xã; huyện Phú Thiện 16 thôn, làng/9 xã; huyện Đak Đoa có 10 thôn, làng/07 xã; thành phố Pleiku có 09 thôn, làng/05 xã; huyện Chư Pưh có 07 thôn, làng/05 xã; huyện Chư Prông có 07 thôn, làng/04 xã; huyện Mang Yang có 07 thôn, làng/06 xã; huyện Kbang có 06 thôn, làng/06 xã; thị xã Ayun Pa có 05 thôn, làng/04 xã; huyện Đức Cơ có 05 thôn, làng/04 xã; huyện Krông Pa có 05 thôn, làng/04 xã; huyện Chư Păh có 03 thôn, làng/03 xã; huyện Chư Sê có 01 thôn, làng/01 xã; huyện Kông Chro có 01 thôn, làng/01 xã; huyện Đak Pơ có 01 thôn, làng/01 xã; riêng huyện Ia Pa và thị xã An Khê chưa có làng đạt chuẩn 19/19 tiêu chí.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch, qua tìm hiểu các làng dân tộc thiểu số được công nhận nông thôn mới, để có được kết quả nêu trên là sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và có sự đóng góp khá lớn bằng vật chất từ các doanh nghiệp.

Do vậy, ngoài việc sắp xếp, bố trí lại dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng ở các làng thì quá trình xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số phải quan tâm đến việc tạo sinh kế lâu dài. “Phải hỗ trợ người dân phát triển sản xuất bằng những cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện địa lý và trình độ sản xuất để nâng cao thu nhập cho họ.

Những đầu tư ban đầu là cơ bản nhưng quan trọng hơn vẫn cần sự quan tâm thường xuyên của các đoàn thể, tổ chức chính trị trong việc hướng dẫn, tuyên truyền, giúp người dân dần xóa bỏ tư duy lạc hậu trong sản xuất; xóa bỏ tư tưởng ỷ lại mà phải tự vươn lên ổn định cuộc sống. Đó mới là biện pháp căn cơ lâu dài”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai phát biểu.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, Hồ Văn Niên cho biết: Chỉ thị số 12 là mô hình đặc trưng của tỉnh, do đó, Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp xem đây là quyết tâm chính trị, là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong quá trình xây dựng nông thôn mới của Gia Lai. Hệ thống chính trị phải vào cuộc một cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, thường xuyên, liên tục và thực chất. Xây dựng làng nông thôn mới không chỉ là điện, đường, sắp xếp nhà ở mà phải là làng có con em trong độ tuổi được đi học; người dân đau ốm phải được điều trị; phải có môi trường tốt, đời sống người dân được nâng lên… 

Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 12 do Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức hôm 22/6 được xem như là việc đánh giá một bước quá trình triển khai thực hiện thành công mô hình xây dựng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số. Từ hội nghị này, ngoài những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ thì nhiều kinh nghiệm hay, cách làm tốt đã được nêu lên, tạo cơ sở để việc xây dựng làng nông thôn mới trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai tiếp tục có bước phát triển mới, đi vào thực chất.

Tỉnh Gia Lai xác định tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Gia Lai chung sức xây dựng nông thôn mới” đến các cấp, các ngành và toàn thể cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh để huy động đóng góp vào xây dựng nông thôn mới. Tăng cường vận động, tuyên truyền phát huy tối đa vai trò chủ thể của từng hộ gia đình trong xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số để xây dựng khu dân cư xanh, sạch đẹp, có kinh tế - xã hội phát triển, an ninh trật tự được đảm bảo, đáp ứng nguyện vọng của người dân.

Tập trung huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị để việc xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trở thành một phong trào toàn dân. Cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố, đặc biệt là người đứng đầu cần xác định rõ trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và phân công cụ thể các đồng chí ủy viên Ban thường vụ phụ trách công tác xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên.

Tiến hành rà soát đánh giá đúng thực trạng, có phương án chi tiết xây dựng khu dân cư, có lộ trình, giải pháp lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cân đối, bố trí các nguồn lực triển khai hiệu quả cao nhất; chú trọng, khuyến khích xã hội hóa theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Đặc biệt, việc xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số phải ưu tiên gắn với lộ trình xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới; hằng năm đánh giá, rà soát lại để điều chỉnh, bổ sung kịp thời cho phù hợp với điều kiện phát triển và điều kiện thực tế của địa phương. Thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở các làng, kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể khắc phục những tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng nông thôn mới của làng...

Nhóm PV