Đắk Ngo là xã đặc biệt khó khăn của huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Toàn xã có trên 12.600 người với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là người Mông, M’nông) chiếm 73%. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo tại Đắk Ngo rất cao, trình độ dân trí còn hạn chế.

Thời gian qua, xã Đắk Ngo đã chủ động triển khai hàng trăm cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật với hơn 6.400 lượt người tham gia. Các hình thức tuyên truyền được thực hiện đa dạng như: tuyên truyền miệng trực tiếp hoặc thông qua khai thác tủ sách pháp luật, các hoạt động hòa giải…

Chị Phạm Thị Minh Thư, người M’nông là 1 trong những tuyên truyền viên pháp luật giỏi của xã Đắk Ngo cho hay, việc tuyên truyền, vận động được chị thực hiện với nhiều hình thức và thời gian linh hoạt.

Theo đó, chị thường tận dụng ngày chủ nhật, ngày nghỉ để đến tận nhà người dân địa phương tuyên truyền. Các vấn đề về tranh chấp đất đai, hôn nhân và gia đình được chị phối hợp với cán bộ giải thích cụ thể, riêng với từng hộ dân. Các vấn đề khó hơn được chị vận động hành lang qua những người thân trong gia đình, họ hàng, cộng đồng dân cư.

anh chup man hinh 2024 01 26 luc 123342.png
Buổi tuyên truyền pháp luật cho người dân tại Đắk Nông.

Được biết, Tuy Đức là huyện nghèo của tỉnh Đắk Nông. Huyện có địa bàn rộng, dân cư sống không tập trung, số hộ dân di cư tự do vào địa bàn nhiều, hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, có trình độ dân trí thấp. Trước tình hình trên, huyện Tuy Đức luôn quan tâm phổ biến tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho bà con.

Trong đó, có 2 nội dung luôn được tập trung quan tâm là hôn nhân cận huyết thống và phòng chống dịch bệnh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Để giúp bà con nhanh hiểu, dễ nhớ, huyện Tuy Đức đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền pháp luật phong phú, đa dạng như: tổ chức hội nghị tuyên truyền tại các thôn, bon, bản; cấp phát tờ rơi; phối hợp với Đài truyền thanh huyện tuyên truyền trên loa đài tại 6 xã trên địa bàn... 

Đặc biệt, cán bộ cơ sở đã tích cực tư vấn, truyền thông trực tiếp, đến từng nhà vận động giúp thay đổi tư duy, cách nghĩ của người dân về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết và các quy định của pháp luật. Thông qua đó, không chỉ thay đổi về ý thức pháp luật, người dân tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa nhiều cây trồng, vật nuôi và áp dụng các mô hình hiệu quả vào sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện.

Ông Nguyễn Ngọc Minh, Trưởng phòng Dân tộc huyện Tuy Đức cho biết, những năm gần đây, tình trạng vi phạm pháp luật vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng giảm, đặc biệt tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giảm hẳn. Nhiều người dân đã nhận thức và tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông, luật lâm nghiệp, không phá rừng, lấn chiếm đất rừng, tuân thủ quy định Luật Hôn nhân và gia đình…

Cũng theo ông Minh, dù công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân có nhiều chuyển biến tích cực nhưng hiệu quả chưa rõ nét. Vì vậy, thời gian tới, huyện Tuy Đức sẽ tiếp tục quan tâm bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tuyên truyền viên bảo đảm về phẩm chất, năng lực chuyên môn, cùng am hiểu về tâm lý, tập quán của người dân. Đồng thời, phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng, giúp đồng bào nâng cao nhận thức, gắn kết khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ bình yên khu dân cư.

Còn tại huyện Đắk Glong - một huyện nghèo có dân số tương đương và nhiều điểm tương đồng với Tuy Đức thì tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết và sinh con đông còn diễn ra phổ biến ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đáng lưu ý, đây là địa phương tiềm ẩn các yếu tố phức tạp liên quan đến phá rừng, lấn chiếm đất rừng và tệ nạn ma túy.

Theo UBND huyện Đắk Glong, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được địa phương xem là yếu tố then chốt và đang được đẩy mạnh. Trong đó, Đắk Glong tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm như: phòng, chống ma túy; hôn nhân và gia đình; quản lý đất đai và quản lý bảo vệ rừng…

Thời gian tới, Đắk Glong sẽ tập trung công tác tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt thôn. Việc tuyên truyền sẽ được thực hiện đồng bộ, liên tục bằng các hình thức đổi mới và theo hướng áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Nam Yên