Những chiếc ống hút làm từ tre, cỏ thân thiện với môi trường đang ngày càng phổ biến trong các quán cafe, nhà hàng ở các thành phố lớn.
Các quán cafe chuyển sang dùng ống hút tre, cỏ
Khai trương được 6 tháng thì 3 tháng nay quán cà phê trên đường Trần Khát Chân (Hà Nội) của anh Nghiêm Minh Tâm đã bắt đầu sử dụng ống hút tre thay cho ống hút nhựa.
Anh Tâm chia sẻ, anh quyết định dùng ống hút tre trước tiên vì những lợi ích thiết thực của nó. ‘Không như ống hút giấy, ống hút tre vừa thân thiện với môi trường lại vừa tái sử dụng được nhiều lần. Mình có thể dùng dụng cụ chuyên dụng để cọ rửa ống, sau đó lại dùng tiếp. Độ bền của nó có thể lên đến vài tháng, tính ra giá thành cũng chỉ tương đương với ống hút nhựa dùng một lần’ - anh Tâm nói.
Ống hút tre được sử dụng ở quán cafe của anh Tâm. |
Sở hữu 2 quán cà phê, nếu dùng ống hút nhựa, mỗi ngày anh Tâm phải thải ra môi trường ít nhất hàng trăm chiếc ống hút. Người chủ quán cho biết, khách hàng đến quán của anh tỏ ra rất thích thú với việc được sử dụng ống hút tre. Không những thế, nó giúp cho ‘độ sang’ của quán được nâng lên ít nhiều.
Tuy nhiên, với những khách hàng mua đồ uống mang đi, quán của anh Tâm vẫn phải sử dụng những chiếc ống hút nhựa cho tiện dụng. ‘Đối tượng khách hàng của quán chủ yếu là ngồi tại chỗ. Mỗi ngày có khoảng 3-4 cốc mang đi thì tôi vẫn sử dụng ống hút nhựa, bởi vì chi phí cho mỗi chiếc ống hút tre khoảng hơn 4 nghìn đồng/ chiếc. Nếu khách dùng ống hút tre mang đi thì giá sản phẩm sẽ tăng lên một chút'.
Khách hàng có phản ứng tốt với ống hút tre. |
Giống như anh Tâm, chị Phạm Minh Huyền đang là chủ một quán cafe ở Vĩnh Phúc cũng sử dụng ống hút tre. Là một người quan tâm tới việc bảo vệ môi trường, chị Huyền chọn sử dụng sản phẩm này ngay từ khi quán đi vào hoạt động.
‘Ngày xưa, hồi sinh viên tôi cũng từng làm nhân viên cho các quán cafe và chứng kiến mỗi ngày họ vứt đi không biết bao nhiêu là ống hút nhựa, cốc nhựa. Vì thế tôi quyết tâm sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường cho quán của mình’.
Chị Huyền cho biết, trước khi sử dụng ống hút tre, chị cũng băn khoăn lựa chọn giữa các dòng sản phẩm tương tự là ống hút giấy và ống hút cỏ. ‘Ống hút tre có giá cao nhất nhưng lại sử dụng được nhiều lần. Ống hút cỏ cũng tốt, giá thấp hơn nhưng chỉ sử dụng được 1 lần. Ống hút giấy sử dụng được 1 lần nhưng cũng dễ bị mềm khi để lâu trong nước. Vì thế, tôi quyết định sử dụng ống hút tre cho quán của mình’.
Với những khách mua mang đi, bà chủ quán vẫn còn rất trăn trở khi buộc phải sử dụng ống hút nhựa. Tuy nhiên, chị dự định sắp tới sẽ sử dụng ống hút cỏ cho khách mang đi và buộc phải tăng giá mỗi cốc đồ uống lên 2 nghìn đồng. Ngoài ra, trong thời gian tới chị cũng mong muốn sẽ sử dụng cả quai túi làm bằng tre, nứa thay cho túi nilon.
Chị Huyền - chủ một quán cafe ở Vĩnh Phúc - dự định sẽ sử dụng ống hút cỏ cho khách mua mang đi. |
Chị Huyền cho biết, với các quán cafe, thực ra sử dụng ống hút tre vẫn đắt hơn ống hút nhựa một chút và khi sử dụng có nhiều khâu ‘mất công’ hơn hẳn chiếc ống hút nhựa chỉ cần vứt vào thùng rác.
‘Sau khi dùng xong, tôi phải rửa sạch bằng dụng cụ chuyên dụng có bán kèm. Sau đó, tôi phải sấy, rồi đặt vào hộp nhựa có hút ẩm để tránh ống hút bị ẩm mốc. Mùa hè trời nắng thì sẽ bớt được khâu sấy’ - chị Huyền chia sẻ.
Tuy có mất công hơn trong việc vệ sinh và bảo quản nhưng để bảo vệ môi trường, chị Huyền cho biết vẫn quyết tâm sử dụng sản phẩm này lâu dài.
Bà chủ quán này cũng cho biết, có thể ở Hà Nội ống hút tre được nhiều người biết đến nhưng ở khu vực của chị, chưa một quán cafe nào sử dụng nó.
Chị Huyền cho biết, quán cafe của chị là quán đầu tiên ở khu vực sử dụng ống hút tre. |
Là một sinh viên đang phụ giúp anh trai kinh doanh quán cafe ở Nghệ An, Cao Đăng Khoa cũng có những chia sẻ tương tự chị Huyền.
‘Các bạn trẻ thì tỏ ra rất hào hứng, nhưng với những khách hàng trung niên họ cũng không mấy để ý đến điều này’.
Khoa cho biết, ở khu vực thị trấn Hưng Nguyên (Nghệ An) chưa có quán ăn, cửa hàng nào sử dụng ống hút thân thiện với môi trường. ‘Thậm chí, nhiều buổi chiều đi qua các quán đồ uống vỉa hè còn thấy người ta quét lại để đốt đi, gây khói bụi rất ô nhiễm môi trường’.
Quán cafe của gia đình Khoa đã hoạt động được 10 năm nay, nhưng cũng mới sử dụng ống hút tre được khoảng 1 tháng. Ngoài việc cho khách sử dụng, quán còn bán lại cho các khách lẻ với giá bằng giá nhập chỉ với mục đích lan truyền thói quen sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường tới nhiều người dân hơn.
Khoa chia sẻ, các bạn trẻ đang có xu hướng quan tâm tới vấn đề bảo vệ môi trường nhiều hơn, một phần do được tuyên truyền và tiếp cận thường xuyên hơn với thông tin.
Ống hút thân thiện với môi trường đang dần trở thành một mặt hàng phổ biến khi các quán cafe, nhà hàng bắt đầu tìm đến dòng sản phẩm này.
Giới trẻ ưu tiên dùng sản phẩm thân thiện môi trường
Giống như nhiều bạn trẻ khác, Tú Uyên (sinh năm 1995) rất thích lê la các quán cafe vào dịp cuối tuần. Cô cho biết, thời gian gần đây cô nhận thấy nhiều quán cafe đồng loạt chuyển sang dùng các loại ống hút thân thiện với môi trường. Ngoài ống hút tre, nhiều nơi còn dùng ống hút cỏ, ống hút giấy.
‘Mình thấy các quán đồ uống, siêu thị đang dần ý thức hơn việc hạn chế sử dụng các loại hộp, ống hút nhựa và túi nilon. Nhiều cửa hàng đồ uống có chương trình giảm giá cho khách hàng mang theo cốc. Siêu thị cũng giảm giá cho khách không dùng túi nilon dùng một lần. Thậm chí, những cửa hàng vẫn dùng nhiều đồ nhựa còn bị các bạn trẻ lên án, tẩy chay’.
Là một người quan tâm tới vấn đề bảo vệ môi trường, Uyên cho biết thói quen sinh hoạt của cô gần đây cũng thay đổi đáng kể. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Là một người quan tâm tới vấn đề bảo vệ môi trường, Uyên cho biết thói quen sinh hoạt của cô gần đây cũng thay đổi đáng kể. ‘Đi siêu thị, đi chợ, mình luôn mang theo túi để hạn chế số lượng túi nilon thải ra môi trường. Túi rác dùng trong gia đình, mình cũng chọn mua loại túi sinh học tự hủy. Ngày xưa, mình thích dùng khẩu trang dùng một lần, nhưng bây giờ mình chuyển sang khẩu trang vải. Pin dùng xong mình cũng gom vào một chỗ để sau này gửi cho những nơi nhận tái chế pin…’.
Nguyệt Hà (sinh năm 1996) chia sẻ, cô và đám bạn thân đều rất ủng hộ việc thay đổi những thói quen hằng ngày để bảo vệ môi trường. Ngoài việc hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần, Hà còn chuyển sang sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên như hộp nhựa làm từ lúa mạch, các loại cốc làm từ bã mía, nước rửa bát, xà phòng làm từ bồ hòn…
‘Theo mình, phần lớn sự thay đổi của người trẻ là nhờ tác động tích cực từ những video, hình ảnh mà bọn mình xem được trên báo chí, mạng xã hội, youtube’ - Hà nói.
Nguyệt Hà và nhiều bạn trẻ đang dần chuyển sang sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Lăn lộn với ống hút tre vì tình yêu môi trường tha thiết
Chia sẻ với VietNamNet, anh Nguyễn Văn Mão - chủ một doanh nghiệp có tên tuổi trong giới sản xuất ống hút tre - cho biết, xu hướng sử dụng ống hút tre đang tăng dần lên qua số đơn hàng của công ty vào mỗi tháng.
Bắt đầu phát triển công ty từ tháng 9/2018, nhưng đến khoảng tháng 3 năm nay doanh thu của công ty anh bắt đầu tăng tăng vọt khi một số nước châu Âu cấm sử dụng ống hút nhựa.
Ông hút tre ở xưởng sản xuất của anh Mão đang được phơi khô. |
Với 5 xưởng sản xuất đặt ở Đồng Nai, Gia Lai, Nghệ An, Hà Nội và Buôn Mê Thuột, hiện tại mỗi tháng công ty anh xuất ra gần 10 triệu ống hút. Những tháng thấp nhất, doanh thu rơi vào khoảng 5-6 tỷ đồng, cao điểm nhất là 13 tỷ đồng/ tháng.
Tuy nhiên, tới 98% số hàng được xuất sang Pháp, Đức, Ấn Độ, trong đó Ấn Độ chiếm 70% lượng hàng xuất khẩu. Mặc dù có nhìn thấy xu hướng tăng lên ở thị trường trong nước, song con số này chỉ chiếm 2%.
Tuy nhiên, anh Mão tin rằng con số này sẽ có chiều hướng tăng lên ổn định trong tương lai do nhận thức về việc bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khoẻ của người tiêu dùng ngày càng được nâng cao.
Bên cạnh sản phẩm ống hút tre, thị trường ống hút thân thiện với môi trường còn có cả dòng ống hút cỏ được làm từ cỏ sậy, cỏ bàng sinh trưởng tự nhiên.
Sản phẩm ống hút cỏ có màu sắc tự nhiên của các loại cây cỏ. |
Huỳnh Văn No - người sáng lập một thương hiệu ống hút cỏ - vốn là một hướng dẫn viên du lịch. 5 năm trong nghề dẫn tour, No được biết ở các quốc gia phát triển, ống hút nhựa dùng một lần không được phép sử dụng. Trong khi đó, theo tính toán của anh, một đoàn khách 30 người ở Việt Nam thải ra môi trường khoảng 300 chai nước nhựa cho mỗi 'tour' dài 5 ngày.
Từ thực tế đó, No đến với ý tưởng sản xuất ống hút cỏ không phải từ góc độ kinh doanh mà từ góc độ một người tha thiết với vấn đề bảo vệ môi trường. Mới bắt tay vào sản xuất ống hút cỏ được 4 tháng, sản lượng sản xuất ở cơ sở của anh mới chỉ đạt con số khiêm tốn, song chất lượng sản phẩm đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn xuất sang Mỹ, châu Âu.
No cũng nhận thấy sản phẩm ống hút cỏ của anh tương đối độc quyền ở thị trường các quốc gia phát triển, bởi vì đặc trưng các cây cỏ bàng, cỏ sậy thường chỉ được trồng nhiều ở các nước Đông Nam Á. Chính vì thế, khách hàng nước ngoài đang rất hào hứng với sản phẩm này.
'Nhược điểm của ống hút cỏ là chỉ sử dụng được 1 lần, nhưng cây cỏ sậy, cỏ bàng có tính tái tạo, sinh trưởng nhanh hơn so với cây tre - khoảng 8-10 tháng so với tre là từ 1,5-2 năm' - No cho biết.
Huỳnh Văn No - người sáng lập một thương hiệu ống hút cỏ. |
Hiện tại, ống hút cỏ thương hiệu Tèo Straw đã được xuất khẩu sang Singapore, Đài Loan, Đức. Doanh thu mỗi tháng của No dao động khoảng 60-70 triệu/ tháng - tương đương khoảng hơn 100 ngàn ống hút. Anh dự kiến sẽ mở rộng và phát triển quy mô lên khoảng 1 triệu ống/ tháng trong thời gian tới.
Là một thành viên tích cực của các tổ chức môi trường, ông chủ của thương hiệu ống hút cỏ cho rằng, đây là thị trường tiềm năng và là một xu hướng cần lan tỏa. Tuy nhiên, do hàm lượng nhân công bỏ ra lớn nên hiện tại giá của ống hút cỏ cao hơn ống hút nhựa khá nhiều. Chính vì thế, thị trường tiềm năng mà anh hướng đến hiện tại là ở nước ngoài và các nhà hàng, khách sạn, resort sang trọng.
Anh hi vọng, khi ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng cao, sản phẩm này sẽ được lựa chọn và phổ biến rộng khắp với cả các khách hàng bình dân.
Cựu binh Mỹ 50 năm vẫn chờ làm đám cưới với người phụ nữ Đồng Nai
Được nhiều người hỏi, tới đây, tình cảm của ông bà sẽ tiến triển ra sao, ông Ken nhìn bạn gái nói: ‘Chỉ cần cô ấy đồng ý, tôi sẽ làm đám cưới’.
Ảnh: Lê Anh Dũng
Thiết kế: Phạm Luyện
Bài: Nguyễn Thảo