Trở lại những ngày tháng căng thẳng nhất ở tâm dịch TP.HCM, ngày 15/8/2021, khi hàng ngàn người dân lao động lũ lượt khăn gói lên xe gắn máy về quê, trong bối cảnh thành phố (TP) đang thực hiện Chỉ thị 16, ‘ai ở đâu ở yên đấy’.
Họ quê ở Nghệ An, Khánh Hoà, Bình Định, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Gia Lai…đi thành hàng dài hướng về cửa ngõ phía Đông thành phố, trên xe máy còn chở theo con cái, đồ đạc. Những người này đã được chính quyền TP Thủ Đức yêu cầu quay xe trở lại nơi cư trú.
Một ngày trước đó, TP.HCM quyết định kéo dài giãn cách xã hội thêm một tháng. Tính tới 15/8, TP đã trải qua hai tháng rưỡi giãn cách theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong số nghìn người bị dừng ở chốt kiểm soát có ông Đỗ Viết Sáu (43 tuổi, quê huyện Đức Linh, Bình Thuận). Ông Sáu kể, làm thợ hồ cho một công trình xây dựng ở quận 3, trong khi ở trọ tại quận Tân Phú. Khi công trình dừng thi công do giãn cách xã hội, người lao động thời vụ như ông cũng bị ngưng việc, không nhận được sự hỗ trợ nào.
Sau 2 tháng giãn cách, số tiền hơn 9 triệu đồng dành dụm từ đầu năm cũng đã hết. Nghe thông tin về gói hỗ trợ đợt 1 và 2 của TP cho người khó khăn, ông lên phường hỏi thì được biết mình không thuộc diện được hỗ trợ, do không có tạm trú tại địa phương, công việc thời vụ không có bảng lương cố định.
“Tiền tích lũy đã hết, nhiều ngày phải ăn mì gói chống đói, đến lúc chỉ còn 600 nghìn đồng trong túi, tôi quyết định về quê”, ông Sáu kể.
Tương tự ông Sáu, nhiều người dân sống trong các khu lao động vùng ven, làm công việc thời vụ, mất việc làm ở lại TP cũng trong cảnh ‘tiến thoái lưỡng nan’ về quê không được, ở lại thì phía trước muôn vàn khó khăn.
Anh Võ Mạnh Thắng (35 tuổi, quê Quảng Trị), trong nhóm trên đường về quê ngày 15/8 cho biết, người dân tìm về một phần do sợ dịch bệnh, phần khác do họ không thể ‘cầm cự’ được bởi hết tiền, lương thực. Người này cho hay, không ai hỗ trợ anh và nhiều người khác ở đây, có viết đơn xin cũng bị ‘bác’ vì không thuộc đối tượng nhận gói hỗ trợ của TP. Cán bộ phường nói ‘cảm thông’ nhưng lắc đầu vì không dám làm trái quy định Nhà nước…
TP.HCM đã triển khai hai gói hỗ với số tiền gần 1.800 tỷ đồng, tính đến cuối tháng 9/2021. Ở đợt 1 - đầu tháng 7, TP chi gói 866 tỷ đồng ưu tiên hỗ trợ những người bị tạm hoãn làm việc, không hưởng lương; hộ kinh doanh phải ngừng hoạt động, người lao động tự do (6 nhóm) có đăng ký tạm trú.
Lực lượng chức năng giải thích cho người dân ở lại thành phố tại chốt kiểm soát ở TP Thủ Đức hôm 15/8. (Ảnh: Linh An) |
Trong đợt 2, triển khai từ 5/8, TP bổ sung thêm gói 900 tỷ đồng hỗ trợ người lao động tự do gặp khó khăn do dịch Covid-19; các hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp khó khăn; các hộ lao động nghèo đang sinh sống tại các nhà trọ, khu lao động động nghèo, khu vực bị phong tỏa.
Trong cả hai đợt này, những lao động tự do, nhiều cái ‘không” - không đăng ký tạm trú, không hợp đồng lao động, không việc làm ổn định, làm bán thời gian nay đây mai đó như ông Sáu, anh Thắng đều không thuộc diện nhận hỗ trợ từ TP. Đối tượng diện này, theo thống kê của Sở LĐ&TBXH TP.HCM cũng phải lên tới hơn 1 triệu người.
Để sống được 2 tháng chỉ với vài triệu đồng tiền tiết kiệm, ông Sáu (người Bình Thuận) nói ở trên đã nhờ cậy vào các cơ sở từ thiện. Mỗi ngày, ông Sáu nhận được 2 phần cơm để sống qua ngày.
Ân nhân của ông Sáu và khu trọ nghèo trên đường Âu Cơ, quận Tân Bình là bà Trương Diễm Lệ, chủ một nhà hàng tại TP Thủ Đức. Khi dịch tới, nhà hàng đóng cửa, bếp ăn tại đây dành 100% công suất ‘tiếp sức” cho người nghèo, lực lượng chống dịch. Hàng ngày khoảng 500 suất ăn được phát đến tay người cần ở nhiều quận, huyện của TP.HCM.
Giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16+ khiến bếp ăn bà Lệ thiếu đủ thứ, từ gạo đến thực phẩm tươi hàng ngày, các mạnh thường quân thường quyên góp cho bếp ăn cũng giảm đi nhiều. Đó là chưa kể một vài thành viên trong nhóm bị nhiễm bệnh phải cách ly điều trị cũng gây khó trong việc duy trì bếp ăn. Dù đã cố gắng, hiện mỗi ngày, bếp ăn chỉ hỗ trợ hơn 100 phần ăn cho người khó khăn.
Anh Trần Ngọc Trường Vinh (nhóm từ thiện Flyheart) chuyên đi phát cơm cho người lang thang vào mỗi tối, sau khi TP siết việc đi lại, nhóm của anh mở 6 bếp ăn, cung cấp mỗi ngày từ 1-2 ngàn phần ăn cho người lang thang và lực lượng y tế tuyến đầu.
Hiện số lượng xin cứu trợ gửi cho nhóm ngày càng tăng. Họ chủ yếu là lao động tự do không chính thức, lãnh lương theo ngày, ráo mồ hôi là hết tiền.
Những người này kiếm ăn từng bữa, không có khoản để dành nên khi dịch ập đến trở thành nhóm yếu thế nhất. Ở khu vực quận 8, quận Bình Tân không hiếm trường hợp thiếu thuốc men điều trị khi mắc Covid-19, cộng với thể chất yếu dẫn đến tử vong.
Ngoài ra, việc giãn cách quá lâu cũng khiến người nghèo lâm cảnh túng quẫn, nhiều người được giúp đỡ nhưng vì không thể đi làm kiếm tiền nên tiếp tục gặp khó khăn.
Còn theo anh Phạm Văn Hạnh (tình nguyện Lửa Xanh), số lượng người xin cứu trợ đến nhóm anh giảm khoảng 70% so với giai đoạn khó khăn nhất. Sự vào cuộc của chính quyền và các mạnh thường quân đã giúp giảm số lượng người cần cứu trợ.
Hiện số lượng hàng hoá, thực phẩm của nhóm anh Hạnh huy động từ mạnh thường quân đang giảm xuống. Trước đây, mỗi ngày có thể huy động được 500-600 phần quà, hiện nay con số chỉ còn khoảng 200-300 phần.
“Mạnh thường quân cũng giảm thu nhập. Họ khó có thể sẵn sàng cứu trợ như trước”, anh Hạnh giải thích.
Nguồn lực cạn dần từ các mạnh thường quân, từ các tổ chức từ thiện tại TP.HCM, trong khi còn quá nhiều trường hợp người dân cần được hỗ trợ, lãnh đạo Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) đã quyết định huy động nguồn từ các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin, quyên góp thần tốc 160 tỷ đồng, mua 533.000 gói thực phẩm, giao cho VN Post và Viettel Post cứu trợ khẩn cấp cho người dân.
Đối tượng thụ hưởng là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chưa tiếp cận được gói hỗ trợ của TP.HCM (gồm lao động tự do, người bán hàng rong, thu gom rác, bốc vác, vận chuyển bằng xe ba gác, bán vé số; người lao động làm thuê thời vụ tại cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch và một số lĩnh vực phải tạm ngừng hoạt động…).
Đoàn cứu trợ đi đến các khu trọ nghèo ở quận 12, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, Hóc Môn… và nhiều quận huyện khác, kịp trao tay những bao gạo, dầu ăn, mắm muối, rau củ cho những người khó khăn với tấm lòng và sự sẻ chia ‘một miếng khi đói bằng một gói khi no’.
Một trong những điểm đến đầu tiên ở TP là hẻm 542 Hồ Học Lãm (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân). Trong dòng người lam lũ xếp hàng nhận thực phẩm, anh Anh Tuấn, người ở dãy trọ cuối hẻm, làm nghề phụ hồ đã nhiều tháng nay phải ở nhà vì công trình xây dựng buộc phải tạm ngưng. Cả gia đình sống bằng số tiền công ít ỏi đang cạn dần của anh...
Còn tại hẻm 162 Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận), chú Hiếu có con trai làm ở khách sạn nhưng nghỉ việc nhiều tháng trước, hai cha con có gì ăn nấy. Gần đó là gia đình chị Nguyễn Thị Thành cùng chồng và 5 người con trai, con dâu sinh sống chật vật. Ba người con trai đi làm nhưng dịch phải nghỉ, chồng chị chạy xe ôm gặp giãn cách nên cũng ở nhà.
Anh Minh Thuận (phường 2, quận Phú Nhuận), một người bán nước ở khu vực bờ kè kênh Nhiêu Lộc cho biết, mấy tháng dịch nên không buôn bán gì được. Anh chưa nhận được khoản hỗ trợ nào của TP, do đó phần thực phẩm được hỗ trợ giúp anh vượt qua được khó khăn trước mắt.
Anh Tuấn (hẻm 542 đường Hồ Học Lãm, quận Bình Tân) nhận quà từ chương trình “Tấm lòng mùa dịch, san sẻ yêu thương” |
Ông Trần Hữu Thiện, Chủ tịch UBND phường 2 (quận Phú Nhuận) thông tin, để nhận hỗ trợ quà từ các doanh nghiệp, người dân không cần phải có giấy thường trú hay tạm trú, miễn có xác nhận của tổ trưởng khu phố và công an về việc thực tế có sinh sống tại địa bàn. Ông dẫn lại chủ trương “không được để dân đói” của nhà nước và chính quyền TP, đồng thời phát biểu: “Dân nào cũng là dân, miễn họ sống trên địa bàn mình thì mình phải chăm”.
Phó chủ tịch UB MTTQ quận Phú Nhuận Trần Thị Lý cho hay phía quận nhận 10.000 phần quà của chương trình “Tấm lòng mùa dịch, san sẻ yêu thương”. Tuy vậy, số lượng người dân gặp khó khăn trên địa bàn còn nhiều, phải tới 16.000-20.000 phần mới đủ. Chính quyền địa phương và các đơn vị phải vận động thêm để hỗ trợ bà con.
Nhận thấy sự cấp bách của người dân, chương trình ban đầu dự kiến kéo dài 1 tháng, tuy nhiên qua thực tế, lãnh đạo Bộ TT&TT đã quyết định rút ngắn cứu trợ trong một tuần, hỗ trợ nhanh nhất những người cần giúp.
Chương trình “Tấm lòng mùa dịch, san sẻ yêu thương” từ đầu đã nhắm đến những người yếu thế chưa được chính quyền hỗ trợ, không có hộ khẩu thường trú hay tạm trú trên địa bàn. Điều này tạo tác động tích cực đến công tác cứu trợ của TP.HCM, thành phố đã mở rộng diện được hỗ trợ, giảm tối đa thủ tục, ưu tiên cứu đói cho người dân.
"Trong lúc khó khăn, không có lý do gì TP không chăm lo cho đời sống người dân. Đó là nghĩa cử và trách nhiệm với bà con. TP đã thực hiện 2 gói hỗ trợ vào tháng 7, tháng 8 vừa qua và đang chuẩn bị phát gói hỗ trợ thứ 3. Trên cơ sở danh sách gói 1, gói 2 và cập nhật bổ sung các hộ khó khăn, hình thành danh sách của gói hỗ trợ thứ 3, bảo đảm những người khó khăn đều được chăm lo" – ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND.TP lý giải về sự thay đổi này.
TP.HCM đã tung ra 2 gói hỗ trợ tính tới 6/9, đang chuẩn bị triển khai gói thứ 3 |
Gói hỗ trợ thứ 3 này, TP sẽ chi hơn 7.300 tỷ đồng cho hơn 7,3 triệu người khó khăn trên địa bàn. Có 4 nhóm đối tượng chính nhận hỗ trợ. Nhóm 1 là thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo; người thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng có hoàn cảnh thật sự khó khăn. Nhóm 2 là người lao động có hoàn cảnh thật sự khó khăn bị mất việc làm, không có thu nhập trong thời gian giãn cách xã hội đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn (bao gồm cả trường hợp người lao động đang cách ly tập trung, đang trị bệnh...).
Nhóm 3 là người phụ thuộc của nhóm 2 gồm: cha, mẹ/vợ, chồng/con đang ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc trong cùng một hộ đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn tại thời điểm khảo sát và lập danh sách (bao gồm cả trường hợp người đang cách ly tập trung, đang trị bệnh...). Nhóm 4 là người lưu trú tạm thời trong các khu nhà trọ, khu lưu trú, khu lao động nghèo, xóm nghèo, có hoàn cảnh thật sự khó khăn; những người do giãn cách xã hội tình cờ đến nhưng không đi được, tạm thời lưu trú nhưng không báo cáo, đang gặp khó khăn.
Nguyên tắc của gói hỗ trợ thứ 3 là chi đúng, chi đủ; lập danh sách không bỏ sót, không trùng lắp; không phân biệt tạm trú, thường trú hay lưu trú.
Chuẩn bị cho gói hỗ trợ này, trước đó một tháng (ngày 25/8), TP.HCM đã ban hành quyết định 2876 nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch. Trong đó, điều chỉnh tên gọi cụm từ "hộ lao động nghèo" thành "hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19" để mở rộng đối tượng hỗ trợ.
Như vậy từ chỗ chỉ nhắm đến hộ nghèo, cận nghèo như trước, TP đã mở rộng hỗ trợ sang nhiều ngành nghề khác có ảnh hưởng bởi Covid-19. Ví dụ, một công nhân lương 5 - 6 triệu đồng nhưng hiện nay mất việc, hay một người mở tiệm sửa xe do dịch không sửa được nữa, hoặc người có căn hộ cho thuê nhưng do dịch không ai thuê, không có thu nhập thì được tính là lao động gặp khó khăn do Covid-19.
Các gói thực phẩm được doanh nghiệp thông tin truyền thông chuyển đến người dân TP.HCM |
Trường hợp chị Lê Chín, thời điểm trước dịch, chị và con trai sống vừa đủ trong căn phòng trọ 3,5 triệu đồng/tháng ở ngay quận 3. Tuy nhiên, khi thành phố giãn cách, không thể đi giúp việc theo giờ như trước, các khoản tiết kiệm không nhiều, gia đình neo đơn của chị gặp khó khăn. Sau khi gọi lên tổng đài 1022 trình bày, vào đầu tháng 9 chị đã được nhận gói hỗ trợ 1,5 triệu của TP. Điều này cho thấy TP đã mở rộng hỗ trợ ra rất nhiều ngành nghề, hoàn cảnh sống khác nhau.
Thực tế, ngoài tiến hành gói hỗ trợ thứ 3, mở rộng đối tượng trong việc chăm lo nhóm người nghèo, những trường hợp bỏ TP về quê ngày 15/8 cũng được thành phố tạo điều kiện để ổn định cuộc sống.
Ông Đỗ Viết Sáu, người dự định bỏ TP về Bình Thuận ngày 15/8 trước đây, giờ cũng đã tạm sống được qua ngày sau khi được UBND phường Long Bình giới thiệu việc làm bảo vệ cho một cơ sở sản xuất trên địa bàn.
“Cuộc sống của tôi hiện tại đã ổn định. Tôi cảm thấy rất ấm lòng và biết chính quyền phường Long Bình, TP Thủ Đức đã hỗ trợ cho tôi. Vui nhất là tôi được TP xếp vào nhóm hỗ trợ đợt 3 tới đây, do trước giờ tôi là dân tạm trú…”, ông Sáu tâm sự.
Hiện TP.HCM đang triển khai gói hỗ trợ thứ 3 cho người dân. Nhìn nhận quá trình hỗ trợ này, ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, lần này việc hỗ trợ cần thực hiện đúng, đến với những người thật sự khó khăn, không bỏ sót một ai.
Theo Bí thư Thành ủy, TP có gói đầu tiên hỗ trợ từng người thì dễ, nhưng đổi sang hỗ trợ theo hộ trong đợt tiếp theo nên có khó khăn, vướng mắc. Các quy định trước đây chưa lường trước được những khó khăn ấy nên tạo sự lúng túng.
Việc doanh nghiệp công nghệ đầu tư gói 160 tỷ đồng đúng đối tượng cần giúp cũng là bài học để TP.HCM soi chiếu khi triển khai các gói hỗ trợ, nhất là đợt 3 tới đây. Đảm bảo mục tiêu phủ kín đối tượng cần giúp, những người khó khăn thực sự trong đại dịch Covid.
"Đối với gói hỗ trợ thứ 3, TP đã tính toán kỹ hơn, hỗ trợ theo người dân. Nếu hỗ trợ theo hộ, có hộ nhiều người, hộ ít người mà cùng một mức hỗ trợ, thành phố thấy sự chăm lo đấy chưa tròn nên cần bổ sung, điều chỉnh lại", ông Nguyễn Văn Nên phân tích.
Lãnh đạo TP.HCM cam kết gói hỗ trợ lần 3 sẽ đến với người dân thật sự khó khăn, không bỏ sót một ai |
Bài học từ triển khai gói hỗ trợ thứ 3 của TP cũng là ví dụ cho thấy sự chuyển hướng từ đầu tư công (với nguồn lực có hạn) sang huy động đầu tư tư (vận động được nguồn lực xã hội, doanh nghiệp, người dân) ‘vào cuộc’ chống dịch cùng TP.
Điển hình cuối tháng 8/2021 vừa qua, TP.HCM tiếp nhận mua 5 triệu liều vắc xin Vero Cell (Trung Quốc), do một tập đoàn tư nhân tài trợ thông qua một công ty nhập khẩu được Bộ y tế cho phép.
Trong lúc nguồn vắc xin trong và ngoài nước đang khan hiếm, việc tiếp nhận số lượng lớn vắc xin này là rất quý giá. Ngay sau đó TP.HCM đã tổ chức tiêm chủng hơn 1 triệu liều vắc xin cho người dân TP.
Chưa kể, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, UBND TP.HCM còn đề nghị Bộ Y tế cho phép TP được san sẻ số vắc xin này cho một số tình thành có nhu cầu để phục vụ nhân dân kịp thời.
Để huy động được số lớn vắc xin này, trước đó TP.HCM đã có đề xuất Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế cho phép các doanh nghiệp trên địa bàn TP được chủ động đàm phán tìm nguồn vắc xin từ các nhà sản xuất, phân phối có uy tín trên thế giới, được nhập khẩu hoặc thuê các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu vắc xin để nhập khẩu vắc xin phòng Covid-19 về Việt Nam.
Đích thân Phó chủ tịch UBND Dương Anh Đức đã ký công văn giới thiệu cho doanh nghiệp đi đàm phán việc mua vắc xin với các tập đoàn nước ngoài. TP cũng cam kết sẽ hỗ trợ các thủ tục để nhập khẩu vắc xin một cách nhanh nhất.
Sau động thái vận động nguồn lực doanh nghiệp đã cho ra kết quả ngoài mong đợi. Cuối tháng 8, hơn 1 triệu liều vắc xin được nhập về, trong khi nguồn kinh phí mua vắc xin, nhà tài trợ hỗ trợ đàm phán giá, tài trợ toàn bộ kinh phí và không có bất cứ đề xuất nào kèm theo.
Ngoại việc huy động ‘xã hội hóa’ việc mua vắc xin, TP cũng lên tiếng vận động nguồn lực từ doanh nghiệp, xã hội trong việc chăm lo các gói an sinh cho người nghèo, khó khăn bởi dịch Covid.
Ngay sau lời phát động của UBND TP.HCM và Mặt trận Tổ quốc, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã tham gia đóng góp tặng quà, suất ăn cho người nghèo, người khó khăn do giãn cách.
Điển hình là Tập đoàn Hưng Thịnh đã hỗ trợ 10 tỷ đồng, đồng hành cùng chương trình "Vòng Tay Việt - Sài Gòn" trao một triệu suất ăn cho người nghèo tại TP.HCM trong hơn 4.000 khu phong tỏa.
Ngày 18/8, để tiếp sức với chính quyền TP chống dịch, tập đoàn NovaGroup đã thành lập chuỗi siêu thị 0 đồng, tặng 200.000 phần quà đến các vùng bị phong tỏa, những nơi có nhiều hộ dân gặp khó khăn trên địa bàn.
Tập đoàn Kim Oanh thông qua đối tác đã nhập khẩu 35.000 liều thuốc đặc trị Covid-19 từ Ấn Độ, sau đó trực tiếp các bệnh viện trên địa bàn TP phát thuốc, hỗ trợ các F0 sớm bình phục…
Ngoài vận động các nguồn lực từ doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ lương thực thực phẩm vắc xin cho người dân. Lãnh đạo TP.HCM mới đây cũng lên tiếng huy động nguồn lực doanh nghiệp, xã hội vào chăm lo cho 1.500 trường hợp trẻ em mồ côi do cha mẹ mất vì Covid trên địa bàn.
Đến ngày 20/8 có rất nhiều cá nhân, tập thể quan tâm, chia sẻ và đóng góp khi có thông tin về số lượng các em bị mồ côi cha, mẹ do mắc Covid-19.
“Chính sách của TP là đa dạng, phát huy vai trò của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cùng các cơ quan chức năng của TP bàn bạc để sự giúp đỡ được triển khai thực sự bài bản, hiệu quả, có ý nghĩa lâu dài và giúp được cho các em. Chính quyền TP trân trọng sự đóng góp của các cá nhân, đơn vị” – Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi nói.
Chống dịch còn là chống kiệt quệ
Là người trực tiếp trao những phần gạo nhỏ bé cho bà con TP.HCM từ những ngày đầu tháng 6, đến bây giờ tham gia hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại nhà, tôi cảm thấy mình cần chia sẻ vài điều.
Nhóm phóng viên