Một ngày đầu hè 2019, cầm trên tay tờ kết quả xét nghiệm của hạt gạo hữu cơ được trồng trên cánh đồng Quảng Trị, PGS Trần Đăng Xuân - Trưởng phòng thí nghiệm Sinh lý thực vật và hóa sinh (Đại học Hirosima, Nhật Bản) không khỏi ngỡ ngàng.
Trước đó 1 tháng, khi nhận được túi gạo của công ty Đại Nam liên kết với người nông dân ở Quảng Trị để làm chuỗi lúa gạo hữu cơ cùng lời đề nghị làm xét nghiệm xem loại gạo này có đạt tiêu chuẩn sạch không, vị PGS nghĩ Quảng Trị vốn là vùng đất còn nhiều tàn dư của chiến tranh, chưa kể bao nhiêu năm nay trong quá trình canh tác người nông dân đã sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, phân hoá học. Trong khi, canh tác hữu cơ đòi hỏi khắt khe từ giống, đất, nước làm sao mà vùng đất đó có thể tạo ra được thứ "hạt ngọc" quý như vậy.
Ông thật sự sửng sốt khi có kết quả phân tích. Cánh đồng chết ở vùng đất từng nhiễm rất nặng chất độc dioxin trong cuộc chiến tranh trước đó đã hồi sinh như một kỳ tích. Những hạt gạo hữu cơ được tạo ra từ cánh đồng này không những sạch mà còn siêu sạch, đạt cả 545 chỉ tiêu về chất lượng.
Không những vậy, hai hợp chất Momilactone A và Momilactone B (MA và MB) được tìm thấy trong hạt gạo có tác dụng chống tiểu đường, béo phì, gút được tìm thấy trong gạo hữu cơ Quảng Trị.
“Nhiều hoạt tính quý của 2 hợp chất này đang được chúng tôi tiếp tục nghiên cứu và đã đăng trên nhiều tạp chí sinh học quốc tế. Chúng tôi cũng phát hiện sự có mặt của 2 hợp chất này trên gạo ở Quảng trị”. Ông Xuân tiết lộ, hai hợp chất có trong gạo hữu cơ Quảng Trị này còn quý và đắt hơn vàng gấp 30.000 lần.
Việc ăn một lượng gạo nhất định hàng ngày có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh trên. Kết luận này thay đổi quan niệm thông thường rằng ăn gạo làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Theo ông Xuân, các hợp chất trên cũng đã được phát hiện trên gạo Nhật Bản nhưng gạo hữu cơ Quảng Trị có hàm lượng cao hơn hẳn. Ông cho rằng, hàm lượng trên các giống gạo khác nhau tùy thuộc vào quá trình chăm sóc và giống. Việc nghiên cứu lai tạo cũng như phát triển phương pháp canh tác tạo nên các giống gạo có hàm lượng MA và MB cao sẽ tạo nên giá trị cao hơn cho lúa gạo Việt Nam.
Dựa trên kết quả phân tích, PGS Xuân nói rằng gạo rất sạch. Theo ông, Việt Nam nên khuyến khích phát triển mô hình này để tạo nên các sản phẩm lúa gạo có giá trị cao cho bà con nông dân cũng như đẩy mạnh vị thế lúa gạo của Việt Nam trên thế giới.
Nhìn những cánh đồng lúa bạt ngàn, cầm trên tay nắm gạo hữu cơ mới vừa thu hoạch… PGS Trần Đăng Xuân đã nhận ra điều mình tìm kiếm lâu nay - những loại nông sản “quốc bảo” - niềm tự hào của người Việt là đây.
Là “cha đẻ” của mô hình chuỗi sản xuất lúa gạo hữu cơ Quảng Trị, ông Trần Ngọc Nam - Tổng giám đốc công ty TNHH Sản xuất và thương mại Đại Nam cảm nhận rằng trên tinh thần của một nền văn minh lúa nước người Việt, ông đã làm xong sứ mệnh trả lại cho đất nước những kỳ tích trên lĩnh vực nông nghiệp.
Theo TS Đàm Duy Thiên, thành viên tổ nghiên cứu khoa học của công ty, điều đó cũng khẳng định người Việt Nam có công nghệ khác với thế giới: Người Việt không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng bất cứ phân bón hóa học nào nhưng vẫn đảm bảo năng suất cao, chất lượng gạo đạt đẳng cấp quốc tế.
“Chúng ta thấy con cá, đàn cò đã về lại với người nông dân, con đỉa phải đi theo chân người nông dân, hệ sinh thái đã về với Quảng Trị”, ông Trần Ngọc Nam nói.
Dẫn chúng đi thăm cánh đồng lúa hữu cơ chuẩn bị cho thu hoạch, ông Trần Ngọc Nam tâm sự, ngày ông Nam mới quyết định về Quảng Trị liên kết với nông dân làm chuỗi sản xuất lúa gạo hữu cơ, bạn bè đều ngăn cản và nói ở cánh đồng chết ấy, ở nơi đất đai bạc màu ấy làm gạo sạch còn khó huống chi là gạo hữu cơ. Đến nay, sau 5 vụ lúa hữu cơ thành công liên tiếp, năng suất vụ sau cao hơn vụ trước, thu nhập người dân tăng lên đáng kể.
Ông và người nông dân Quảng Trị đã chứng minh được rằng không điều gì là không thể làm nếu đã quyết tâm cũng như hướng đi đúng, hợp với xu thế thị trường.
Ông Nam kể, cách đây vài năm, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị tới nhà máy của ông ở Bà Rịa Vũng Tàu tham quan và ngỏ ý mời ông về tỉnh làm lúa gạo hữu cơ.
Khi ấy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng có tâm sự, xu thế hiện nay, sản phẩm nông sản làm ra phải thân thiện với môi trường, phải đảm bảo quyền của người tiêu dùng, sức khỏe cho cộng đồng. Thế nên, chuyển đổi mô hình sang làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch là bắt buộc, không còn con đường lựa chọn nào khác.
Các lãnh đạo tỉnh khi ấy cũng muốn làm gạo hữu cơ vừa là để chính người nông dân và người tiêu dùng được ăn hạt gạo có chất lượng tốt nhất, vừa để cải thiện môi trường đang bị ô nhiễm, cứu những cánh đồng đang chết mòn, muốn người nông dân quay lại canh tác ở những thửa ruộng của mình chứ không còn bỏ hoang cho cỏ dại mọc um tùm để đi tha phương cầu thực.
Thế nhưng, không giống như các tỉnh khác có đất đai màu mỡ, phì nhiêu, Quảng Trị là vùng đất nghèo về nông nghiệp khi đất đai đều cằn cỗi bạc màu, ruộng manh mún nhỏ lẻ, khí hậu khắc nghiệt…
Chưa kể, nơi đây còn trải qua thời kỳ chiến tranh dài, còn nhiều tàn dư để lại trên đất. Nông dân mấy chục năm canh tác đều chung tình trạng sử dụng phân hoá học, thuốc trừ sâu vô tội vạ. “Những cánh đồng ở Quảng Trị gần như là cánh đồng chết. Cơ hội làm lúa hữu cơ gần như là con số 0 tròn trĩnh”, ông Nam nói.
Ông Nam cho biết, trước khi bắt tay vào làm chuỗi lúa gạo hữu cơ, khi chia sẻ với những người bạn làm khoa học ở Mỹ, họ cũng nói với ông rằng không thể thành công, khuyên đừng làm. Họ cho rằng, trên cánh đồng chết ấy làm ra gạo sạch còn khó huống chi là gạo hữu cơ.
Chính ông cũng hoài nghi về kế hoạch này. Ông đã liên kết với nông dân ở nhiều tỉnh thành để làm các mô hình sản xuất hữu cơ như cà phê hữu cơ, hồ tiêu hữu cơ, các loại cây ăn quả… Song, chưa nơi nào lại có những điều kiện bất lợi như ở Quảng Trị.
“Sau một thời gian đấu tranh tư tưởng, tôi muốn thử làm gì đó để thay đổi vùng đất này. Tôi gật đầu, đem công nghệ mình nghiên cứu suốt mấy chục năm qua về Quảng Trị để giúp người nông dân nơi đây thay đổi cuộc sống nghèo khó của họ”, ông Nam tâm sự.
Sống ở thế kỷ 21 nhưng lại vận động người nông dân quay lại trồng lúa như thời kỳ ông bà xưa là chuyện không dễ dàng.
Những năm gần đây, ở các vựa lúa lớn trên cả nước, người nông dân thi nhau bỏ lúa để trồng các loại cây ăn quả. Bởi, trồng lúa mất mùa thì lỗ nặng, được mùa cũng chỉ gọi là lấy công làm lãi, không thể cho thu nhập hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng như những cây trồng khác.
“Thuyết phục được DN đã khó, thuyết phục được người nông dân còn khó hơn gấp nhiều lần. Cán bộ khuyến nông, các giám đốc HTX cùng DN đã mất rất nhiều công sức để vận động người dân tham gia”, ông Hà Sỹ Đồng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị chia sẻ.
Nhìn cánh đồng lúa xanh tốt được trồng theo phương thức hữu cơ, ông Trần Văn Hải - Giám đốc HTX Đức Xá ở xã Vĩnh Thuỷ (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) khoe rằng đây đã là vụ thứ 6 bà con nông dân làm lúa hữu cơ. 5 vụ trước đều thành công hơn mong đợi, lúa năng suất cao, giá thu mua ổn định, thu hoạch xong bà con được lời lớn.
“Giờ nghe đến làm lúa hữu cơ bà con khoái lắm, xung phong làm, đăng ký làm nhiều hơn. Chứ trước kia bảo làm là ai cũng lắc đầu”. Ông Hải nhớ lại, hồi mới nghe đến mô hình “lúa hữu cơ”, những người đầu đã hai thứ tóc như ông còn chẳng hiểu gì, hoang mang vô cùng. Các xã viên trong HTX của ông cũng vậy.
Tất cả họ từ trước đến nay đều quen trồng lúa đến kỳ thì phải bón phân hoá học, phun thuốc trừ cỏ, trừ sâu vài lần mà nhiều khi còn bị mất mùa, thậm chí có năm mất trắng. Giờ bảo làm lúa mà không phun thuốc, nhất cử nhất động phải theo DN, chuyên gia nông nghiệp hướng dẫn, vậy mất mùa, dân đói thì phải làm sao, ai chịu trách nhiệm?
Song, sau khi làm việc với chính quyền cấp tỉnh, huyện và DN liên kết trực tiếp cùng nông dân, ông Hải bắt đầu về HTX mình vận động xã viên tham gia.
Các buổi họp được tổ chức để phân tích cho dân hiểu về quy trình, tiêu chuẩn trồng lúa hữu cơ, về lợi ích làm lúa hữu cơ, chuyện DN ký cam kết thu mua với giá 8.000 đồng/kg, chuyện được bảo hiểm năng suất lúa tối thiểu… Một số hộ dân đồng ý làm thử sau vài lần vận động, song nhiều người nhất quyết từ chối.
Trả lời được câu hỏi mất mùa thì doanh nghiệp sẽ là người chịu trách nhiệm đền bù năng suất, nhiều hộ nông dân đồng ý chuyển đổi, nhưng có những hộ nhất quyết không tham gia vì vẫn nghi ngại nên cả cánh đồng đành lỡ nhịp với chuỗi liên kết.
Ông Hải kể, làm lúa hữu cơ có những nguyên tắc rất khắt khe. Trên cùng cánh đồng, các hộ dân tham gia đều phải tuân thủ tuyệt đối những nguyên tắc đó. Theo ông, làm lúa hữu cơ thì phải tâm huyết, phải quyết chí, không nên ép buộc. Nếu bị ép, trong quá trình trồng và chăm sóc, chỉ cần một bước làm sai, làm ẩu của một hộ là hỏng cả cánh đồng.
Ở HTX Đức Xá này có 5 tổ đội tương ứng với 5 cánh đồng. Sau suốt 2 tháng trời đi vận động, các xã viên ở 4 tổ đội đã đồng ý. Duy nhất tổ đội thứ 5, do 2 hộ dân nhất quyết không làm, gần 20 xã viên khác đành chịu thua.
Nhấp ngụm nước chè xanh, ông Hải bấm đốt ngón tay: “Vụ đầu tiên làm thử nghiệm chỉ 11ha. Thấy thành công nên vụ thứ 2 tăng lên 20ha, vụ 3 tăng lên 33 ha”. Năng suất khá cao, như nhà ông cấy 0,8ha, sau thu hoạch ông lãi hơn 40 triệu đồng/2 vụ. Có nhà lãi được gần 100 triệu đồng.
Sau 3 vụ thành công, 2 hộ gia đình trước kia từ chối cuối cùng cũng xin gia nhập. Cánh đồng đó giờ đã thành cánh đồng lúa hữu cơ đi đầu trong tỉnh.
Đại diện DN sản xuất lúa hữu cơ ở Quảng Trị cũng chia sẻ, để người nông dân tham gia mô hình, vụ đầu tiên đơn vị chấp nhận cung cấp miễn phí phân bón, cam kết bảo hiểm năng suất tối thiểu, mua đúng giá đã ký kết. Rồi tuần vài lần, cùng xuống đồng với bà con, chỗ nào không hiểu, hay có sự cố gì đều có chuyên gia nông nghiệp của tỉnh và DN trực tiếp hỗ trợ. Đến vụ thứ 2 và thứ 3, dù không còn miễn phí song DN vẫn hỗ trợ hộ dân 60% tiền phí phân bón hữu cơ vi sinh.
Đến nay, diện tích lúa hữu cơ ở Quảng Trị đã tăng lên 158,224ha. Mô hình trồng lúa hữu cơ được triển khai ở 11 HTX thuộc 5 huyện và thành phố.
Năng suất lúa vụ sau cao hơn vụ trước, cua cá xuất hiện dày đặc dưới ruộng, đàn cò biệt tích mấy chục năm nay lại rập rờn trên thảm lúa xanh ngắt. Những cánh đồng chết nay đã được hồi sinh, người nông dân thu lãi 40 triệu/ha lúa, bắt cá đồng bán thu thêm hàng triệu đồng.
Những năm trước, đi dọc những cánh đồng ở Quảng Trị sẽ thấy vỏ thuốc sâu được vứt la liệt trên bờ ruộng, dưới kênh mương. Khối lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên cây trồng ở địa phương này ước tính 70 tấn/năm. Theo đó, có khoảng 7 tấn bao gói thuốc bảo vệ thực vật được thải ra trên đồng ruộng. Nhiều đất đai bị thoái hoá bạc màu vì sử dụng phân hoá học quá liều lượng.
Song, khoảng 3 năm trở lại đây, mọi thứ đã thay đổi từ khi người nông dân làm lúa hữu cơ. Vỏ thuốc bảo vệ thực vật đã không còn trên cánh đồng, đất đai ngày càng phì nhiêu vì được bón bằng phân hữu cơ vi sinh. Những khóm lúa trĩu bông, dưới chân cá tung tăng bơi lội.
Dẫn đoàn nông dân gần 100 người ra thăm cánh đồng lúa đang chín vàng chuẩn bị thu hoạch, ông Hồng Phương - Chủ nhiệm HTX trồng lúa hữu cơ Long Hưng, huyện Hải Long cầm chiếc loa trên tay vừa đi vừa nói: “Vụ này lại thắng lớn, lúa ở ruộng bông sai trĩu, vụ sau hơn vụ trước”.
Ông tự hào: Mấy năm nay ra đồng mới cảm thấy được bầu không khí trong lành do không còn mùi thuốc trừ sâu. Sức khoẻ của người nông dân cũng được cải thiện.
Môi trường sạch, cá đồng cũng sinh sôi. Trước kia, ra đồng làm gì thấy có tôm dưới ruộng, thậm chí sống dai như đỉa còn chết vì thuốc sâu. Giờ thì vạch dưới chân ruộng ra bắt nửa tiếng là có bữa cá tươi cho gia đình.
“Mấy hôm trước, các hộ ở ruộng thấp còn bắt được gần tạ cá đồng các loại. Không ăn hết còn đem bán, đem cho”, ông khoe.
Ông Võ Văn Hưng, Bí thư Thành ủy Đông Hà, nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT chia sẻ, từ khi làm lúa hữu cơ, cá đồng nhiều, mỗi vụ người nông dân đều có ngày hội bắt cá đồng, điều mà trước đây chưa từng có.
“Liên kết với DN làm lúa hữu cơ thì vụ nào cũng chắc thắng bởi DN họ bảo hiểm năng suất cho mình, nếu lúc thu hoạch không đạt năng suất tối thiểu thì họ sẽ đền bù. Tính ra kiểu gì cũng có lãi”, ông Cao Đình Lập, một xã viên tham gia mô hình làm lúa hữu cơ tại xã Vĩnh Thuỷ (huyện Vĩnh Linh) kể.
Thực tế, sau 5 vụ thu hoạch, chưa vụ nào gia đình ông bị mất mùa, các vụ sau cho năng suất luôn cao hơn vụ trước bởi càng làm càng có nhiều kinh nghiệm. Hai vụ đầu tiên cấy chỉ 1,3 mẫu, sau khi thu hoạch, trừ tiền phân, giống, ông lãi khoảng 40 triệu đồng. Vụ vừa rồi ông cấy 3 mẫu, lãi gần 100 triệu đồng.
“Trước kia làm ruộng chỉ mong đủ ăn chứ chưa bao giờ tôi nghĩ lại có ngày được lãi nhiều như bây giờ”, ông Lập khoe.
Ông cho biết thêm, trồng lúa hữu cơ nhàn, giống, phân hữu cơ do DN cung cấp, lúc nào bón phân có DN nhắc. Đến lúc thu hoạch, họ mua lúa ngay tại ruộng. Cân lúa xong họ đếm tiền trả ngay, bà con nông dân ai cũng thích.
Giám đốc HTX Đại An Khê ở xã Hải Thượng (huyện Hải Lăng) Nguyễn Trung Trực cũng thừa nhận, từ khi làm lúa hữu cơ, thu nhập của bà con xã viên luôn ổn định. Cứ cấy 1ha lúa ,người dân lãi vài chục triệu đồng, nhà nào càng cấy nhiều lãi càng lớn.
Theo ông Võ Văn Hưng, trước đây điểm nghẽn trong sản xuất nông nghiệp chính là đầu ra cho sản phẩm. Vấn đề này diễn ra trên cả nước chứ không chỉ riêng ở Quảng Trị. Nhưng bây giờ DN vào liên doanh liên kết cùng người nông dân tổ chức lại sản xuất lúa hữu cơ, họ bao tiêu sản phẩm ngay tại ruộng, đem lại giá trị cao cho bà con nông dân. Cái nhìn thấy được rõ nhất khi sản xuất lúa hữu cơ là đem lại giá trị bảo vệ sức khoẻ cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng nhờ quy trình canh tác nói không với thuốc bảo vệ thực vật.
Sau 3 năm chuyển đổi, từ cánh đồng chết, người nông dân và DN đã tạo ra thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị, sản phẩm lan tỏa khắp Bắc - Trung - Nam, đi nhiều hội chợ quốc tế và tiến tới xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản.
Cuối tháng 6 năm 2019, sau chuyến đi thực tế tại cánh đồng lúa hữu cơ, trong bữa trưa ăn cùng người nông dân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng chỉ vào món cá: “Cá bắt từ ruộng lúa hữu cơ đấy. Ăn thơm ngon, chắc thịt”. Ông lấy tay nắm một nắm cơm thật chặt chìa ra cho mọi người khoe cơm từ gạo hữu cơ ăn dẻo, nắm bằng tay không bị dính, để qua 2-3 ngày giữa thời tiết nắng nóng cũng không sợ thiu.
Ông Đồng cho biết, Quảng Trị là một tỉnh nông nghiệp 70%. Trước năm 2017, tỉnh còn nghèo, thu nhập rất thấp. Trong khi đó, xu thế hiện nay, nông sản làm ra phải thân thiện với môi trường, phải đảm bảo quyền của người tiêu dùng, sức khỏe cho cộng đồng, thế nên, chuyển đổi sang làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch là bắt buộc, không còn lựa chọn nào khác.
Bên cạnh đó, phía tỉnh đã bàn với DN xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị nhằm giúp địa phương tạo ra giá trị riêng.
Trải qua 5 vụ, đến nay có thể khẳng định trồng lúa hữu cơ ở đây rất thành công. Cuộc sống của người nông dân dần thay đổi, thu nhập ổn định. Sản phẩm gạo hữu cơ Quảng Trị xuất hiện tại quầy kệ siêu thị khắp Bắc - Trung - Nam. Tiến tới DN còn đang đàm phán để xuất khẩu gạo sang Mỹ, Nhật Bản.
PGS Trần Đăng Xuân - người đem gạo hữu cơ xét nghiệm bên Nhật Bản, khẳng định: “Những hạt gạo hữu cơ được tạo ra từ cánh đồng này không những sạch mà còn siêu sạch, đạt cả 545 chỉ tiêu về chất lượng, phân tích và định lượng sử dụng đầu dò phổ lỏng LC-MS cực nhạy”.
Nghe tin gạo hữu cơ Quảng Trị đạt cả 545 chỉ tiêu về chất lượng, trong đó có 2 hợp chất quý và đắt hơn vàng, ông Hà Sỹ Đồng không tin vào tai mình.
“Tôi lập tức gọi điện cho PGS Trần Đăng Xuân để xác nhận lại một lần nữa”, ông Đồng kể. Khi làm chuỗi liên kết, ông nghĩ sẽ chỉ làm được gạo sạch chứ gạo hữu cơ thì hơi khó nên khá lo lắng. Chẳng ai có thể ngờ rằng cánh đồng chết lại hồi sinh và tạo ra kỳ tích như vậy.
Làm gạo hữu cơ đã thành công, nhưng không dừng lại ở sản phẩm gạo đơn thuần, ông Đồng tiết lộ, sắp tới diện tích lúa hữu cơ sản xuất theo chuỗi sẽ tăng lên khoảng 10.000 ha. Khi ấy, không chỉ có gạo mà từ gạo sẽ làm ra nhiều sản phẩm khác, đem lại giá trị cao hơn.
Để thực hiện kế hoạch này, đầu tháng 7, DN tham gia chuỗi liên kết đã khởi công nhà máy chế biến nông sản hữu cơ tại Quảng Trị.
Toàn bộ nhà máy có vốn đầu tư lên tới 100 tỷ đồng này sau khi hoàn thành sẽ là một khu phức hợp các công trình chế biến nông sản hữu cơ như: gạo, cà phê, lạc, ngô… được khép kín từ khâu gieo trồng và thu hoạch đến khâu chế biến, đóng gói, thu hồi phụ phẩm.
Ông Trần Ngọc Nam, Tổng giám đốc công ty Đại Nam cho biết, nếu chỉ đơn thuần trồng lúa lấy gạo thì người nông dân sẽ dừng ở mức đủ ăn, có thể dư giả nhưng khó làm giàu. Nhưng nếu đưa gạo hữu cơ chế biến ra các sản phẩm khác thì giá trị từ hạt gạo sẽ tăng lên gấp nhiều con số hiện tại, giá thu mua lúa từ đó cũng sẽ tăng lên. Thị trường cũng sẽ được mở rộng, bớt áp lực khi chỉ bó hẹp ở mảng gạo.
Các phụ phẩm từ trồng lúa cũng có thể đưa vào sản xuất như cám gạo có thể dùng để chăn nuôi gà, lợn, vịt hữu cơ, rơm rạ để chăn nuôi bò. Tinh bột cám gạo được dùng để dưỡng da an toàn, hiệu quả. Tận dụng được hết những thứ này, nông dân có thể làm giàu từ cánh đồng hữu cơ của mình.
“Ra đồng có thể thấy được nụ cười của người nông dân. Tôi hy vọng vài năm tới nông dân Quảng Trị sẽ thật sự đổi đời, thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị sẽ không chỉ xuất hiện trong nước mà còn cả trên thế giới”, ông Hà Sỹ Đồng chia sẻ.
Đúng như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng chia sẻ trong một hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp đã đến lúc chuyển tư duy an ninh lương thực sang an ninh dinh dưỡng "Nghĩa là cả lương thực, thực phẩm, vitamin, nếu làm gạo thì gạo đó là gạo dược liệu, gạo vitamin chứ không phải gạo có nhiều gluco. Phải tạo cơ hội cho nông dân có sự lựa chọn sát hơn với thị trường, không thể sản xuất cái anh có mà sản xuất cái mà xã hội, kể cả trong nước và nước ngoài đang cần".
Hiện nay, chuỗi lúa gạo hữu cơ Quảng Trị cũng trở thành mô hình thực tế để nhiều tỉnh thành đến tham quan, học hỏi.
Bảo Phương - Thành Nam