Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh Nam Định chỉ đạo các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, làm cơ sở thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu; tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trong đó, mục tiêu cụ thể là tỷ lệ hộ nghèo duy trì mức giảm hàng năm từ 0,05 - 0,1%; đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,5% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025).
Ngay sau khi kế hoạch Thực hiện Tiểu dự án Giảm nghèo về thông tin năm 2023 thuộc Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025 được Sở Thông tin & Truyền thông ban hành vào tháng 5/ 2023, các huyện thị đã bắt tay tổ chức sản xuất, phát sóng các tác phẩm phát thanh trên hệ thống thông tin cơ sở.
Nội dung của các tác phẩm tập trung phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội; các chủ trương, chính sách giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo thông tin.
Thông tin về kiến thức, kỹ năng, mô hình, dựa án giảm nghèo, giới thiệu một số mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, hướng dẫn kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh…, nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho người nghèo.
Thông tin về các dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm, giáo dục nghề nghiệp, xuất khẩu lao động; các chính sách đảm bảo về y tế, giáo dục, nhà nở, nước sạch, vệ sinh môi trường, thông tin; trợ giúp pháp lý; trợ giúp xã hội và bình đẳng giới.
Tuyên truyền, hướng dẫn người nghèo, hội nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo.
Truyền thông về các tấm gương điển hình; những sáng kiến hay, mô hình giảm nghèo tiêu biểu nhằm tạo sự lan tỏa trong xã hội.
Đến nay đã có hơn 40 tác phẩm được phát trên báo, đài truyền hình tỉnh, một loạt các bản tin được phát trên đài truyền thanh các huyện.
Tại Diễn đàn quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ nhất vừa diễn ra tại Nam Định, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị nhấn mạnh, khẳng định: "Diễn đàn quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ nhất với chủ đề “Mang nền tảng số đến hộ gia đình” đã thể hiện tầm nhìn, định hướng chiến lược trong phát triển kinh tế số và xã hội số hướng đến tiện ích của từng người dân, từng hộ gia đình.
Định hướng chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các xu hướng phát triển kinh tế số gắn với phát triển thương mại điện tử nông thôn, phổ cập chữ ký số và các công nghệ tài chính số, dữ liệu số trong tiến trình chuyển đổi số, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; xây dựng nền tảng khoa học đổi mới sáng tạo; thúc đẩy công nghệ số; hoàn thiện nền cơ sở dữ liệu số; đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng hệ sinh thái công dân số".
Theo báo cáo thường niên kinh tế số Việt Nam 2022, Nam Định đứng thứ 16 cả nước về tỷ trọng kinh tế số trên GRDP, đạt 12%. Tỉnh đang tập trung thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số giai đoạn 2022-2025 với quan điểm coi kinh tế số là trọng tâm của chuyển đổi số, tạo ra sự phát triển của nền kinh tế; trong đó mỗi ngành phải xác định được nền tảng số để triển khai và giúp doanh nghiệp phát triển.
Tỉnh tạo cơ chế để kinh tế số phát triển; thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số tại các doanh nghiệp thông qua hàng loạt các chính sách thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số đầu tư phát triển tại địa phương; ưu tiên trên các lĩnh vực thương mại điện tử, nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, tài nguyên và môi trường, tài chính; đồng thời chú trọng phát triển doanh nghiệp công nghệ số, phát triển kinh tế số.
Các ngành, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, thúc đẩy đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, hộ gia đình và các doanh nghiệp về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số rộng rãi trong đời sống, sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ.
Sở Thông tin và Truyền thông đã xây dựng, triển khai đồng bộ kế hoạch thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số ở các cấp, các ngành nhằm tạo sự lan tỏa phong trào chuyển đổi số trên diện rộng, hướng đến đạt hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng; triển khai các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử Postmart, Voso, sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Nam Định; tích cực hỗ trợ nông dân tiếp cận với kinh tế số.
Ngành Công Thương tập trung tuyên truyền, giới thiệu doanh nghiệp tham gia Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số, tập huấn chuyển đổi số và kỹ năng số cho hơn 200 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.
Các tổ chức hội, đoàn thể phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin hỗ trợ các hội viên tiếp cận nhanh với kinh tế số.
Triển khai thí điểm mô hình chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt tại một số chợ trên địa bàn và mô hình số hóa thông tin làng nghề truyền thống hoa, cây cảnh Vị Khê.
Các doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh như Bưu điện tỉnh, Bưu chính Viettel, VNPT, Viettel, Mobifone, FPT đang từng bước thực hiện việc dịch chuyển từ cung cấp các dịch vụ truyền thống như bưu chính, viễn thông, internet sang cung cấp các dịch vụ mới phục vụ chuyển đổi số như cung cấp các phần mềm, nền tảng số, dịch vụ số, logistics... nhằm đưa công nghệ số làm thay đổi mô hình kinh doanh, quản trị và thúc đẩy kinh tế số.
Hiện tại các công ty công nghệ, viễn thông đang xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm thúc đẩy phát triển kinh tế số toàn diện trên các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, nông nghiệp, thương mại... với các sản phẩm: Hóa đơn điện tử, vé điện tử, hợp đồng điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, du lịch thông minh, cơ sở dữ liệu ngành trồng trọt và chăn nuôi...; các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện CĐS toàn diện như quản trị tổng thể doanh nghiệp VNPT One Business, quản lý bán hàng, quản trị nguồn nhân lực cho doanh nghiệp… Đó là cơ hội để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp cận với các nền tảng số, dịch vụ số để từng bước tiến hành việc chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh.
Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 100% doanh nghiệp sử dụng nền tảng hóa đơn điện tử; ứng dụng chữ ký số điện tử trong giao dịch với các ngành thuế, hải quan, BHXH...; khoảng 30% doanh nghiệp đang triển khai sử dụng các nền tảng số trong quản trị nhân lực, quản lý tài chính, kế toán...
Việc thực hiện thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt trên nền tảng số của các ngân hàng đã được thực hiện phổ biến trong lĩnh vực giáo dục, y tế, kinh doanh bán lẻ, chợ online 4.0 và trong giải quyết TTHC, thanh toán nghĩa vụ thuế về đất đai.
Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đạt 85%.
Theo số liệu do Bộ Công Thương cung cấp, tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ của tỉnh ước đạt 7,2% GRDP, đã cơ bản đáp ứng theo yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương.
Những con số trên cho thấy, sự nỗ lực chuyển dịch từ kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số của tỉnh trong thời gian qua. Đây là chính là một trong những cơ sở để Nam Định sớm đạt mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững.