Đề xuất sửa đổi quy chế để cộng điểm ưu tiên trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 cho học sinh giỏi cấp thành phố của Sở GD-ĐT Hà Nội thu hút nhiều ý kiến trái chiều.

Việc có nên cộng điểm cho học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố hoặc tuyển thẳng hay không cũng đã được đưa ra bàn thảo tại hội nghị cụm thi đua số 1 bao gồm 5 Sở GD-ĐT của 5 thành phố trực thuộc trung ương là: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ do Bộ GD-ĐT tổ chức.  

Tại hội nghị này, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM đã đại diện đề xuất “về việc tuyển thẳng vào lớp 10”. Vậy dựa trên cơ sở nào có đề xuất này và có hợp lý không?

Theo quy định hiện hành, tuyển sinh lớp 10 THPT của Hà Nội, đối tượng tuyển thẳng là học sinh trường PTDT nội trú, người dân tộc rất ít người, học sinh khuyết tật (theo quy định). Với đối tượng học sinh đạt thành tích xuất sắc được tuyển thẳng chỉ tính giải cấp quốc gia, quốc tế về văn hóa; văn nghệ; thể dục thể thao, khoa học kĩ thuật. Các em chỉ được tuyển thẳng vào lớp 10 một trường THPT công lập thuộc khu vực tuyển sinh.

Ảnh minh họa: Thanh Tùng

Như vậy theo quy chế tuyển sinh THCS, THPT của Bộ GD-ĐT không có học sinh giỏi cấp tỉnh được tuyển thẳng vào lớp 10 THPT. Rất tiếc đây là kỳ thi nhằm phát hiện chọn học sinh có năng lực, phẩm chất, năng khiếu, tài năng, để được bồi dưỡng đào tạo nhân tài cho đất nước mai sau nhưng chưa được quan tâm thỏa đáng!

Theo nhiều thầy cô, điều này sẽ là làm mai một tài năng, giảm động lực vươn lên trong học tập của các em học sinh.

Không có quyền lợi, nhiều phụ huynh, học sinh cũng tâm tư, học sinh giỏi tỉnh, thành phố đã không được tuyển thẳng nhưng cũng không được cộng điểm trong kì thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Đây là một trong những lý do khiến phụ huynh học sinh không quan tâm đến việc cho con học bồi dưỡng đi thi học sinh giỏi huyện, tỉnh hiện nay nhất là đối với những môn như Lịch sử, Địa lý… 

Để đạt danh hiệu học sinh giỏi tỉnh, trước hết các em được sàng lọc từ cấp trường, phải vượt qua kì thi chọn học sinh giỏi huyện. Tiếp đến, các em được thầy cô bồi dưỡng để thi chọn học sinh giỏi tỉnh. Đây là chặng đường dài, cam go với dung lượng kiến thức bồi dưỡng nhiều, khó, thời gian bồi dưỡng kéo dài (cấp huyện ít nhất là 3 tháng, cấp tỉnh cũng ít nhất là 2 tháng). 

Bản thân tôi được nhà trường phân công bồi dưỡng học sinh giỏi môn Lịch sử. Chúng tôi rất áp lực ngày từ khâu tuyển chọn học sinh để thành lập đội tuyển vì có rất ít học sinh tự nguyện tham gia (vì nhiều lý do). Thầy cô phải kiên trì “dụ dỗ” để các em chịu học.

Với tất cả tâm huyết và kinh nghiệm huấn luyện, chúng tôi mới có một em đạt giải ba môn Lịch sử cấp tỉnh năm 2021, một em đạt giải nhì cấp huyện năm 2022 trong nhiều năm liền không có học sinh nào đạt giải. Như vậy việc để có học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh là niềm tự hào vinh dự của thầy trò, nhà trường và gia đình. Ấy vậy mà các em chỉ nhận được giấy chứng nhận là chấm hết, thật là lãng phí thời gian, công sức… để bồi dưỡng tài năng!  

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng cần bỏ kì thi chọn học sinh giỏi ở cấp THCS vì có nhiều áp lực cho thầy cô và học sinh trong việc dạy - học bồi dưỡng học sinh giỏi nhưng lại không được cộng điểm, tuyển thẳng như nói ở trên. Việc thi chọn học sinh giỏi tỉnh diễn ra hàng năm ở các địa phương hiện nay mới là công đoạn phát hiện tài năng còn bồi dưỡng phát triển tài năng chưa được chú trọng.

Có cơ sở thực hiện, chúng ta cần có chế độ chính sách để động viên sự phấn đấu trong học tập của các em. Như vậy mới thu hút sự quan tâm của phụ huynh, học sinh cùng đầu tư cho thế hệ trẻ tài năng của địa phương, xã hội. Việc sở GD-ĐT TP.HCM đề nghị Bộ GD-ĐT giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho địa phương quy định đối tượng tuyển thẳng vào lớp 10, là có cơ sở thực hiện.

Vậy nếu vẫn duy trì kì chọn học sinh giỏi tỉnh như hiện nay nên cộng điểm hay xét tuyển thẳng cho các em đạt học sinh giỏi tỉnh vào lớp 10, các trường THPT là hợp lý, công bằng hoàn xứng đáng với công sức, năng lực bản thân các em.

Điều này tạo cơ hội để các em nỗ lực phấn đấu nếu không sẽ mai một tài năng là tất yếu. Nếu không học sinh giỏi không những thiệt đơn mà còn thiệt kép!                         

Trao đổi với VietNamNet, bà Phan Thị Thu Hương - Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Sơn Tây (Hà Nội), chia sẻ hiện nay chúng ta đang hướng theo nền giáo dục toàn diện cho học sinh. Vì thế, các cuộc thi học sinh giỏi cũng trải đều ở tất cả các các bộ môn.

Thế nhưng hiện nay thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội chỉ có 3 môn Ngữ Văn, Toán, tiếng Anh. Điều này sẽ gây tâm lý học sinh cơ bản chỉ học 3 môn thi vào lớp 10. Không có sự ưu tiên nào cho những em giỏi Giáo dục công dân, Địa lý, hay Lịch sử, học sinh cũng không thiết tha tham gia đội tuyển học sinh giỏi.

“Từ thực tế giảng dạy, chúng tôi vẫn mong có cơ chế đặc thù cho học sinh giỏi để động viên các em học đều các bộ môn khác và kể cả thể dục, thể thao”, bà Thu Hương cho hay.

Cũng theo bà Hương, hiện nay Hà Nội chưa có cơ chế ưu tiên như vậy nên trong quá trình động viên học sinh tham gia thi học sinh giỏi cấp thành phố phía nhà trường gặp khá nhiều khó khăn.

Tại mỗi quận, huyện duy trì mỗi đội tuyển 10 em ở những bộ môn khác ngoài Ngữ văn, Toán, tiếng Anh nhưng học sinh có xu hướng từ chối cuộc thi này để tập trung ôn thi vào lớp 10.

Một thực tế là cả học sinh và phụ huynh đều có nhận định, nếu học tập môn không phục vụ cho thi vào lớp 10 trong khi thi học sinh giỏi mất thời gian ôn luyện có thể khiến các con không đạt được nguyện vọng thi vào lớp 10 thì lãng phí thời gian.

“Rõ ràng tham gia thi quá trình ôn luyện rất vất vả nhưng lại không được cộng điểm ưu tiên thì học sinh cũng không tha thiết với những cuộc thi học sinh giỏi.

Học sinh bây giờ cũng rất thực tế là học gì thi nấy chứ không cần danh hiệu nhất là khi đạt giải nhất thành phố không được ưu tiên. Tôi tin rằng nếu có những ưu tiên, phụ huynh cũng sẽ phấn khởi và cho con tham gia một cách hào hứng”, bà Hương cho biết

Hoàng Thanh

Nguyễn Văn Lực (Giáo viên Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)