Ngược dòng lịch sử hơn 570 năm về trước, vào năm Nhâm Tuất 1442, lần đầu tiên trong lịch sử nước nhà đã diễn ra khoa thi Tiến sĩ tuyển chọn nhân tài cho đất nước để cùng suy ngẫm về giá trị của hai chữ "hiền tài" trong dòng chảy lịch sử của đất nước, đặc biệt hiện nay, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển theo hướng bền vững, hùng cường.
Danh sĩ Thân Nhân Trung sinh năm 1418, ở làng Yên Ninh, nay là xã Tân Mỹ, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
Mặc dù hiếu học, song ông chậm thành đạt, nên mãi đến năm 1469, khi đã ngoài 50 tuổi ông mới đỗ Đại Khoa (học vị cuối cùng của khoa cử thời bấy giờ).
Tuy ra làm quan muộn, nhưng ông lại gặp may, đó là việc Lê Thánh Tông lên ngôi Hoàng đế- mở ra một thời kỳ thịnh đạt mới nhờ chính sách “trọng đãi hiền tài”.
Điểm nổi bật suốt cuộc đời làm quan trong triều của Thân Nhân Trung là được vua Lê Thánh Tông, tin cậy vì tài năng đức độ. Năm 1494, vua Lê Thánh Tông chủ xướng thi xã cung đình gọi là hội Tao Đàn, đích thân nhà vua xưng là hội chủ đã quy tụ 28 nhà khoa bảng vào hội. Thân Nhân Trung được Vua Lê Thánh Tông trọng dụng, phong chức “Phó Đô Nguyên súy” trong Tao Đàn, nhà Vua thì giữ chức Đô Nguyên Súy.
Thân Nhân Trung còn được tin dùng trong việc tuyển chọn nhân tài và đào tạo nhân tài cùng các công việc quan trọng khác trong triều. Các kỳ thi hương, thi hội vua đều giao cho Thân Nhân Trung xem xét đọc duyệt bài vở của thí sinh để trình lên nhà vua.
Những công trình văn hoá lớn, vua đều giao nhiệm vụ đứng đầu cho ông như biên soạn Thiên Nam dư hạ tập, Thân chinh ký sự năm 1483, biên soạn các văn bia tiến sĩ đặt tại Văn miếu năm 1484. Những bài thơ xướng họa của vua tôi được tập hợp trong sách “Quỳnh uyển cửu ca” và “Minh lương cẩm tú” còn lưu đến tận hôm nay.
Nói cách khác, những năm cuối đời vua Lê Thánh Tông từ 1483 đến 1497, Thân Nhân Trung luôn là nhân vật thứ hai, chỉ sau vua, trong lĩnh vực biên soạn, sáng tác những tác phẩm quan trọng của triều đại. Ông cũng là một trong vài ba người được viết bài bình về thơ của vua mà thôi.
Vị Hoàng đế anh minh Lê Thánh Tông qua đời năm 1498, vua Hiến Tông kế vị đã an táng vua cha ở Chiêu Lăng tại Lam Sơn đất tổ phát tích vương triều Lê và đã kính tín sai lão thần Thân Nhân Trung soạn bài văn bia Thánh Tông Chiêu lăng bi minh tịnh tự (Bài minh và lời tựa trên bia Chiêu Lăng Lê Thánh Tông). Ngoài hai bài văn bia nổi tiếng trên, ông còn soạn một số văn bia đề danh tiến sĩ dựng ở Văn Miếu Thăng Long và những văn bia quan trọng khác.
Uy tín và vai trò của Thân Nhân Trung càng được đề cao vào năm 1493, khi ông được giữ chức Hàn lâm viện thừa chỉ, Đông các đậi học sĩ kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu. Với trọng trách này, Thân Nhân Trung lại càng phải tăng thêm trách nhiệm chăm lo vun trồng cho sự nghiệp nhân tài của đất nước.
Khẳng định tầm quan trọng của nhân tài đối với quốc gia, khẳng định tầm quan trọng của việc giáo dục, việc nuôi dưỡng nhân tài, trong Bài ký đề tên Tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1487), ông viết:
“Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp.
Bởi thế các Đức Thánh đế minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên.
Kẻ sĩ có mối quan hệ thật là quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, vì thế cái ý tôn trọng thật là vô cùng, nên đã ban ân sủng bằng khoa danh, lại gia thêm bằng tước trật, ơn ban cho đã lớn, vẫn còn cho là chưa đủ, lại cho đề tên ở Tháp Nhạn, ban tự hiệu ở bảng Long Hổ, mở tiệc vui triều đình mừng được người tài, không cái gì không ở mức cao nhất.
Ngày nay Thánh Thượng cho rằng việc lớn lao đẹp đẽ tuy lừng lẫy vang dội một thời, nhưng lời khen bằng tiếng thơm chưa đủ để truyền lại vạn đời, cho nên dựng đá đề tên đặt ở Quốc Tử Giám khiến kẻ sĩ trông lên thấy hâm mộ, phấn khởi, cố gắng rèn luyện danh tiết, dốc sức giúp rập Hoàng gia.
Hãy đem tên họ những người đỗ trong khoa này mà kê lại. Những người đưa vào văn học, chính sự tô điểm cho cảnh thịnh trị, thanh bình vài chục năm trở lại đây được quốc gia tin dùng kể cũng nhiều vậy, nhưng trong số đó cũng có kẻ vì hối lộ mà hư hỏng, hoặc sa ngã vào cùng loại với bọn gian ác là vì bởi họ lúc sống chưa được nhìn tấm đá trinh bạch này thôi, giả sử hồi đó họ kịp nhìn thấy thì ắt hẳn lòng thiện sẽ tràn đầy, ý ác được ngăn chặn, đâu dám làm chuyện càn bậy.
Thế thì việc dựng tấm bia đã này lợi ích biết chừng nào, kẻ ác lấy đó làm răn, người thiện theo đó mà cố gắng. Làm sáng tỏ những điều đã qua, mở rộng dạy bảo cho hậu thế, một là để dài mãi tư chất danh tiết cho kẻ sĩ, hai là củng cố sự bền vững của quốc gia”.
Câu nói Hiền tài là nguyên khí quốc gia của Thân Nhân Trung không chỉ dừng lại trong xã hội thời Lê mà câu nói ấy đối với chúng ta vẫn còn nguyên giá trị, khi giáo dục đang trở thành quốc sách hàng đầu, khi văn hoá, khoa học và đội ngũ trí thức đang giữ một vai trò cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp kiến quốc đất nước hôm nay.
Tư tưởng xuyên suốt con người Thân Nhân Trung, kể cả trong văn chương dù làm trong lúc vua tôi ngâm vịnh, có tính thù tạc, người đọc vẫn thấy ở ông một tấm lòng yêu nước thương dân sâu xa, một ý thức trách nhiệm cao với dân, với nước, một đòi hỏi cao về đạo đức đối với mọi người, ngay cả với bậc đế vương.
Thân Nhân Trung không chỉ là một vị quan đại triều có uy tín về đức độ và tài năng. Trong gia đình, ông là người mở đầu cho một gia tộc khoa bảng, ba đời liên tiếp với 4 vị đỗ tiến sĩ và đều làm quan dưới thời vua Lê Thánh Tông.
Tiếp nối thành công của ông, hai người con và cháu đều có ý chí học tập và đỗ đại khoa (Thân Nhân Tín, con cả; Thân Nhân Vũ, con thứ và Thân Cảnh Vân, là cháu của Thân Nhân Trung). Điều đó được ghi nhận như sau:
- Thân Nhân Vũ, đỗ khoa Tân Sửu, Hồng Đức 12 (1481).
- Thân Cảnh Vân, 25 tuổi đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ Cập đệ tam danh khoa Kỷ Mùi, Hồng Đức thứ 18 (1487)
- Thân Nhân Tín, 52 tuổi, đỗ đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Canh Tuất, Hồng Đức 21 (1490).
Trong bài thơ “Quân minh thần lương” (Vua sang tôi hiền), Lê Thánh Tông ca ngợi các bậc đế vương nhưng chỉ khen ngợi cha con Thân Nhân Trung làm quan đương thời khi nhắc tới các thần lương (tôi hiền).
Nhà vua đã dành sự ngợi ca sự thành đạt của gia đình ông như sau: " Thập Trịnh đệ huynh quí hiển Nhị Thân phụ tử mộc ân vinh" (Mười anh em nhà họ Trịnh nối nhau quí hiển Hai cha con họ Thân tắm gội ân vinh)
Sau này, khi tiễn ông về thăm quê, thái tử Lê Hiến Tông còn có thơ tặng. Đó là phần thưởng tinh thần cao quý đánh giá công lao của Thân Nhân Trung vào sự nghiệp văn hoá Đông Đô hưng thịnh trong những năm niên hiệu Hồng Đức (1470 – 1497) của vua Lê Thánh Tông.
Cho đến nay, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, hai tấm bia tiến sĩ do danh sĩ Thân Nhân Trung soạn văn vẫn chuyển tải giá trị rất cao bởi nội dung tư tưởng uyên thâm, đầy tâm huyết cổ vũ kẻ sĩ quân tử một lòng vì dân vì nước.
Hoài Bắc
Ảnh: Kiều Oanh
Video: Vân Anh, Bạch Hân, Lan Anh
12/12/2021 07:38