icon icon

Hôm 13/9, đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế: “Khoa học, đạo đức và phát triển con người” tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định nhằm thảo luận giữa các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, đại diện của các tổ chức quốc tế về mối tương quan giữa khoa học và đạo đức, nền tảng cơ bản cho sự phát triển con người. Các đại biểu cũng sẽ thảo luận về vai trò của khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng đối với sự phát triển bền vững của xã hội, trong đó yếu tố đạo đức và phát triển con người sẽ được nhấn mạnh.

Mở đầu bài phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Xuân Thắng Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương nêu vấn đề: Chúng ta đang sống trong một thế giới thay đổi nhanh chưa từng thấy, có nhiều bất định, bất ổn, đột biến và rủi ro khó lường. Tốc độ tiến bộ của khoa học - công nghệ vượt xa nhận thức chung của nhân loại, ra khỏi tầm nhìn, dự báo của các chính khách và nhanh hơn nhiều đối với quá trình hoàn thiện, bổ sung luật pháp, chính sách của các quốc gia. Xu hướng đó đang đặt tiến trình phát triển của nhân loại trước nhiều cơ hội và thách thức không nhỏ; và ranh giới đạo đức của khoa học, nhất là những khoa học liên quan trực tiếp đến con người, đang trở nên mong manh hơn bao giờ hết. 

Minh họa bằng một số ví dụ sinh động, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ, cách đây gần 130 năm, Alfred Nobel đã để lại chúc thư đề nghị trao thưởng cho những cá nhân có cống hiến to lớn cho nhân loại với mong muốn có thể bù đắp cho sự phát triển và hòa bình thế giới trước những hệ lụy nảy sinh từ phát minh, sáng chế ra thuốc nổ của ông. Ngày nay, nhân loại không còn quá ngỡ ngàng khi tác động của những thành tựu khoa học vượt ra khỏi mong muốn và dự liệu của chính những người phát minh, sáng chế ra chúng, thậm chí con người có thể mất quyền kiểm soát đối với chính những thành tựu mà mình đã sáng tạo ra.

Chúng ta đều biết, kỹ thuật nhân bản vô tính có thể được dùng để chọn lọc các bộ gen khỏe mạnh, nhưng cũng làm dấy lên cơn ác mộng rằng: khả năng con người có thể được “nhân bản” hàng loạt trong phòng thí nghiệm đang trở nên gần hơn với thực tế. Sự ra đời của mạng xã hội tạo ra một không gian trao đổi thông tin rộng lớn để các cá nhân có thể chia sẻ, kết nối và hợp tác vượt qua khoảng cách về địa lý, song cũng làm cho thế giới nội tâm của con người trở nên nghèo nàn, khiến nhiều người cảm thấy nhàm chán, cô đơn và lạc lõng. Sự sáng tạo nên trí tuệ nhân tạo và robot thông minh đã tạo động lực mới cho phát triển, giúp chúng ta giải quyết tốt hơn nhiều vấn đề phức tạp của cuộc sống, nhưng cũng đặt ra một câu hỏi lớn trong thế giới đương đại, đó là: con người sẽ có vị trí như thế nào trong mối quan hệ với thể chế và công nghệ?

Ông Nguyễn Xuân Thắng nêu quan điểm, ở đây, không chỉ nói đến vai trò to lớn làm thay đổi thế giới của khoa học tự nhiên, mà còn cả của khoa học xã hội và nhân văn. Chúng ta đều biết, các nghiên cứu về địa - chính trị, địa - chiến lược trong quan hệ quốc tế đã hình thành tư duy cạnh tranh chiến lược, khơi mào cho những cuộc chạy đua vũ trang tốn kém và cả những cuộc xung đột đẫm máu kéo dài. Rất tiếc là, cho tới hôm nay, tư duy đó vẫn đang ám ảnh một phần nhân loại. Khoa học xã hội và nhân văn từ lâu vẫn đang định dạng mô hình và con đường phát triển của các quốc gia. Có những mô hình đã rất thành công, song có những mô hình mang lại hệ lụy tai hại cho xã hội, đẩy một bộ phận dân chúng vào tình cảnh đói nghèo.

Do vậy, "các nhà hoạch định chính sách đóng vai trò rất quan trọng trong xác định đường biên “đạo đức” để tiến bộ khoa học thực sự vì con người, phù hợp với sự phát triển của xã hội và phục vụ nhu cầu thực sự của xã hội. Điều đó đòi hỏi sự tỉnh táo và bản lĩnh, nhất là phải có niềm tin vào con đường và sự nghiệp sáng tạo trước những thay đổi", ông Nguyễn Xuân Thắng phát biểu.

Đề cập tới tầm nhìn Việt Nam đối với phát triển khoa học ông Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, vì con người chính là thông điệp về một tầm nhìn mang đặc sắc, bản lĩnh Việt Nam, về sự hài hòa giữa đạo đức, khoa học và phát triển trong một bối cảnh đang thay đổi nhanh, khó dự liệu của thế giới.

Theo đó, phát triển vì con người đã được Việt Nam kiên trì theo đuổi ngay từ những ngày đầu lập nước. Mục tiêu phát triển nêu trên trở thành tiêu ngữ gắn với quốc hiệu nước Việt Nam suốt 77 năm qua, đó là: “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”. 

Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương đã nhắc lại thành tựu sau hơn 35 năm đổi mới, từ một nước nghèo, lạc hậu, thu nhập thấp, Việt Nam đã trở thành một nước đang phát triển, thu nhập trung bình. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay đã tăng gấp 14 lần, quy mô nền kinh tế tăng gấp 26 lần so với những năm đầu đổi mới. Trong gần hai thập niên từ năm 1990 đến năm 2010, đã có gần 30 triệu người Việt Nam thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ mức 58,1% năm 1993 xuống còn 2,23% năm 2021. Tăng trưởng ổn định và bao trùm đã đem lại lợi ích cho tuyệt đại đa số người dân, góp phần cải thiện đáng kể mọi lĩnh vực xã hội.

Đó là kết quả của việc thực hiện xuyên suốt chiến lược phát triển nhanh, bao trùm và bền vững; của quan điểm coi con người là mục tiêu, là động lực của sự phát triển; nhân dân là chủ thể của công cuộc đổi mới, là trung tâm của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước; phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển; và đặc biệt, trong đó có đóng góp quan trọng của việc thực hiện nhất quán tư tưởng coi phát triển khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, phát triển con người là “quốc sách hàng đầu”, là con đường ngắn nhất và tiết kiệm nhất để phát triển nhanh, bền vững và hiện đại hóa đất nước.

Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 của Việt Nam đề ra mục tiêu tổng quát: Khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần quyết định đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; góp phần phát triển toàn diện con người, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam.

Có ba nhân tố quan trọng tạo nên sự gắn kết hài hòa giữa các nền tảng đạo đức, khoa học và phát triển ở Việt Nam trong tầm nhìn mới: Một là, đổi mới sáng tạo. Hai là, phát triển nhanh và bền vững và ba là, lấy con người làm trung tâm.

"Đây là thuộc tính trong mọi quá trình phát triển của đất nước. Đảng và Nhà nước ta chủ trương phát triển con người toàn diện, bảo đảm an ninh con người, chăm lo sức khỏe, sự an toàn và môi trường sống tốt cho nhân dân, không để một ai bị bỏ lại phía sau, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người; đặc biệt, coi văn hóa, con người là sức mạnh nội sinh, nguồn lực và là động lực quan trọng nhất trong xây dựng và phát triển đất nước", ông Nguyễn Xuân Thắng nói.

Kết thúc bài phát biểu, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương nhấn mạnh: Chúng ta cần nỗ lực rất lớn trên hành trình phát triển nhanh và bền vững, biến những thách thức thành cơ hội để bứt phá, vươn lên, để khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thật sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng cho sự phát triển đất nước trong giai đoạn tới. Để thực hiện được những điều đó luôn cần sự đồng hành của cộng đồng khoa học Việt Nam và quốc tế. Thông qua chia sẻ tầm nhìn và định hướng phát triển của mình, chúng ta mong muốn bạn bè, đối tác quốc tế nhận thức đầy đủ hơn về quyết tâm và hành động mạnh mẽ của cả dân tộc trong nỗ lực hướng khoa học tới mục tiêu cao nhất là phát triển toàn diện con người, phát triển nhanh và bền vững đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bao trùm và bền vững của thế giới.

Diệu Thúy, Thu Hà, Lê Hợp, Xuân Long, Quang Thậm, Quang Phong, Thu Hiền

Tin nổi bật