Từ năm 1990 - 2019, HDI của Việt Nam đã tăng 45,8%, nằm trong số các nước có tốc độ tăng HDI cao nhất trên thế giới. Vậy HDI là gì?
Được công bố lần đầu tiên từ năm 1990, HDI là chỉ số so sánh, định lượng về mức thu nhập, tỉ lệ biết chữ (học vấn) và tuổi thọ của các quốc gia trên thế giới. HDI được tính toán dựa trên 3 yếu tố cơ bản: Thu nhập - Chỉ số Tổng thu nhập quốc dân (GNI)/người; Tri thức - chỉ số học vấn và Sức khỏe - thể hiện qua tuổi thọ bình quân kỳ vọng tính từ thời điểm mới sinh.
Tuy nhiên, qua các năm, yêu cầu về một “bộ công thức” toàn diện hơn để đánh giá các khía cạnh quan trọng khác của phát triển con người ngày càng được quan tâm.
Theo đó, công thức tính mới bao gồm các khía cạnh phát triển con người đã được giới thiệu và giúp hoàn thiện HDI, bao gồm các vấn đề trước đây chưa được tính đến trong sự phát triển như nghèo đói, bất bình đẳng và khoảng cách về giới. Từ năm 2010, Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) đã công bố HDI có tính đến bất bình đẳng, theo đó, điều chỉnh giá trị HDI của một quốc gia về bất bình đẳng theo các yếu tố đời sống, giáo dục và thu nhập, cũng như dùng Chỉ số nghèo đa chiều để trực tiếp tính tình trạng đói nghèo của người dân…
Theo báo cáo mới nhất của UNDP công bố chiều 16/12, Việt Nam hiện đã đứng trong nhóm các nước có HDI ở mức cao trên thế giới. Năm 2019, HDI của Việt Nam là 0,704, xếp thứ 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 1 bậc so với năm 2018. Từ năm 1990 - 2019, giá trị HDI của Việt Nam đã tăng 45,8%, nằm trong số các nước có tốc độ tăng HDI cao nhất trên thế giới.
Báo cáo Phát triển con người toàn cầu năm 2020 với tiêu đề “Giới tuyến tiếp theo: Phát triển con người trong kỉ nguyên con người tác động lên khí hậu và môi trường” nêu rõ, tiến bộ “Phát triển con người” của Việt Nam đã đạt được với mức độ bất bình đẳng vừa phải và ổn định.
Tuổi thọ trung bình của Việt Nam khi sinh tăng 4,8 năm, số năm đi học trung bình tăng 4,4 năm và số năm đi học dự kiến tăng 4,9 năm. Tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người của Việt Nam tăng hơn 370% trong khoảng 1990-2019.
UNDP đánh giá cao chủ trương phát triển lấy con người làm trung tâm của Việt Nam để ưu tiên phát triển con người và thúc đẩy bình đẳng trong các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo báo cáo mới nhất này, Việt Nam ở Nhóm phát triển con người cao với mức độ bất bình đẳng tương đối thấp. Đáng chú ý, mức giảm giá trị HDI của Việt Nam do bất bình đẳng vào năm 2019 là 16,5%; giảm thu nhập do bất bình đẳng là 19,1% và hệ số GINI (dùng để biểu thị độ bất bình đẳng trong thu nhập trên nhiều vùng miền, tầng lớp của một đất nước) ở mức 35,7 - là một trong những mức thấp nhất trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, Việt Nam nằm trong nhóm thứ ba dưới cùng về tỷ lệ việc làm dễ bị tổn thương (54,1%) do phần lớn lực lượng lao động phụ thuộc vào tự kinh doanh trong các hộ kinh doanh.
Với Chỉ số Phát triển Giới là 0,997, Việt Nam đứng thứ 65 trong số 162 quốc gia. Đặc biệt, tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội đưa Việt Nam vào nhóm cao nhất trong 03 nhóm trên toàn cầu. Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức về bất bình đẳng giới: nằm trong nhóm cuối trong 03 nhóm trên toàn cầu về tỷ số giới tính khi sinh (1,12); bạo lực đối với phụ nữ (34,4%) và phụ nữ có tài khoản trong các tổ chức tài chính hoặc các nhà cung cấp dịch vụ tiền tệ điện tử (30,4%).
Theo VOV
Thủ tướng: Việt Nam là hình mẫu trên thế giới về xóa đói giảm nghèo
Ngày 11/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020.