Những năm trước đây, vấn đề hỗ trợ phát triển sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được thực hiện lồng ghép trong các chương trình, chính sách phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Có thể kể đến như các chính sách hỗ trợ về phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số; chương trình ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ để phát triển kinh tế xã hội vùng nông thôn, miền núi và vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"… Đến năm 2021, vấn đề phát triển thương mại miền núi, vùng dân tộc thiểu số được thể hiện rất rõ nét ở dự án 3 của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030.
Gần đây, việc triển khai các chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số gắn phát triển sản phẩm vùng đồng bào dân tộc đã phát huy hiệu quả. Theo đó, việc phát triển và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được các cấp, các ngành quan tâm, đặc biệt tại các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trong thực tế, đã xuất hiện các doanh nghiệp, tổ chức xã hội phối hợp cùng các địa phương có các chương trình, tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh tạo ra các sản phẩm gắn với các giá trị văn hóa của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi, qua đó hình thành các sản phẩm đặc sắc, khác biệt của bà con.
Sản phẩm đặc sản của các địa phương đã trở thành thế mạnh được tiêu thụ ở các kênh phân phối trong nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Nhiều địa phương trên cả nước đã khai thác các giá trị văn hóa dân tộc trong phát triển và tiêu thụ sản phẩm của bà con vùng đồng bào dân tộc thông qua tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch.
Một số mô hình phát triển du lịch đã hình thành và hoạt động khá hiệu quả, như du lịch cộng đồng người Thái ở Bản Mển (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), Bản Áng (xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La); du lịch cộng đồng người Dao ở bản Nậm Đăm (xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang); du lịch cộng đồng của người Lự ở bản Thẳm (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu)… Từ đó không chỉ giúp bà con ổn định thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá được truyền thống văn hoá đặc sắc của các dân tộc ở địa phương.
Tuy nhiên những thành công này mới là số ít. Trong thực tế, việc khai thác giá trị của văn hóa các dân tộc vẫn chưa phát huy hết tiềm năng. Quy trình sản xuất, các hoạt động xúc tiến, quảng bá chưa chuyển tải được hết những yếu tố văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số ở mỗi địa phương. Do đó, cần có những định hướng và chính sách phù hợp hơn để khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa, đưa yếu tố văn hóa thành lợi thế, để thực sự giúp các sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bay xa hơn nữa.
Theo bà Bế Hồng Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc, Ủy ban dân tộc cho rằng, có 5 yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thành công trong việc khai thác các giá trị văn hóa trong phát triển sản phẩm của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đó là:
Nội lực của chủ chuỗi giá trị, bao gồm: trình độ học vấn, trải nghiệm thực tế, lòng khát khao, tự hào về cộng đồng và văn hóa tộc người; tiếp cận kỹ thuật; khai thác tri thức địa phương qua việc phát triển sản phẩm; sự kế nối từ chính sách qua chuyên gia hay là khoa học công nghệ; phát huy truyền thống văn hóa, được tiếp cận và sử dụng qua phát triển du lịch cộng đồng cũng như thông qua công tác truyền thông, marketing.
Bởi chỉ khi thông qua việc khai thác giá trị truyền thống, doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho thị trường và một khi có được sự công nhận của thị trường, những sản phẩm đó sẽ góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc.
Do đó, để góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mang đậm giá trị văn hóa dân tộc, bà Bế Hồng Vân đã đề xuất một số nội dung cần tập trung trong thời gian tới. Cụ thể:
Cần phải tạo một môi trường kết nối các đối tác tham gia vào liên kết chuỗi giá trị gồm cơ quan chính quyền, đó là đại diện cho cơ chế, chính sách.
Đồng thời, phát huy vai trò của các doanh nghiệp trên địa bàn đã triển khai thành công vai trò hỗ trợ kỹ thuật và tạo động lực cho việc khai thác các giá trị văn hóa trong sản xuất và phát triển sản phẩm vùng dân tộc.
Đưa những yếu tố tri thức, những văn hóa truyền thống cũng như cố kết cộng đồng vào trong tiêu chí để lựa chọn những dự án hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị. Đặc biệt, chính sách phải lưu ý đến đội ngũ nghệ nhân tại địa phương vì đây là những nhân chứng sống truyền thụ và lưu giữ văn hóa địa phương đến muôn đời.
Đặc biệt, cần có sự hiệp lực và đồng lòng từ các cấp các ngành, địa phương, doanh nghiệp đến các bà con dân tộc để đưa đưa yếu tố văn hóa thành lợi thế. Qua đó, đưa những nét văn hóa đặc sắc trong sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số lan tỏa hơn nữa.
Muốn "đi xa" cần đầu tư theo chiều sâu và dài hơi
TS. Chu Xuân Giao, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam:
"Văn hóa vừa có thể là hình khối, vừa có thể là không định nghĩa được hình khối, và chúng ta không nên bằng lòng với những gì đang có. Vấn đề là phải định hướng được việc phải tồn, phát huy, làm giàu và đổi mới liên tục.
Sáng tạo đổi mới ở đây không phải thấy người ta “vác mai” thì mình cũng đi “vác mai”, người ta đi bắt cá thì mình cũng đi bắt cá, tức là mình không phải theo phong trào, mà phải tìm được những hướng đi riêng. Đồng thời, bà con cũng cần xây dựng cho mình chiến lược phát triển lâu dài, kiên trì và cố gắng, tạo nên thương hiệu riêng, bền vững.
Những năm trước đây, vấn đề hỗ trợ phát triển sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được thực hiện lồng ghép trong các chương trình, chính sách phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đến nay, chương trình phát triển sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã tổ chức được 445 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và 402 mô hình phát triển sản xuất cộng đồng, tạo được; tạo được 249 mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tổ chức được 52 sự kiện kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng như các sự kiện lễ hội gắn thương mại với du lịch; sự kiện quảng bá tiêu thụ sản phẩm của đồng bào,…
Đặc biệt, đã tổ chức được 35 hội nghị tập huấn về năng lực thương mại, trong đó có tập huấn về kỹ năng thương mại, kỹ năng bán hàng - kinh doanh với sự tham gia của hơn 1.400 đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy, việc khai thác giá trị của văn hoá các dân tộc chưa phát huy hết tiềm năng. Quy trình sản xuất, các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá chưa chuyển tải được hết những yếu tố văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số ở mỗi địa phương.
Để tạo nên bản sắc của sản phẩm hàng hóa gắn với giá trị văn hóa của mỗi địa phương, mỗi dân tộc, các địa phương và doanh nghiệp cần đầu tư theo chiều sâu và trong một thời gian dài. Đồng thời cần có sự chiêm nghiệm để khai thác các yếu tố văn hoá trong phát triển sản phẩm của bà con, gắn với việc tôn trọng yếu tố tự nhiên cũng như văn hóa địa phương, vùng dân tộc thiểu số