UBND tỉnh Hà Giang vừa ban hành Quyết định số 16/2023/QĐ-UBND về trợ cấp gạo bảo vệ và phát triển rừng thuộc Tiểu dự án 1, Dự án 3 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2023.

Theo đó, đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định là hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã, thị trấn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (Khu vực III, II theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025) trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Đồng thời, đây là những hộ gia đình tham gia trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất bằng cây lấy gỗ hoặc cây lâm sản ngoài gỗ có diện tích đất tối thiểu từ 0,3 ha tập trung trở lên; tham gia khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung; nhận khoán bảo vệ rừng; thực hiện bảo vệ rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên được Nhà nước giao trong thời gian chưa tự túc được lương thực.

30 1619666826 1 2021 04 15t143731880.jpg
Đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo vệ và phát triển rừng được trợ cấp gạo.

Quyết định nêu rõ, hạn mức trợ cấp là 15 kg gạo/khẩu/tháng, loại gạo là gạo tẻ thường. Gia đình được hỗ trợ có số khẩu của những người cùng đăng ký thường trú hoặc cùng đăng ký tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp theo pháp luật về cư trú.

Hình thức trợ cấp bằng tiền mặt quy đổi tương ứng với giá trị 15 kg gạo/khẩu/tháng tại thời điểm trợ cấp (theo thông báo giá hàng tháng của cơ quan chuyên môn trên địa bàn huyện). Thời gian trợ cấp tối đa không quá 7 năm.

Với hộ gia đình được trợ cấp gạo từ nhiều chính sách khác nhau của Nhà nước thì chỉ được nhận trợ cấp gạo từ một chính sách với mức hỗ trợ cao nhất. Những hộ này không được nhận các chính sách trợ cấp về lương thực cùng lúc.

Tỉnh Hà Giang có tổng diện tích tự nhiên là 791.488,9 ha, trong đó diện tích rừng và đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp là 553.138,3 ha, chiếm gần 70% diện tích tự nhiên.

Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, kết hợp bảo vệ rừng với phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, tạo môi trường thuận lợi cho công tác trồng và bảo vệ rừng. Địa phương đặc biệt chú trọng đến việc tuyên truyền, hỗ trợ kinh phí cho công tác trồng trừng.

Khánh Vy