Trong các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, người Khmer là cộng đồng dân tộc có dân số tương đối lớn. Với dân số gần 1,3 triệu người, người Khmer sinh sống phân bố chủ yếu ở 9 tỉnh Tây Nam Bộ như Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ, Vĩnh Long...
Tuy sống cùng trên một địa bàn với các dân tộc Kinh, Hoa từ rất lâu nhưng hình thái cư trú của người Khmer vẫn giữ được đặc điểm riêng của mình, phổ biến là hình thái cư trú theo cộng đồng người với tên gọi là “phum” và “sóc”. Cuộc sống của người Khmer gắn liền với nghề canh tác lúa nước, đánh cá và nhiều nghề thủ công như đan lát, dệt vải, làm đường thốt nốt và làm gốm.
Đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Khmer Nam Bộ rất phong phú. Trong hệ thống lễ hội của đồng bào Khmer Nam Bộ, có nhiều lễ hội đặc sắc nhưng phải kể đến 2 lễ lớn trong năm là Tết Chol Chnam Thmay, là Tết đón năm mới, và Lễ hội Ok-ang Bok, là Lễ cúng trăng, trong lễ có đua thuyền Ngo giữa các phum - sóc. Tết Chol Chnam Thmay tháng 4 là dịp vui lớn của cộng đồng. Bà con thăm hỏi, chúc lẫn nhau, tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao.
Lễ đón năm mới của người Khmer cũng có những khác biệt với các dân tộc khác. Đón giao thừa của người Khmer được tính theo mặt trời đi. Tức là theo giờ phút đã định sẳn mà người Hora Cha (người thiên văn) bói toán cách tính theo hướng của mặt trời đi theo đường thẳng, ngay một giờ nào đó. Giờ chấm dứt mùa này sang mùa mới. Ví dụ như năm nay, vào năm mới bắt đầu từ 14h2’, vậy thì người ta lấy lúc 14h2’ đó, ngày đó là ngày người ta mới ở tại chùa tổ chức đánh cồng, đánh chống này nọ xong rồi mới mời, đưa rước đức phật, tượng phật và Moha Songkran xung quanh chánh điện vào giờ đó.
Di sản đặc sắc nhất của văn hoá Khmer cũng chính là nghệ thuật và kiến trúc chùa tháp. Người Khmer sống trong các Sóc, mỗi Sóc thường có ít nhất một ngôi chùa. Người Khmer lớn lên được tu dưỡng trong tinh thần Phật pháp, học giáo lý Phật và học văn hoá tại chùa trước khi bước vào cuộc sống tự lập của người trưởng thành. Số liệu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam qua báo cáo của các Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành có tín đồ của Phật giáo Nam tông sinh sống, tính đến cuối năm 2018 có 462 chùa Khmer, 8.574 vị sư sãi.
Đối với người Khmer, chùa không chỉ là nơi thờ Phật, mà còn là nơi gửi gắm niềm tin, mong ước hy vọng được giải thoát đạt đến cõi Niết bàn trong tương lai. Ngôi chùa gắn với các nghi lễ vòng đời của mỗi người dân Khmer, từ lúc sinh ra họ đã được làm lễ cầu an ở chùa, khi chết họ được làm lễ hoả táng, tro cốt được gửi lại chùa. Những ngày tuần tiết, sóc vọng người thân đến chùa dâng hương lễ Phật cũng là để tưởng nhớ tới ông bà tổ tiên, tới người đã thoát kiếp luân hồi về cõi cực lạc. Mọi thành viên trong phum sóc đều góp công, góp của xây dựng và bảo vệ ngôi chùa của sóc, người Khmer luôn quan tâm tới ngôi chùa, chùa là niềm tự hào của họ.
Các ngôi chùa Khmer còn là nơi trẻ em Khmer đến để học chữ, học làm người, để đến tuổi trưởng thành trở về lập gia đình và tham gia hoạt động xã hội. Trước đây, khi chưa có hệ thống trường công lập, chùa Khmer trở thành trường học dạy chữ cho đồng bào, chính các vị sư sãi vừa là người thầy dạy chữ (chữ Pali), dạy văn hoá vừa dạy giáo lý cho tín đồ. Chính vì thế, chùa Khmer có vai trò to lớn trong việc dạy chữ đã góp phần bảo tồn chữ viết, bảo tồn văn hoá Khmer.
Chùa cũng là nơi giáo dục rèn luyện về đạo đức, nhân cách. Con trai từ 12, 13 tuổi thường được gửi vào chùa để tu hành, rèn luyện tâm tính theo giới luật và theo triết lý nhân sinh của nhà Phật. Vào chùa được dạy giáo lý, học đạo đức, học giới luật, theo quy trình nghiêm khắc của nhà chùa là môi trường tốt rèn luyện đạo hạnh của con người.
Chùa cũng là trung tâm văn hoá của Phum, Sóc người Khmer, nơi giao lưu gặp gỡ của mọi người, mọi lứa tuổi. Mọi lễ hội Phật giáo, lễ hội dân tộc đều diễn ra ở chùa, do nhà sư chủ trì hướng dẫn. Hàng năm vào các ngày lễ, dân trong các phum, sóc đến chùa làm lễ, tổ chức các lễ hội truyền thống. Mọi người vừa được tỏ lòng thành kính với đức Phật, vừa là dịp để gặp gỡ vui chơi sau những tháng ngày lao động vất vả, đồng thời đây cũng là dịp các chùa tổ chức cho đồng bào trong các phum, sóc đua tài qua các cuộc thi đấu thể thao, văn nghệ, thể hiện sự nhanh nhẹn, khéo léo, dẻo dai qua đua ghe ngo, đua bè... Nhiều chùa Khmer hiện nay còn bảo lưu những bộ nhạc cụ dân tộc rất đặc sắc.
Sư sãi của Phật giáo Nam tông Khmer được người dân kính trọng vì là những người có tri thức, kinh nghiệm sống, là lực lượng ưu tú của dân tộc và xã hội Khmer truyền thống, nên có nhiều ảnh hưởng đến tín đồ. Sư sãi được coi là người “Thầy” trong đời sống tinh thần của họ; là người chăm lo, hướng dẫn, đại diện cho họ trong việc đạo. Đã có nhiều nhà sư Khmer đã tham gia đóng góp tích cực cho hoạt động xã hội, nhiều vị là đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, tham gia Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội.
Ngoài việc tu tập, hướng dẫn đời sống tâm linh cho người dân, sư sãi còn là người hướng dẫn, đào tạo kiến thức, đào tạo nghề, kỹ thuật sản xuất, truyền dạy vốn sống các thế hệ người Khmer. Các sư sãi Khmer cũng là những trí thức Khmer, họ nắm những tinh hoa tri thức đã tích lũy từ bao đời nay của dân tộc Khmer từ ngôn ngữ đến nghệ thuật, kinh nghiệm sản xuất đến ứng xử trong cuộc sống... Trong thời gian các thanh niên Khmer tu học tại chùa, những tri thức của cộng đồng Khmer được các vị sư trao truyền giúp họ nâng cao nhận thức và hiểu biết. Sư sãi là người trông coi, bảo quản, trùng tu và làm khang trang cơ sở thờ tự của Phật giáo Nam tông Khmer; góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Khmer; góp phần bồi dưỡng nâng cao trình độ kiến thức cho thanh thiếu niên Khmer; duy trì, phát triển tiếng nói và chữ viết riêng của đồng bào Khmer.
Trong suốt quá trình phát triển, nền văn hóa Khmer giao hòa, gắn kết với các nền văn hóa khác, góp phần tạo thành nền văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam đậm đà bản sắc. Các chính sách dân tộc - tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta đối với đồng bào Khmer luôn giữ một vị trí quan trọng, không những đảm bảo sự ổn định lâu dài và tạo điều kiện phát triển vùng đồng bào dân tộc Khmer, mà còn là nhân tố đảm bảo sự phát triển đồng bộ của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Hồng Nhì
Ảnh: Hà Sơn
Video: Kiên Trung, Trần Hảo, Thanh Sơn
18/11/2021 16:18 (GMT+07:00)