Đà Lạt không chỉ đẹp bởi sự nên thơ của núi rừng, ngàn hoa, những con đường đèo quanh co, mà còn đẹp bởi những sản vật mà thiên nhiên ban tặng. Một trong những đặc sản ngon, đẹp, lạ của Lâm Đồng nói chung và Đà Lạt nói riêng đó là hồng treo. Là đặc sản của đất Đà Lạt, người dân làm hồng treo ở đây đã xây dựng được thương hiệu riêng của mình.
Hồng treo là đặc sản ngon, đẹp, lạ của vùng đất Tây Nguyên Lâm Đồng.
Bước vào những nhà làm hồng treo, du khách không chỉ biết được quy trình sản xuất mà còn cảm nhận được mùi thơm ngọt ngào cùng vẻ đẹp của trái hồng chín khi treo trên giàn. Hiện nay tại Lâm Đồng, nơi làm nhiều hồng treo nhất là thôn Đất Làng, Xuân Trường, Đà Lạt. Những trái hồng được treo trong nhà kính, qua thời gian từ 20 -30 ngày, trái hồng sẽ co lại dần do mất nước nhưng vẫn giữ lại được lượng đường bên trong. Vì vậy khi thưởng thức, người ăn sẽ cảm nhận được vị dai ở lớp vỏ bên ngoài, độ dẻo và ngọt thanh bởi mật đường bên trong trái hồng.
Hồng treo có vỏ ngoài dai dai, bên trong mềm dẻo, mang lại vị ngọt thanh cho người thưởng thức.
Mùa làm hồng treo bắt đầu tháng 9 đến tháng 12 hàng năm, người dân thôn Đất Làng lại tấp nập với tiếng máy gọt vỏ hồng. Thời điểm này, những trái hồng đã đổ sang màu vàng cam, lượng đường đã đủ để có thể thu hoạch, làm nên món đặc sản hồng treo thơm nức mùi trái chín của đất Lâm Đồng.
Năm 2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng mở lớp dạy nghề, chuyển giao công nghệ làm hồng treo an toàn cho người dân ở trong thôn Đất Làng. Tuy chỉ có vài chục người tham gia lớp học nhưng đến nay bà con đều đã sản xuất thành công và và tạo nhiều việc làm cũng như cho thu nhập ổn định.
Năm 2017, nhận thấy giá cả hồng bấp bênh, anh Mai Xuân Long (Đất Làng Cầu Đất, Xuân Trường, Đà Lạt) nảy ra ý định thành lập HTX để liên kết, xây dựng, phát triển và giữ gìn thương hiệu hồng Đà Lạt. “Hồng treo khi thành phẩm sẽ có giá cao hơn nhiều so với hồng tươi, khi thành lập HTX giá sẽ cao hơn và đầu ra ổn định.” Anh Long cho biết.
Anh Mai Xuân Long cho biết, hồng treo sẽ có giá cao hơn, đầu ra ổn định so với việc bán hồng tươi cho thương lái.
HTX hồng treo của anh Long hiện có 32 xã viên. Hàng năm, người dân thôn Đất Làng làm hồng treo từ hằng trăm tấn hồng tươi, đến nay HTX đã thành lập được khoảng 7 tháng và đăng kí thương hiệu độc quyền về sản phẩm hồng treo.
Giám đốc HTX Mai Xuân Long tiết lộ, để có những trái hồng treo người làm mất khá nhiều công đoạn. Sau khi thu hoạch về trái hồng sẽ được vặt hết tai xung quanh cuống, rửa sạch rồi gọt vỏ. Bước tiếp theo cần đưa hồng vào phòng vô khuẩn và xử lý bằng than, nhiều nhà có cách xử lý bằng điện và gas. Cuối cùng là đem hồng ra treo và đưa vào nhà kính.
“Trái lớn thì treo trong khoảng 30 ngày, trái nhỏ thì treo 20 ngày. Tùy vào thời tiết, nếu nắng đẹp thì trái hồng sẽ đẹp và lên màu đỏ tía. Nếu trời âm u, thiếu nắng thì hồng treo sẽ không thoát được nước gây rụng cuống coi như hỏng”, anh Long chia sẻ.Trái hồng treo đủ thời gian, đạt chuẩn thì người dân sẽ hạ giàn, đóng gói sau đó hút chân không và đưa vào hộp giấy, mang đi tiêu thụ theo hợp đồng hoặc các địa điểm du lịch trong và ngoài tỉnh.
Hiện nay, thị trường chỉ yếu của HTX là các tỉnh miền Nam như Sài Gòn, Cà Mau, Khánh Hòa…và các khu du lịch ở Lâm Đồng. Với giá bán 300 – 320 nghìn/kg, dự tính, riêng gia đình anh Long năm nay sẽ làm ra khoảng 2 tấn hồng treo thành phẩm, thu về khoảng 300 triệu đồng khi đã trừ hết chi phí.
Những trái hồng lượng đường vừa đủ, khi treo sẽ có màu đỏ đậm rất đẹp mắt.
Anh Mai Xuân Long đang kiểm tra lại ngày treo của mẻ hồng để tính toán ngày đóng gói.
Những dây hồng treo sát nhau được du khách ví như những dây đèn hoa đăng đẹp mắt.
Mẻ hồng treo vừa mới được anh Mai Xuân Long hạ giàn, chuẩn bị cho đóng gói, giao đến các cơ sở kinh doanh.
Anh Mai Xuân Long phải thường xuyên kiểm tra những dây hồng, tránh ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm.
Những dây hồng đã đủ ngày chuẩn bị được đưa ra đóng gói.
Góc máy khiến người xem như "lạc trôi" vào thiên đường hồng treo. Anh Mai Xuân Long cho biết:"Trước khi vào nhà treo cần phải khử trùng bằng cách xịt cồn công nghiệp để đảm bảo vệ sinh"
Theo Dân Việt