Quote1.jpg

Lữ Đắc Long bắt đầu sự nghiệp từ đầu những năm 1990, thuộc thế hệ đầu tiên của nghề cascadeur tại Việt Nam - khi ấy được gọi là diễn viên nhào lộn. Khi cố NSND Lý Huỳnh tìm diễn viên đóng thế, anh là ứng cử phù hợp nhờ khả năng nhào lộn, múa kiếm. Từ một võ sinh Karate, Lữ Đắc Long theo nghề và đóng thế cho diễn viên Lý Hùng trong gần 10 bộ phim.

Bộ phim đầu tiên anh tham gia là Thăng Long đệ nhất kiếm (1990). Dù có ngoại hình nhỏ trong khi Lý Hùng cao lớn, Lý Huỳnh vẫn bảo lãnh cho Lữ Đắc Long, giải thích với đạo diễn rằng anh có thể nhào lộn - kỹ năng hiếm lúc đó, chỉ cần cắt cảnh khéo léo để không lộ sự chênh lệch.

Ở các dự án đầu, Lữ Đắc Long chỉ múa võ, nhào lộn đơn giản. Đến phim Thanh gươm để lại, Võ sĩ bất đắc dĩ... anh được tin tưởng, một mình đóng thế cho nhiều diễn viên. Lý Huỳnh từng phải ghi chú cho anh: "Quân sĩ áo nâu lộn 5 cái, áo đen lộn 5 cái, Công Hậu 4 cái, Tuyết Ngân 2 cái, Diễm Hương 2 cái, Mộng Vân 2 cái, Lý Hùng bay xoắn 2 vòng...”. Nam diễn viên phải thay đến 40 bộ đồ khác nhau trong 1 dự án phim, bộ áo giáp của Lý Huỳnh nặng hơn 10kg.

Trước khi theo nghề cascadeur, Lữ Đắc Long thuộc thế hệ môn sinh thứ hai của võ đường karate Bảo Truyền, là “học trò ruột” của Bảo Hồng - người nối tiếp sư tổ Bảo Truyền. Bảo Hồng có tư duy cởi mở, không chỉ chú tâm dạy Karate mà cho học trò học thêm Taekwondo, quyền anh, Judo, nhào lộn để có các động tác đẹp hơn.

Theo Lữ Đắc Long, NSƯT Bạch Long đã góp phần “khai sinh” khái niệm cascadeur, khi mời nhóm nhào lộn đóng thế cho các nghệ sĩ Lệ Thuỷ, Thanh Thế trong các vở cải lương. Sau thành công của phim hành động Lệnh truy nã với sự tham gia của Lê Tiến Dũng, Hoàng Triều, Thuỳ Trang... giá trị của cascadeur dần được công nhận.

Năm 1992, Hoàng Triều khi đó là phó đạo diễn đã xin giấy phép của Hội Điện ảnh TPHCM để thành lập câu lạc bộ cascadeur. Sau đó, các đoàn phim Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp bắt đầu đến Việt Nam như Tạm biệt sông Ba, Miền Nam xa xăm, Kế hoạch 99, Hồng hải tặc... tạo thêm cơ hội việc làm và giúp CLB phát triển chuyên nghiệp hơn. Nhiều võ sĩ nổi tiếng như Nguyễn Thị Hồng Hải (Pencak Silat), Nguyễn Hồng Quỳ (Vovinam), Kim Thoa (võ cổ truyền) cũng tham gia, tạo nên không khí như một “đại hội anh hùng”.

Lữ Đắc Long cho biết, trước đây diễn viên Việt thường đá thật khiến đối phương phải né tránh, dẫn tới cảnh quay không chân thật. Khi ê-kíp Hong Kong sang Việt Nam phối hợp làm làm phim Hồng hải tặc sáng tạo cách choàng quần vào cánh tay để diễn, kết hợp hiệu ứng. Các cascadeur học hỏi những kỹ thuật này và truyền đạt lại cho thế hệ sau.

ẢnhDacLong.jpg

Theo Lữ Đắc Long, ê-kíp Mỹ đầu tư hoành tráng nhất với phim Người Mỹ trầm lặng (2002). Đoàn phim thuê vài con đường ở trung tâm TPHCM, đặt 2 quả bom trước Nhà hát TPHCM để tạo hiệu ứng cháy nổ; các cascadeur phải tập 7 ngày để diễn cảnh té ngã khi bom nổ. Trung bình cát-sê ở Việt Nam năm đó là 200 - 300.000 đồng/ngày, còn Người Mỹ trầm lặng trả 70 USD. Lữ Đắc Long được trả 300 USD, đỉnh điểm là 500 USD vì xung phong diễn những cảnh nguy hiểm như kẹt trong xe hơi đang bốc cháy.

Thời kỳ hoàng kim của các phim ca nhạc như Tiếu ngạo giang hồ, Thần điêu đại hiệp của nhạc sĩ Minh Vy và series Trọn đời bên em của Lý Hải, cascadeur thực hiện nhiều cảnh bay lượn, độn thổ, chưởng ra lửa, đóng giả đại bàng, đánh một lúc hơn 10 người... Các kỷ lục Việt Nam cũng xuất hiện từ thời kỳ này, như cảnh nhảy và rơi tự do từ lầu 8 của Bùi Minh Ân.

Trước khi có thiết bị bảo hộ như miếng bảo vệ gối, áo, dây bảo hiểm, cascadeur thường không quan tâm đến “tính khoa học” trong công việc mà lấy đam mê và khát khao trải nghiệm làm động lực.

Lữ Đắc Long từng bị phỏng vì hóa chất chống lửa chưa được thử nghiệm nhưng vẫn được đưa lên phim trường. Một lần khác, anh đội tóc giả mặc quần áo luộm thuộm để vào vai Tiểu Long Nữ, nhảy từ hòn cao nhất của Núi Ba Hòn (Nha Trang) xuống mà chưa từng tập luyện ở độ cao này. Nam diễn viên thừa nhận hai chân khi đó không ngừng run rẩy nhưng vẫn làm vì danh dự, nghĩa khí.

Thời điểm đó, các cascadeur diễn các cảnh bay lượn với dây cước nhỏ 2 ly, thay vì dây to, với nguy cơ đứt dây cao. Trong một dự án, tai nạn đứt dây xảy ra khiến 4 cascadeur rơi từ trên cao xuống, bị dây quấn nhiều vòng vào người nhưng vẫn may mắn sống sót.

Lần quay phim ở Malaysia, ê-kíp dùng kính thật thay vì kính chuyên biệt cho các cảnh hành động. Ở phân cảnh ngã vào kính xe hơi, do thiếu kinh nghiệm, đội kỹ thuật đã kích kíp nổ sai thời điểm khi cascadeur người Việt đập vào kính, khiến những mảnh kính găm vào đầu anh phải khâu 8 mũi nhưng không nguy hiểm tính mạng.

Sau khi xuất viện, đạo diễn đề nghị tăng thù lao từ 100 lên 200 USD mỗi ngày và vẫn yêu cầu cascadeur này quay lại phân cảnh tương tự. Các cascadeur trong nhóm động viên nhau đây là bản chất của nghề, mức thù lao 100 USD đã cao gấp 4 lần so với cascadeur Malaysia. May mắn thay, lần quay lại này, người điều khiển kíp nổ đã rút kinh nghiệm nên mọi việc diễn ra an toàn.

Trước đây, cascadeur đóng cảnh bị cháy với giá 3,5 triệu đồng nhưng khi đài truyền hình chỉ trả 1 triệu, diễn viên vẫn chấp nhận. Lữ Đắc Long thừa nhận anh và ê-kíp nổi tiếng vì sẵn sàng làm không công, giúp đỡ các đoàn phim khó khăn về tài chính. Khi đoàn phim chỉ có đủ chi phí cho 10 cascadeur, anh vẫn mang theo đoàn 15 người và sắp xếp cho họ ngủ chung phòng, ăn uống theo kiểu “người ăn, người nhịn”.

Lữ Đắc Long kể chuyến đi Ấn Độ năm 2006, mỗi cascadeur được trả 3.000 USD cho cả dự án - tương đương giải vé số độc đắc thời đó. Nhiều cascadeur chưa biết máy bay ra sao, chỉ muốn mở mang tầm mắt và thể hiện năng lực, không mấy quan tâm đến cát-sê. Họ được nhận mức thù lao 100 USD mỗi ngày vì có thể thực hiện những cảnh khó, trong khi cascadeur Ấn Độ chỉ được 25 USD.

Tuy nhiên, đây cũng là chuyến đi ám ảnh nhất trong sự nghiệp của Lữ Đắc Long, khiến anh quyết định bỏ nghề chỉ hỗ trợ và điều phối cho các học trò. Một sự cố với dây kéo khiến 25 cascadeur bay tự do vài chục mét, văng vào 7 tấm kính. Một cascadeur Ấn Độ chảy máu không ngừng, tưởng chừng không qua khỏi, nhiều cascadeur Việt hôn mê cả ngày trong bệnh viện. Rất may sau đó, tình hình khả quan một cách kỳ lạ, không ai tử vong.

Quote2.jpg

Lữ Đắc Long gặp bà xã khi học chung nghề may, kết hôn năm 2000. Ban đầu, Lữ Đắc Long không kể về sự nguy hiểm của công việc cascadeur, chỉ cho vợ thấy sự hào nhoáng khi làm việc với các ''ngôi sao'' như Mộng Vân, Lý Hùng. Mãi đến khi đã nghỉ nghề, bà xã mới hiểu rõ công việc của chồng. Lữ Đắc Long cho biết vợ hiền lành, luôn tin tưởng anh vì đã quen với chuyện chồng đi công tác dài ngày.

Gia đình Lữ Đắc Long cũng không hiểu rõ về nghề cascadeur. Những lần bị thương, anh đều giấu gia đình. Một lần, bị bỏng lưng phải vào bệnh viện, bị bác sĩ và y tá chê trách dù sợ vết thương nhiễm trùng, Lữ Đắc Long vẫn không dám về nhà, phải nằm sấp nửa tháng.

Theo Lữ Đắc Long, trong giới cascadeur, việc đóng những cảnh nguy hiểm được xem như cách tạo uy tín. Nghề này không được nhận bảo hiểm vì tần suất nhập viện quá cao. Khi câu lạc bộ cascadeur mới thành lập, nhờ sự giới thiệu, công ty bảo hiểm đồng ý nhận bảo hiểm cho cũng chỉ kéo dài hơn 1 năm.

Từ năm 1999, Lữ Đắc Long làm hai nghề: cascadeur và viết báo. Anh bắt đầu từ việc chụp ảnh cho phim Kế hoạch 99 và những người nổi tiếng như hoa hậu Lê Tư, Mạc Thiếu Thông. Việc kết hợp hai nghề cho anh nhiều lợi thế như cơ hội chụp những khoảnh khắc độc quyền của diễn viên trên trường quay.

Lữ Đắc Long cũng viết các bài phân tích về cách đánh võ của các diễn viên như Lý Hùng, Công Hậu, Quyền Linh - với góc nhìn của một cascadeur. Mối quan hệ trong giới nghệ sĩ giúp anh thực hiện các buổi phỏng vấn thuận lợi, trong thời điểm mà việc hẹn phỏng vấn nghệ sĩ rất khó khăn. Nam diễn viên kể, có thời điểm những bài viết của anh chiếm đến 16 trang trên báo Điện ảnh.

Quote3.jpg

Lữ Đắc Long hiện làm viết báo tự do, cộng tác với nhiều báo khác nhau và tiếp tục chụp ảnh cho nghệ sĩ và các dự án phim. Sau cuộc trò chuyện với VietNamNet, anh sẽ đến trường quay của phim Miền ảo vọng. 

Quyết định chuyển hướng sang nghề chụp ảnh và viết báo của Lữ Đắc Long xuất phát từ mong muốn phá bỏ định kiến rằng cascadeur chỉ biết “liều mạng vì tiền”. Nhiều đồng nghiệp của anh trở thành đạo diễn hành động cũng đã chứng minh điều này.

Lữ Đắc Long có hai con trai, sinh năm 1993 và 1994, đều không theo con đường võ thuật. Người con sinh năm 1994 hiện làm nghề quay phim chuyên nghiệp, được truyền cảm hứng từ những lần theo bố lên phim trường.

Đón đọc bài 4: Diễn viên Bảo Bảo 'yêu nghề hơn yêu tiền', chấn thương vì cảnh tông xe với tốc độ 40km/h

Bài: Thanh Phi
Ảnh: NVCC
Thiết kế: Minh Hòa