Tỉnh Hòa Bình là nơi cư trú của các đồng bào dân tộc thiểu số. Với hơn 74% số dân là dân tộc thiểu số, chung sống ở vùng đất này là dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông,... với 86 thôn, xóm đặc biệt khó khăn, trong đó có 38 thôn, xóm thuộc xã khu vực I và 48 thôn, xóm thuộc xã khu vực II vì vậy công tác xóa đói giảm nghèo vẫn luôn được sự quan tâm để nâng tầm về chất lượng, đi sâu vào cuộc sống. Chương trình này không chỉ được tập trung thực hiện có hiệu quả ở các xã có điều kiện kinh tế thuận lợi mà còn được đẩy mạnh tại các xã vùng cao, sâu, đặc biệt khó khăn để giúp nhân dân có cuộc sống ấm no hơn.

Để công tác xóa đói giảm nghèo được triển khai sâu rộng, thiết thực Tỉnh ủy Hòa Bình đã có nghị quyết số 04-NQ/TU về công tác xóa đói, giảm nghèo, lao động việc làm, đào tạo, dạy nghề và xuất khẩu lao động, tạo cho cuộc sống đồng bào các dân tộc trong tỉnh bước chuyển mới.

Ngay sau khi có Nghị quyết, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện thông qua các kế hoạch, chương trình hoạt động hàng năm và giai đoạn trong lĩnh vực này. Trong đó có văn bản phân công và chỉ đạo cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh giúp đỡ 79 xã vùng đặc biệt khó khăn.

Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo đã được tỉnh triển khai với nhiều giải pháp phù hợp như đầu tư kết cấu hạ tầng, vay vốn phát triển sản xuất, dạy nghề cho người nghèo, hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản đã tạo sự chuyển biến về nhận thức giảm nghèo ở các cấp, ngành và người dân, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống các hộ nghèo.

Đặc biệt, Nghị quyết đã được các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn tiếp nhận hưởng ứng và cụ thể hóa bằng nghị quyết chuyên đề về công tác xóa đói, giảm nghèo, đồng thời kiện toàn lại các ban chỉ đạo. Do đó, các chủ trương, chính sách và chương trình, dự án được các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp trên địa bàn triển khai, thực hiện đồng bộ.

Với sự triển khai bằng những việc làm cụ thể, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh như được tiếp thêm sức mạnh và trực tiếp, tích cực hưởng ứng tham gia bằng các hoạt động thiết thực để các hộ nghèo phát huy tinh thần tự lực, tự trọng, có khát vọng và chủ động nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo.

Trong quá trình thực hiện, với dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin nguồn vốn ngân sách Trung ương 11.210 triệu đồng, tỉnh Hòa Bình đang thực hiện đấu thầu triển khai nội dung tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động của đài truyền thanh xã cho 22 xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh đã chú trọng nâng cao năng lực cán bộ và truyền thông giảm nghèo; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho 2.730 cán bộ làm công tác xóa đói, giảm nghèo cấp huyện, xã

Thực hiện một số những công tác truyền thông về giảm nghèo đa chiều, Hoà Bình phối hợp các đơn vị truyền thông để tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về giảm nghèo.

Điển hình như phát sóng 5 phóng sự trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; xây dựng 06 chuyên mục và 02 clip tuyên truyền hoạt động giảm nghèo trên Báo Hòa Bình, cùng các bài viết và hình ảnh trên báo in, tạp chí điện tử của trung ương; xuất bản 6.000 cuốn bản tin giảm nghèo bền vững.

Những nội dung truyền thông đã kịp thời tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, những mô hình hay, những điển hình tiên tiến trong công tác giảm nghèo. 

Về dự án hỗ trợ phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội huyện nghèo (huyện Đà Bắc) với nguồn vốn ngân sách 49.015 triệu đồng, năm 2023, Chương trình đã cho khởi công mới 10 công trình và đã thực hiện xong 01 công trình đường khu tái định cư Mường Chiềng. Với 31 công trình chuyển tiếp từ năm 2022, đã có 02 công trình đi vào sử dụng, 17 công trình hoàn thành thi công và tiếp tục thi công 12 công trình còn lại.

Về đề án hỗ trợ một số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, xã đặc biệt khó khăn với nguồn vốn 73.719 triệu đồng, tỉnh Hòa Bình đã cho cải tạo, sửa chữa đường huyện (ĐH.34) từ ngã ba Ênh, xã Tân Minh đến xã Yên Hòa, huyện Đà Bắc; ngoài ra, tỉnh Hòa Bình hiện đang lựa chọn nhà thầu và duy tu bảo dưỡng 01 công trình. Bên cạnh đó, còn có những dự án khác như dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (37.471 triệu đồng); dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp (16.527 triệu đồng); dự án Cải thiện dinh dưỡng (4.298 triệu đồng).

Về dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững với nguồn vốn ngân sách Trung ương là 59.969 triệu đồng, hiện các đơn vị dạy nghề đang triển khai thực hiện việc đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy nghề, mở các lớp dạy nghề cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tham gia. Huyện Lạc Sơn được phân bổ kinh phí 4,5 tỷ đồng với dự án đào tạo nghề, tuyên truyền hướng nghiệp năm 2023, huyện đã tổ chức được 13 lớp dạy nghề với 425 học viên và 64 hội nghị tuyên truyền tại các xã, thị trấn. Ngoài nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia, huyện đã dành ngân sách từ 400 - 500 triệu đồng cho đào tạo nghề nông nghiệp và chuyển đổi nghề phi nông nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn lao động và tạo việc làm cho người lao động.

Trong thời gian tới, để giảm nghèo bền vững, Hoà Bình xác định, việc trước nhất là thay đổi được tư duy, nhận thức từ chính người dân, vậy nên công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để thay đổi căn bản tư duy, nhận thức, hành động các hộ nghèo rất được tỉnh đề cao. Bởi chỉ khi người dân phát huy được tinh thần tự lực, có khát vọng, chủ động, nỗ lực phấn đấu và vươn lên thì kết quả giảm nghèo mới bền vững, hạn chế được tài nghèo.

Trên tinh thần đó, Hoà Bình không ngừng đẩy mạnh các phong trào thi đua sâu rộng, lan tỏa trong toàn xã hội như: phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Ngày thứ Bảy cùng dân”; “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.

Bên cạnh đó, tỉnh tích cực kêu gọi các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tiếp tục đồng hành, chung tay với địa phương để có các hoạt động thiết thực, đóng góp hơn nữa cho công cuộc giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Tỉnh tiếp tục tập trung giải quyết các chiều thiếu hụt, thúc đẩy giảm nghèo bền vững; tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình với việc tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, tuyên truyền và lan tỏa thêm nhiều tấm gương điển hình trong công tác giảm nghèo nhằm khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên thoát nghèo; tiếp tục cải thiện những khó khăn, đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, đẩy mạnh hiệu quả chương trình, công tác truyền thông với mục đích nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội về công cuộc xóa đói giảm nghèo; lan tỏa thêm những tấm gương người tốt việc tốt, điển hình trong công tác giảm nghèo của tỉnh.

Với cách làm bài bản, chú trọng công tác truyên truyền, thay đổi nhận thức, chắc chắn những sắc màu ấm no sẽ lan toả rộng khắp tỉnh Hoà Bình. Mục tiêu đến hết năm 2023 tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 còn 2,5%.

Diệu Thùy, Đào Lý, Thu Hằng HP, Tuấn Anh và nhóm PV, BTV