- Đi qua 75 mùa xuân, xuân 2021 trong anh có còn đặc biệt?
Ô, mùa xuân là thời gian đặc biệt, năng lượng của vạn vật xung thiên. Gia đình tôi đang chuẩn bị đón xuân đây. Cây đào trong góc nhà đã vừa nở hoa rất đẹp. Sáng nào, chúng tôi cũng ngồi nhìn hoa nở. Chiều đến, Thư đón các con đi học về, chúng lại reo mừng khi gặp ba. Chỉ vậy thôi, lòng tôi như đã rộn rã mùa xuân! Với tôi, xuân không phải là sự đợi chờ đến một thời điểm đã định ta mới dọn dẹp nhà cửa, ăn bánh chưng, mặc áo mới và mang tâm hồn tươi vui như Tết.
Tôi không có gì nhiều để khoe nhưng tôi luôn sung sướng, hạnh phúc với những gì mình đang có. Tôi nhìn cành đào đâm chồi, đàn cá bơi trong bể, thầm tri ân sự sống đang hiện diện ở đây trong và quanh tôi, và tôi còn đủ minh mẫn, khỏe khoắn để nhận ra điều đó.
Gia đình chúng tôi nhắc nhở nhau từng điều nhỏ nhất hàng ngày. Sống với tôi, giờ Thư suy nghĩ trước tuổi của mình. Chúng tôi không còn nhiều nhu cầu ganh đua trong cuộc sống xối xả này nữa. Thư giúp tôi rất nhiều trong việc quân bình với cuộc sống chậm lại, nhận biết rõ được mình là ai, đang ở đâu.
Tôi nghĩ rằng tôi đang ở vị trí đúng nhất của đời mình. Tôi đón xuân trong niềm hân hoan tươi trẻ cùng gia đình. Chúng tôi đặt may áo mới, sửa soạn chụp bộ hình, cả nhà mặc áo dài truyền thống màu vàng, mua đồ chơi cho các bé và thể hiện những lời hứa nho nhỏ với nhau. Chúng tôi tự tạo những mini-xuân, mỗi ngày đều là một mini-xuân. Sáng hôm nay, mini-xuân của tôi là gặp bạn, và bạn cười nhiều lần rồi đấy nhé! Tôi xin nhận năng lượng tươi vui đó. Cảm ơn bạn.
- Những mùa xuân xưa khi anh ở Mỹ có gì đáng nhớ?
Hơn 40 năm ở Mỹ như một cuốn tạp chí, tôi có thể nhớ cảm giác mình lật từng trang nhưng không thể nhớ chúng viết gì. Song có lẽ, hơn 40 mùa xuân ấy, tôi chỉ ăn Tết cho có. Tết Âm lịch ở Mỹ chỉ dành cho thiểu số. Tôi ở trong cộng đồng người Việt ở Mỹ, sống gần nhau, có nhà ăn Tết sớm, nhà muộn. Ngày Tết, người ta bày những gian hàng ở hội chợ rất “gọi là”.
Vui thì có vui nhưng trong thâm tâm, tôi chấp nhận rằng đây không phải là quê hương. Đại khái là tôi bằng lòng, ít hay nhiều cũng được. Hồi 5 - 6 tuổi ở Việt Nam, tôi nhớ nhất pháo Tết. Mùi pháo đặc trưng, tiếng pháo nổ giòn như in vào tâm trí tôi, không quên được. Câu: Tôi yêu hương vị Tết ngày xưa (ca khúc Và tôi cũng yêu em – PV) chính xác là mùi pháo Tết. Năm tôi 15 – 16 tuổi, người ta cấm đốt pháo Tết. Với những đứa trẻ như chúng tôi, Tết mà không đốt pháo thì thiếu, lén đốt thì không sướng. Pháo chỉ sướng khi cả nước cùng đốt.
- Mùa xuân nào thiếu thốn của anh?
Câu hỏi này khá khó với ông già 74 tuổi như tôi. Nó giống như câu: Anh ưng ý ca khúc nào nhất trong các sáng tác của mình?, làm sao tôi nhớ xuể! Xuân 2021 là mùa xuân sung túc và hạnh phúc nhất của tôi. Tôi cũng có vài mùa xuân thiếu thốn nhưng có lẽ không đủ thiếu thốn để lưu vào bộ nhớ. Ký ức trong tôi đều là những mùa xuân đẹp. Ngay cả khi ấy, mùa xuân có thể không đẹp thì trí não chúng ta cũng có xu hướng tô hồng dĩ vãng. Điều này tốt hơn nhiều so với việc chúng ta cứ bóc vết thương cũ ra để có cớ nhắc lại những thương đau.
- Gia đình anh năm nay đón Tết ra sao?
Gia đình tôi có lệ ở nhà trong dịp Tết hoặc các ngày lễ lớn vì không muốn chen chúc, đường sá kẹt xe, dịch vụ hạn chế. Năm nay, có thể chúng tôi không về quê vợ thăm họ hàng. Mấy cháu nhà tôi có vài người bạn thân quanh đây, chúng tôi định tổ chức cho mấy cháu họp mặt cũng vui.
Việc tôi vào bếp nấu ăn hay gia đình chăm sóc lẫn nhau ngày Tết không có gì khác mọi ngày. Tôi thường nấu thịt kho trứng cút mà các cháu thích. Tôi có mối quen trên Gia Lai, thịt heo của họ ngon tuyệt. Kho một nồi thịt ngon với trứng cút đâu cần đợi Tết? Bánh chưng cũng vậy, tôi không thiếu mối bánh ngon. Quan trọng nhất là cái tâm của chính chúng ta. Tết có mặt ở đây nhưng liệu ta có mặt ở đây cho Tết hay không?
Từ cửa sổ phòng tôi có thể nhìn ra hoàng hôn rất đẹp mỗi ngày. Khoảng 17h20 mỗi chiều, tôi thành thói quen như một nghi lễ nhỏ là gọi vợ con cùng đứng ngắm. Hoàng hôn xuống thật đẹp nhưng cũng thật chậm. Tôi có gửi đến vợ tôi một lời nhắn: Ba cũng như hoàng hôn, đang từ từ đi xuống chân trời. Ngay cả khi đang đi xuống, Ba vẫn là một hoàng hôn đẹp. Mẹ hãy chấp nhận rằng tới một lúc nào đó, Ba sẽ lặn xuống, khuất mất khỏi chân trời, và chỉ còn lại một khoảng tối mà thôi. Đó là Ba đang chuyển hóa sang một ngày mới. Nếu một ngày dậy sớm, Mẹ sẽ thấy Ba trong ánh nắng bình minh.
- Anh nói điều này với chị từ bây giờ rồi sao?
Có lần, bé nhỏ của tôi ngây thơ hỏi: Ba sẽ chết trước mẹ đúng không? Tôi đáp rằng: Đúng rồi con, ba sanh trước mẹ lâu lắm nên chết trước là chắc rồi con yêu! Nhưng này con, trên đời này ai rồi chẳng chết đi? Ai cũng chẳng thể sống mãi được.
- Những ngày đầu năm mới chúng ta đề cập về cái chết, liệu có hơi bi quan chăng?
Người quen của tôi bên Mỹ qua đời khá nhiều vì bệnh tật, tuổi già, trầm cảm, bế tắc… Tôi chấp nhận chúng như sự thật, như một phần tất yếu của cuộc sống. Chúng ta ai chẳng chết, chỉ là khác nhau ngày giờ, nơi chốn và chết như thế nào thôi. Tôi nghĩ ta không nhất thiết phải né tránh sự thật. Chúng ta nói nhiều về nó sẽ thấy bình thường.
- Anh chuẩn bị gì để có lỡ ra đi cũng đỡ nặng lòng lo cho vợ con?
Với cương vị người cha, tôi đang làm tất cả những gì có thể để chuẩn bị cho tương lai của 2 đứa bé. Tôi tin rằng các con tôi lớn lên trên nền tảng của sự yêu thương sẽ có niềm tin và hiểu biết về cuộc đời vô thường này. Chúng ta luôn mong ước điều tốt đẹp nhất nhưng không biết trước cái gì sẽ xảy ra. Vì vậy, tốt nhất chúng ta sống trọn vẹn từng ngày với nhau trong tình yêu thương và sự quan tâm đến hạnh phúc và an vui của những người mình yêu quý.
Tôi có cách nhìn riêng với sự ra đi. Đến bây giờ, tôi không hề nghĩ Chí Tài đã chết. Cậu ấy chỉ chuyển hóa. Làm sao một nguồn năng lượng tồn tại sống động như thế lại có thể biến mất tuyệt đối? Chẳng qua, chúng ta xem việc đặt họ vào quan tài, chôn cất hoặc hỏa táng là sự chấm dứt. Nhưng chẳng có gì chấm dứt ở đây cả.
Sự hiện hữu chỉ tiếp tục cuộc hành trình về nguồn, đang chuyển hóa từ dạng năng lượng này sang dạng năng lượng khác mà trí năng và những dụng cụ đo lường còn thô thiển của khoa học hiện đại chưa thể nhận ra. Tôi thích câu chuyện về một đám mây sợ chết. Nó chuyển hóa thành mưa, trở thành một phần của dòng sông, sau đó lại bốc hơi và ngưng tụ thành mây. Làm sao để bạn nói đó là đám mây nào?
Vậy vấn đề ở việc làm sao để chúng ta nói cho người thân của mình rằng: Đừng khóc thương khi tôi ra đi. Được sống là hạnh phúc và hãy nhớ rằng, những ngày sống cùng nhau, chúng ta đã sống trọn vẹn với nhau thì đừng thương tiếc cái cũ, hãy đón chờ cái mới! Giả dụ trong 7,8 tỷ người, chỉ có mỗi ông Đức Huy phải chết thì ông ấy đáng được khóc đấy chứ. Đằng này, ai cũng chết như nhau mà. Chúng ta cố đòi hỏi cái bất thường, khổ tâm là phải!
- Nhìn lại 2020, anh thấy gì và mong gì trong năm mới 2021?
Là năm “lịch sử” lớn nhất của tôi. Nó tổng kết tất cả thứ tôi chiêm nghiệm với góc nhìn hoàn toàn mới. Sự sống rất mong manh và quí giá từng giây phút. Chúng ta rất dễ bị tổn thương. Một loại virus bé xíu như Covid-19 lại có thể tấn công loài người không phân biệt giàu nghèo, già trẻ lớn bé, quốc tịch, tôn giáo… Hóa ra, văn minh con người vẫn chưa là gì cả. Và chúng ta là một, cùng một lịch trình là duy trì sự sống.
Phạm vi nhỏ hơn, dịch bệnh cho tôi thấy phải trân quý và sống cho từng giây phút hiện tại. Nếu tôi không quân bình, vợ và con tôi cũng sẽ không quân bình, thậm chí phát tán sự không quân bình của mình đến những người khác. Hơn bao giờ hết, chúng ta phải nương tựa và biết thương yêu lẫn nhau. Đó là thông điệp lớn nhất là dịch bệnh cho tôi.
Sự hạn chế công việc là rõ ràng nhưng tôi yêu mình hơn, biết rằng tôi đã biết cách và có thể thích ứng với hoàn cảnh mới một cách khá trơn tru như vậy.
Tôi chưa một lần chọn thái độ bi quan. Trong một bài phỏng vấn, người ta hỏi Thư: Khi anh Huy buồn, anh ấy làm gì? Nhưng lâu lắm rồi tôi không có khoảnh khắc buồn rầu, lo âu thì biết trả lời thế nào đây?
Ở tuổi này, tôi trân trọng mọi mối duyên. Tôi không xem cuộc trò chuyện này là PR hay công việc. Tôi đã kiếm tiền, kiếm danh cả đời rồi. Ai cũng tham việc nhưng có bao giờ làm hết việc đâu? Vì vậy, tôi cố gắng quân bình mọi thứ, không để những bất an kết thành “khối u”, lúc ấy sợ rằng muộn phiền đã đến gõ cửa mất rồi.
Chúng ta đều là những người đi trên dây, ngả sang bên nào cũng không được mà phải luôn quân bình. Tôi đã buông bỏ đi nhiều trách móc, giận hờn, bực tức, cuộc đời đã ban cho tôi quá nhiều điều mơ ước. Người ta hay nói: Làm người khó quá. Thực ra, làm người có khó gì đâu? Chỉ cần là chính mình mà thôi.
Đức Huy đàn, hát 'Và tôi cũng yêu em':
Gia Bảo
Sống với vợ kém 44 tuổi, nhạc sĩ Đức Huy đam mê rửa bát
- Gặp nhạc sĩ Đức Huy trong một chiều nghe ông nói về sự mầu nhiệm của việc "dừng lại" trong lẽ sống mà ông chỉ vừa nhận ra ở tuổi 73.