Tuyên bố của ông Sergei Chemezov được Lenta đăng tải ngày 6/6, tên lửa Iskander đã bị cấm xuất khẩu và sẽ không được bán ra nước ngoài, mặc dù tên lửa này đang nhận được sự quan tâm của rất nhiều khách hàng, trong đó có Saudi Arabia.

"Saudi Arabia thường xuyên hỏi chúng tôi về hệ thống tên lửa Iskander, nhưng thực tế, Iskander nằm trong danh sách sản phẩm bị cấm xuất khẩu và chúng tôi không có ý định phá lệ. Đây là vũ khí tiến công đáng gờm, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân", ông Chemezov nói.

Sẽ không có gì đáng nói về tuyên bố của ông Chemezov nếu như hiện nay, Nga không đang tiến hành sản xuất loạt với Iskaner-E - phiên bản chỉ dùng cho xuất khẩu.

Ngoài ra, hồi cuối năm 2015, Giám đốc điều hành Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport, ông Anatoly Isaikin còn công bố danh sách những khách hàng được phép mua Iskander-E. Trong đó có, Belarus, Kazakhstan, Ấn Độ, Việt Nam… và không có tên Trung Quốc.

Nếu tuyên bố của ông Sergei Chemezov là chính xác thì ngoài phiên bản Iskander-M đã được Nga đưa vào trang bị và Iskander-K đang thử nghiệm để dùng trong nước, thì phiên bản Iskander-E đang được sản xuất loạt dùng cho xuất khẩu không biết dùng vào mục đích gì.

Theo số liệu của chính các chuyên gia trong Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ, tên lửa Iskander có những tính năng độc nhất vô nhị, khả năng ưu việt và hiệu quả gấp 5-8 lần so với các tên lửa cùng loại của các nước ngoài.

Đặc biệt, Iskander được chế tạo trên cơ sở công nghệ “tàng hình” độc đáo của riêng người Nga – công nghệ tàng hình plasma. Vì thế, hệ thống phòng không của đối phương rất khó đánh chặn, nếu không muốn nói là không thể.

Iskander sử dụng một tầng nhiên liệu đẩy, trang bị hệ thống dẫn đường đầy đủ, chiều dài của tên lửa là 7,2 m, đường kính 0,95 m, trọng lượng phóng 3,8 tấn, đầu đạn nặng 380 kg.

Tên lửa có thể tấn công các mục tiêu của đối phương với độ chính xác CEP chỉ 2 m. Ngoài ra, sự nguy hiểm của Iskander còn ở khả năng mang cả đầu đạn thông thường cũng như đầu đạn hạt nhân.

Theo Đất Việt