- Khi giữ cương vị Phó Giám đốc (PGĐ) khu vực phía Bắc của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, bà được mệnh danh như một ‘người đàn bà thép’ sát cánh cùng nhạc sĩ Phó Đức Phương một chặng đường dài. Nhìn lại quãng thời gian đan xen giữa vinh quang và thị phi, bà thấy nhớ điều nhất?
Từng giữ chức vụ PGĐ khu vực nên tôi rất gần với nhạc sĩ Phó Đức Phương. Tôi nhận thấy ông ấy là người có nhiều ưu điểm như say mê công việc, đã không làm thì thôi mà làm phải đến nơi đến chốn, dù thất bại hay thành công.
Nhiều người cho rằng việc nhạc sĩ Phó Đức Phương từ bỏ sự nghiệp sáng tác, chuyển sang làm về bản quyền là sự đánh đổi để thu về nhiều lợi lộc hơn. Đó là do họ không hiểu gì về con người ông ấy.
Tất nhiên cái gì dính đến tiền sẽ có thị phi. Thế nhưng, trong cuộc đời vẫn có những người sống chỉ vì đam mê, họ đã quyết phải làm cho bằng được, giống như một người "hâm" đốt mất một bao diêm chỉ để tìm được một bao diêm khác - Phó Đức Phương chính là một người như vậy.
Nhiều người nói tôi quá nguyên tắc và cho rằng chỉ cần bớt chút đôi bên cùng có lợi. Nhưng họ quên rằng, quan hệ quyền tác giả là 3 bên: bên sử dụng, bên cấp phép sử dụng và bên ủy thác quyền. Nếu bên sử dụng chia lợi với bên cấp phép quyền thì bên ủy thác (nhạc sĩ) sẽ bị thiệt hại. Một cốc cà phê, tôi cũng không uống chứ đừng nói đến việc chia sẻ vài phần trăm số tiền phải nộp của bên sử dụng.
- Trước đó, công việc làm báo đang diễn ra rất thuận lợi, vậy tại sao bà quyết định chuyển sang lĩnh vực bản quyền?
Một phần vì tình bạn với nhạc sĩ Phó Đức Phương. Phần còn lại vì trong quá trình làm báo, tôi được tìm hiểu sâu về luật, càng biết được bao nhiêu câu chữ của tôi lại càng chính xác bấy nhiêu. Mọi vấn đề được nhìn dưới con mắt của pháp luật nên tôi có niềm say mê nhất định và trở thành chuyên gia về quyền tác giả.
- Giới văn nghệ sĩ thường không thể tránh khỏi tin đồn về tình cảm, bà có thể chia sẻ thêm về những câu chuyện xung quanh mình không?
Lúc trẻ, tôi cũng có nhiều có mối quan hệ, họ đồn tôi với ca sĩ Ngọc Tân, với nhạc sĩ Phó Đức Phương, người nọ người kia… Người đời chỉ nhìn từ bên ngoài mà đồn đoán chuyện tình cảm, thực tế tôi và các ông ấy rất thân thiết nhưng với tư cách bạn bè. Chúng tôi đều thấy rằng tình bạn thực sự giàu tính văn hoá và biết cảm thông cho nhau, thích hơn tình yêu.
Khi không bị gò bó bởi giới hạn tình yêu thì tâm sự thoải mái hơn, có thể dễ dàng chia sẻ ‘tới đáy’ câu chuyện của mỗi người. Khi yêu, khó nói được tất cả những đau khổ tận cùng bên trong hay niềm vui bất chợt, nói ra có khi động chạm tới “đối tác” - bởi đây là một mối quan hệ rất cần giới hạn.
Nhưng trong tình bạn thì thoải mái hơn nhiều. Bạn chân thành, thật sự cũng sâu sắc lắm, nếu mất nhau cũng đau như mất tình yêu ấy chứ… (cười).
- Ngoài công việc, ''chất thép'' trong bản thể còn được thể hiện trong khía cạnh nào khác của bà?
Thực ra, trong tôi có 2 con người rất rõ ràng, đa tình đa cảm bao nhiêu cũng "rắn" bấy nhiêu. Tôi "rắn" với chính bản thân và con cái. Tôi yêu chúng bao nhiêu thì khắt khe bấy nhiêu.
Các con tôi được sinh ra từ thập niên 1970, cái thời có không ít người vướng vào tệ nạn xã hội, nhưng nhờ kỷ luật thép của tôi, hai con đều trưởng thành và có địa vị trong xã hội. Con gái định cư bên Mỹ và làm giáo viên tiểu học, hai cháu ngoại được giấy khen của Tổng thống. Con trai tôi cũng là một luật sư có tiếng, các cháu nội học giỏi và giao tiếp tiếng Anh như người bản xứ…
Có người nói nuôi dạy như vậy không khác nào ‘đánh cắp tuổi thơ’ của trẻ. Nhưng tôi cho rằng, tuỳ thuộc vào sự phân bổ thời gian một cách chính xác con trẻ vừa được vui chơi vừa có kết quả học hành tử tế. Chiều chuộng, thả lỏng làm cho bọn trẻ như đám cỏ dại phát triển tự nhiên, dẫn đến sự thất bại của người lớn trong tương lai.
Bản thân tôi, muốn dạy được con cháu trước tiên phải kỷ luật với chính mình. Rượu bia, cà phê, tám chuyện, mơ mộng… đủ cả. Nhưng tôi biết chừng mực, không để mọi chuyện đi quá xa. Chỉ trừ cảm xúc trong sáng tác tôi để mặc cho phát triển hết cỡ. Xem tranh hay đọc sách của tôi sẽ thấy… giữ được như vậy không hề dễ.
Tôi có một studio Phố Hoài khá thơ mộng, rộng rãi. Nhiều người xui đầu tư xây cao lên cho thuê thì tiền tiêu không hết, chả phải làm gì mà tận hưởng cuộc sống nhàn hạ và đắm mình trong những chuyến… phiêu lưu.
Nhưng tôi biết, như vậy đồng nghĩa với chết, sống một cuộc đời vô nghĩa… À mà quan niệm cá nhân thôi. Tôi có chất thép ở chỗ đó.
- Bà có tiếc nuối điều gì sau quãng thời gian làm việc tại Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam không?
Suốt 7 năm cống hiến, tôi thấy rất hài lòng. Khi nghỉ việc, tôi không ân hận hay tiếc nuối gì vì lúc bấy giờ đã có tuổi, cộng thêm việc sau chuyến đi sang Mỹ thăm con, tôi có cơ hội vẽ lại và nhận thấy tay nghề của mình chưa hề thui chột. Về Việt Nam, tôi xin thôi việc và quyết định mở studio riêng. Chỉ 8 tháng sau tôi đã có triển lãm đầu tay, một năm sau lại có triển lãm thứ hai…
Hội họa hay văn học đem đến cho tôi niềm vui bất tận. Tôi cho rằng, người ta rơi vào buồn chán vì họ không tìm thấy niềm vui trong sáng tạo.
- Bà vừa chia sẻ rằng sau khi về Việt Nam thì quay lại với nghiệp vẽ, vậy trước đây bà đã bén duyên với hội họa như thế nào?
Nói vậy vì tôi từng theo học hoạ sĩ Phạm Viết Song từ năm 13, 14 tuổi. Cũng nhờ đó, tôi mới được gặp ông xã. Chồng tôi học khóa trước, nhưng ông ấy là người thuê mẫu, sau đó chúng tôi đến nhà để vẽ nhờ. Tôi thấy ông ấy vẽ hay quá, lúc đó tôi vừa mê vẽ, vừa mê trai nên cuối cùng hai người về chung một nhà (cười).
Sau này, tôi thi đỗ Đại học Mỹ thuật Công nghiệp khoá 1973-1978, nhưng lúc đó chồng tôi cũng là hoạ sĩ, mà trong nhà có hai hoạ sĩ thì đói nên tôi không bước tiếp trên con đường hội hoạ.
Mãi đến năm 2019, khi tôi lên Facebook khoe những bức tranh ngây ngô của mình thì tiếp cận được họa sĩ Hải Kiên. Anh chỉ ra những điểm yếu và khen tôi có khả năng phát triển. Gặp được Hải Kiên, tôi mới có ngày hôm nay.
- Đa phần nghệ sĩ đề cao sự cô đơn để sáng tạo và có được sự bứt phá trong tác phẩm của họ. Với bà, sự cô đơn có ý nghĩa như thế nào?
Sự cô đơn trong sáng tạo là có thật. Nếu như không có những khoảng lặng để suy tư, gom cảm xúc lại sẽ không thể tập trung sáng tác, dẫn đến tình trạng trùng lặp phải vay mượn ý tưởng. Nếu như lúc nào mình cũng vui vẻ, sung túc giữa dòng đời sẽ không thể cảm nhận được nỗi khổ đau, sự tiêu cực của người khác. Không có cô đơn, tĩnh lặng rất khó tập trung cảm xúc, vì trước đám đông, cảm xúc rất dễ bị chi phối và phụ thuộc vào người khác.
- Ở thời điểm hiện tại, bà quan niệm như thế nào về hạnh phúc?
Có hàng trăm kiểu định nghĩa về hạnh phúc, ví dụ như nhà đang mất điện mà có điện trở lại thôi cũng là một kiểu hạnh phúc. Hạnh phúc đơn giản nhất là được làm điều mình muốn, nếu đem lại thành công đó là một con đường thú vị.
Với tôi, hạnh phúc là ta lựa chọn cô đơn chứ không phải cô đơn chọn ta, còn ta bị động trong cô đơn thì sẽ bất hạnh.
- Có phải vì suy nghĩ phóng khoáng ấy mà bà chọn cách sống riêng biệt - xa các con. Tôi đang thắc mắc là khi bà đau ốm, ai là người ở bên chăm sóc?
Vì ít con nên khi đau ốm, tôi cũng có cảm giác cô đơn, trước đây cứ 2 năm gia đình con gái tôi sẽ về Việt Nam một lần, nhưng vì dịch Covid-19 nên phải đợi thêm 2 năm nữa, tới giờ đã gần 5 năm chưa đoàn tụ. Con trai tuy ở gần nhưng luôn bận bịu, thời gian đến chăm sóc tôi không nhiều, có con dâu ghé thăm tôi thường xuyên hơn và studio Phố Hoài trở thành không gian để gia đình sum họp.